Với cuốn Sát thủ đầu mưng mủ được coi là "hiện tượng xuất bản" của năm 2011, tên tuổi Thành Phong được nhắc đến rất nhiều với một thể loại sách mới: Sách tranh minh họa.
Anh vừa giới thiệu tác phẩm Bé lợn, lớn bò với góc nhìn cũng khá hài hước. Nhân dịp này, Thanh Niên có cuộc trò chuyện với Thành Phong.
Một đặc điểm rất dễ nhận ra ở những tác phẩm của Thành Phong là góc nhìn khá hài hước về những vấn đề bức xúc trong xã hội, được nhiều người quan tâm. Đây có phải là điều anh đang muốn hướng tới?
|
Thật ra đây là một hướng phát triển đề tài hiện nay của tôi. Có thể trong đó có hơi hướng biếm họa, nhưng còn tùy vào từng sự kiện mà gây cảm hứng cho tôi. Hằng ngày, tôi thường xuyên theo dõi thời sự rồi ghi chép lại những sự kiện đáng chú ý. Sau đó, nếu những ghi chép đó phù hợp với những dự án đang phát triển tôi sẽ đưa vào. Ví dụ, tác phẩm Bé lợn, lớn bò mà tôi trưng bày tại triển lãm Tôi vẽ tôi (từ 13.6 đến 24.7.2012, tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội) chẳng hạn. Câu chuyện xuất phát từ một vấn đề khá bức xúc và ám ảnh bất cứ người dân nào: Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Như vậy, ngay từ cái tên anh đã muốn làm bật lên sự mâu thuẫn?
|
Đúng vậy, tên tác phẩm là sự tóm tắt cô đọng ý tưởng xuyên suốt của truyện: một quá trình làm giả, hô biến từ thịt lợn thành thịt bò của các gian thương (lúc bé là lợn, lớn lên là bò). Tôi khá tâm đắc với cái tên này vì nó nói lên một cái gì đấy không đúng, không ổn. Sự không ổn này không chỉ trong vấn đề vệ sinh thực phẩm mà còn không ổn trong phương thức giáo dục hiện nay mà tôi có đề cập trong tác phẩm này. Với trẻ em, hướng phát triển của chúng vốn tự nhiên thì hiện giờ chúng lại đang bị gò ép vào khuôn khổ. Và khi lớn lên những đứa trẻ đó sẽ biến thành người khác chứ không còn là chính nó nữa.
|
Tóm lại, cả hai vấn đề trong Bé lợn, lớn bò đều chung một gốc. Đó là sự phi tự nhiên. Đầu tiên là sự gò ép trẻ em phát triển theo khuôn mẫu, tiếp đó là những hình thức buôn gian bán lận. Theo tôi, để vẽ về xã hội hiện nay có rất nhiều đề tài và đây là một mảnh đất rộng để cho các tác giả cày bừa trên đó.
Anh từng nói rằng "nghề họa sĩ truyện tranh ở Việt Nam là một nghề không thấy trước được tương lai". Phải chăng anh đang gặp phải những rào cản của chính mình?
Thật ra không phải tôi có suy nghĩ tiêu cực hay tự dựng rào cản cho mình, mà đơn giản là muốn có một cái nhìn thực tế hơn mà thôi. Tôi muốn nhìn rõ bản chất của tình hình để không huyễn hoặc bản thân. Và tôi nghĩ mình đang rất may mắn vì được sống bằng đam mê của mình. Hiện tôi đang thực hiện một cuốn sách, nói đúng hơn là một dự án tương tự cuốn Sát thủ đầu mưng mủ nhưng lấy bối cảnh là thời bao cấp. Dự kiến cuốn sách có thể xuất bản vào cuối năm nay. Với dự án mới này, tôi vẫn tiếp tục khai thác thể loại sách tranh minh họa và cũng sẽ là một cuốn từ điển ngôn ngữ.
Sau "sự cố" của cuốn Sát thủ đầu mưng mủ, anh có rút kinh nghiệm cho cuốn sách mới ra mắt sắp tới?
Theo tôi, sự phản hồi trái chiều của độc giả là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ nếu không có việc thu hồi sách thì cuốn Sát thủ đầu mưng mủ cũng sẽ chỉ là một trong những cuốn sách mới ra gây tranh cãi mà thôi. Tôi không e sợ trước những ý kiến trái chiều của dư luận.
Hải Anh
(thực hiện)
>> Sát thủ đầu mưng mủ" tái xuất với chuyện heo siêu nạc
>> Họa sĩ “tiếp thị” truyện tranh
>> Truyện tranh về Cher “hút hàng”
>> Bạn trẻ sáng tác truyện tranh
Bình luận (0)