Đến lượt người dân sống tại chung cư bị cắt gas

27/06/2012 08:00 GMT+7

Sau những vụ bị cắt thang máy, bị cấm để ô tô trong nhà xe, đến lượt người dân tại một chung cư ở Hà Nội bị cắt gas nấu bếp vì không đạt được thỏa thuận với nhà cung cấp.

Trưa 26.6, hàng trăm người dân sống tại chung cư I9 (P.Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) tập trung trước sảnh tòa nhà phản đối việc Công ty cổ phần dầu khí Sông Hồng (gọi chung là Công ty Sông Hồng) đột nhiên ngừng cung cấp gas, những người dân này cũng đã gửi đơn kiến nghị đến một số cơ quan chức năng nhờ giải quyết vụ việc.

Qua tìm hiểu, phóng viên Thanh Niên được biết Công ty Sông Hồng cung cấp gas cho tòa nhà từ năm 2005 với mức tỷ trọng thỏa thuận là 2,2 kg/m3 để tính tiền theo giá gas trên thị trường cho mỗi m3. Từ tháng 12.2011, đơn vị này tự nâng tỷ trọng lên thành 2,35 kg/m3.

“Bà con phản đối nên công ty Sông Hồng đồng ý trả lại số tiền chênh lệch trước đó nhưng thông báo từ tháng 5.2012 vẫn áp dụng tỷ trọng 2,35 kg/m3”, ông Lê Đình Cước - Trưởng ban quản trị nhà I9 - cho biết.

 Đến lượt gas chung cư bị cắt
Chủ căn hộ số 9 tầng 8 nhà I9 phải mua gas bình về dùng - Ảnh: Lê Quân

Cũng theo ông Cước, đại diện cư dân tại chung cư I9 và công ty Sông Hồng hồi tháng 5 vừa qua đã nhất trí mời Trung tâm kỹ thuật 1, Tổng cục Đo lường chất lượng đến lấy mẫu để thẩm định tỷ trọng gas nhưng khi cán bộ Tổng cục đến thì công ty Sông Hồng lại không mở cửa trạm gas nên việc kiểm định chưa thực hiện được.

Theo ông Đào Mạnh Bình, tổ trưởng tổ dân phố nhà I9, công ty Sông Hồng tự thay đổi hệ số đo lường là vi phạm hợp đồng ký với các hộ dân nhà I9.

Khi thay đổi hệ số đo lường, đơn vị này cũng không đề cập đến việc ký lại hợp đồng. “Khi mua căn hộ, chúng tôi phải trả thêm tiền cho các dịch vụ như gas, điện… của tòa nhà. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu thay đổi đơn vị cung cấp gas thì công ty Sông Hồng không đồng ý”, ông Bình cho biết thêm.

Theo ông Kiều Văn Phúc - Trưởng ban quản lý nhà I9, sáng 26.6, khi công ty Sông Hồng đến thông báo ngừng cung cấp gas và khóa van, nhiều hộ dân phải mua gas bình về sử dụng, đây là việc có thể gây mất an toàn vì không phù hợp với thiết kế của tòa nhà.

Cũng theo ông Phúc, sáng 26.6, Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội đã kiểm tra trạm gas ở đây và phát hiện một số yếu tố "mất an toàn".

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Dũng - Trưởng phòng kinh doanh công ty Sông Hồng - cho biết, trạm cung cấp gas cho nhà I9 thuộc sở hữu của công ty Sông Hồng, còn hệ thống cấp gas từ chân tòa nhà đến từng căn hộ là của tòa nhà.

Ông Dũng cũng khẳng định công ty đã thông báo bằng văn bản từ ngày 19.4, sau 30 ngày không giải quyết được mới ngừng cấp gas.

Cũng theo ông Dũng, việc thay đổi hệ số quy đổi là để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và “dựa trên tiêu chuẩn quốc tế chứ công ty không tự nghĩ ra”.

Về hướng giải quyết với cư dân đang sinh sống tại chung cư I9, đại diện công ty Sông Hồng khẳng định sẽ ngừng cung cấp gas cho đến khi đạt được thỏa thuận mới.

Được biết, cư dân nhà I9 đã tham khảo cả Văn phòng tư vấn khiếu nại thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và được cơ quan này cho biết: cư dân tại chung cư I9 đã bị xâm hại quyền lựa chọn theo luật định, bị áp đặt theo thế độc quyền không bình đẳng.

Văn phòng này cũng khẳng định, công ty Sông Hồng tự ý nâng tỷ trọng gas từ 2,2 kg/m3 lên 2,35 kg/m3 và ngừng cung cấp gas là không đúng với hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Lê Quân

>> Phát hiện nhiều điểm sang chiết gas trái phép
>> Giá gas tăng 11.000 - 12.000 đồng/bình 12 kg
>> Cháy nổ khí gas, 1 người chết
>> Bếp gas dỏm giá cao
>> Nổ khí gas ở quán phở, 4 người nhập viện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.