Bất ngờ thú vị với đề văn

22/06/2012 03:05 GMT+7

Học sinh (HS) thi vào lớp 10 tại TP.HCM trong ngày hôm qua (21.6) khá thích thú với đề thi môn ngữ văn.

>> Tuyển sinh lớp 10: Đề văn bàn về bệnh vô cảm của giới trẻ hiện nay
>> Gợi ý giải đề thi môn Văn

Đặc biệt câu hỏi số 3 nhắc đến hai câu chuyện thể hiện thói vô cảm của một bộ phận giới trẻ ngày nay và yêu cầu HS trình bày suy nghĩ về hiện tượng này.

Bất ngờ thú vị với đề văn - nd 
Cha lo lắng, hỏi han về bài thi của con tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Xúc động rơi nước mắt

Nhiều HS cho rằng đây là câu hỏi hay và gắn với thực tế. Có HS còn cho biết đọc đề xong xúc động muốn rơi nước mắt.

 
Đề thi bàn về sự vô cảm

Trong loạt bài trên Báo Tuổi Trẻ chủ nhật bàn về thế hệ gấu bông có đề cập hai hiện tượng:

1. Một cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quệt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè!”.

2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng, không trả lời được.

Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi).

Ngọc Mai (HS Trường THCS Đồng Khởi, Q.1) trao đổi với chúng tôi trong cảm xúc đặc biệt: “Vừa đọc câu 3, em nhớ ngay đến cha mình. Cha em chạy xe ôm để nuôi em ăn học. Nhưng em không mặc cảm, hoặc có thái độ khinh khi cha. Em đã kịch liệt lên án hành động, thái độ thờ ơ của 2 trường hợp trong đề bài”. Tuấn Kiệt (thi tại Trường THCS Chu Văn An, Q.1) cho rằng đề thi mang tính thực tiễn. “Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đã vô cảm trước tình cảm của cha mẹ, thường chạy theo sự ích kỷ cá nhân. Đề thi như một sự thức tỉnh đối với các bạn trẻ về tình mẫu tử”, Kiệt xúc động nói. Còn em Nguyễn Bình Minh thi tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: “Đề văn năm nay ra theo hướng mở, sát với thực tế xã hội. Đặc biệt đề văn nghị luận nói về sự vô tâm, vô cảm. Em phân tích để làm rõ những biểu hiện của lối sống thờ ơ đang rất phổ biến trong giới trẻ hiện nay”.

Chuyển biến tích cực

Bà Triệu Thị Huệ - Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho hay: “Nội dung đề thi năm nay thú vị và hấp dẫn. Đặc biệt câu hỏi số 3, số 4 chính là điểm nhấn. Từ khi TP.HCM tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đến nay, chưa khi nào trong đề bài nghị luận xã hội đề cập đến 2 hiện tượng, 2 câu chuyện cụ thể diễn ra trong cuộc sống hằng ngày để phản ánh về lối sống của bạn trẻ hiện nay”.

Bà Huệ tâm đắc: “Đề thi còn gây bất ngờ với những HS đã quen với cách học, làm bài một cách thụ động. Trong câu hỏi số 4 thay vì đưa ra một đoạn thơ cố định trong một bài thơ cố định thì đề lại mở hoàn toàn để HS tự chọn cho mình một khổ thơ mình thấy thích thú. Với dạng đề mở như vậy cũng đòi hỏi bản lĩnh và sự bao quát chương trình của giám khảo”.

Đề thi còn thú vị ở chỗ tạo nên nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Hữu Dương - giáo viên văn Trường THPT dân lập Vĩnh Viễn, nhận xét: “Đề thi đặt ra một vấn đề nghiêm túc để HS suy nghĩ. Tuy vậy từ 2 hiện tượng này, HS sẽ cảm nhận theo những cách khác nhau, ở nhiều góc độ và có những suy nghĩ không đúng hoàn toàn, không sai hoàn toàn. Ở sự việc thứ nhất, nếu có những lo sợ về an toàn, những tình huống kẻ gian dàn cảnh để cướp xe thì sự thờ ơ kia của em bé đó không hoàn toàn sai. Tương tự, ở câu chuyện thứ 2, hiện nay có khá nhiều gia đình ba mẹ mải mê với công việc, ít chăm lo cho con cái, đi làm từ sáng đến tối thì chuyện cậu bé không biết sở thích, mơ hồ nghề nghiệp của cha mẹ mình có lẽ cũng không phải là chuyện lạ”.

Thế nhưng, ông Dương cũng khẳng định, khuynh hướng ra đề khá mới, tiệm cận với thời sự với hiện tại của xã hội. Và ở một góc độ nào đó, đề văn đã thực sự kéo văn học lại gần với hiện thực cuộc sống.

Như vậy đang có chuyển biến tích cực trong việc ra đề ngữ văn ở các kỳ thi tuyển. Trước đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, “thói dối trá” cũng được đề cập đến trong đề thi ngữ văn. Đề thi môn địa lý trong kỳ thi này cũng đầy tính thời sự khi có đến 3 câu liên quan đến vấn đề biển đảo, chuyện chủ quyền… Đề thi mở, mang tính thời sự và đòi hỏi học sinh suy nghĩ về xã hội được đông đảo dư luận đồng thuận.

B.Thanh - M.Luân - Đ.Nguyên - H.Thu - H.Yến -L.Hường

>> Gợi ý giải đề thi môn Toán
>> Gợi ý giải đề thi môn Ngoại ngữ
>> Thi vào lớp 10 THPT tại Đà Nẵng: Nhiều thí sinh trật “tủ” môn Văn
>> Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM: Cần điều chỉnh đáp án môn Văn
>> Bắt đầu tuyển sinh lớp 10
>> “Nóng” tuyển sinh lớp 10 vào trường ngoài công lập
>> Tuyển sinh lớp 10 ở các địa phương
>> Vừa học vừa chán môn văn: Cần một chương trình mở
>> Vừa học vừa chán môn văn - Kỳ 2: Cắt xén tác phẩm văn học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.