Cú lừa ảnh chấn động Singapore

02/07/2012 20:43 GMT+7

(TNO) Một nữ phóng viên của tập đoàn báo chí Singapore Press Holdings đã đánh lừa cả nước và gây thiệt hại lớn về vật chất bằng một bức ảnh “đạo” trên mạng.

Cô Samantha Francis, 23 tuổi, là phóng viên mạng truyền thông công chúng STOMP của tập đoàn báo in lớn nhất nước - Singapore Press Holdings (SPH). STOMP dùng nguồn tin chính là hình ảnh và các đoạn video do bạn đọc gửi đến, cộng với nội dung do 6 phóng viên chuyên nghiệp, gồm cả Samantha, sản xuất.

Hôm 20.6, Samantha dùng biệt danh “Wasabi” đăng lên STOMP bức ảnh cho rằng một cửa tàu điện ngầm bị mở khi tàu đang chạy. Bức ảnh được nói là do chính cô chụp vào khoảng 10 giờ đêm 19.6 tại ga Lakeside, trên tuyến Đông - Tây do tập đoàn SMRT vận hành. Khỏi phải nói công chúng phẫn nộ thế nào khi thấy an toàn của người đi tàu không bảo đảm. Trên mạng, người ta chỉ trích SMRT không tiếc lời.

Cú lừa ảnh chấn động Singapore 2
Samantha Francis tường thuật lại “sự cố” tại ga Lakeside với điều tra viên của SMRT - Ảnh: Straits Times 

Về phần mình, sau những sự cố hồi cuối năm ngoái khiến tổng giám đốc Saw Phaik Hwa phải từ chức, bức ảnh mới nhất làm SMRT choáng váng. Nhiều chuyến tàu đã phải hủy để SMRT kiểm tra từng cánh cửa cũng như bao nhiêu chi tiết kỹ thuật khác, nhưng không thấy một bất thường nào. Lời giải thích ban đầu rằng tàu không thể chuyển bánh khi cửa còn mở của SMRT chỉ làm cho dư luận bức xúc thêm.

Sáng 21.6, SMRT đã mời Samantha đến ga Lakeside để mô tả lại tình huống cô chụp bức ảnh. Samantha kể, khi cô đứng trên sân ga chờ cửa tàu mở ra để bước vào thì một cánh cửa ở phía đối diện lại mở. Thấy lạ, cô chụp một bức ảnh xuyên qua cửa tàu phía sân ga. Sau đó, cửa ở phía sân ga mở, cô bước vào trong, và tàu chạy, nhưng cánh cửa bên kia vẫn cứ mở. Cô lại chụp thêm một ảnh nữa. Cô cũng kể rằng chung tòa tàu với cô còn có hai người đàn ông.

 Cú lừa ảnh chấn động Singapore 1
Bức ảnh phóng viên Samantha Francis “đạo” trên mạng - Ảnh: STOMP

SMRT đã kiểm tra thẻ đi tàu của Samantha và xem lại băng ghi hình từ camera tại sân ga, nhưng không thấy sự có mặt của cô này ở ga Lakeside vào đêm 19.6. Mặt khác, một số chi tiết trong bức hình không giống với hiện trạng xung quanh của nhà ga và đường ray. Dù vậy, báo Straits Times, ấn phẩm lớn của SPH, ngày 22.6 đã đăng bài với tựa đề nghi vấn: “Vậy thì, cửa tàu đang chạy vẫn mở?”.

Bài báo kết thúc bằng phát biểu của Azhar Kasman, phụ trách STOMP: “Chúng tôi đã xác minh mọi chi tiết với cô Francis. Cô ấy quả quyết tường thuật của mình về sự cố là đúng sự thật”.

Sau bài báo, dư luận tiếp tục “ném đá” SMRT. Cư dân mạng TheBluntObserver viết trên STOMP: “SMRT không nên cố che giấu những hỏng hóc trong hệ thống. Sau những sự cố gần đây, thay vì sửa chữa, họ lại phủ nhận và cố nói rằng cô gái ấy không có mặt trên tàu. Bức ảnh đã tự nó đã nói hết”…

Bất ngờ, ngày 30.6, Straits Times đăng bài với tựa đề “Không có chuyện cửa mở khi tàu chạy” cùng lời dẫn “Tổng biên tập xin lỗi SMRT một lần nữa về bức ảnh giả trên STOMP”. “Tôi và các đồng nghiệp của mình luôn cố gắng đạt đến mức cao nhất của sự chính trực, nhưng chúng tôi đã thất bại trong vụ này”, Tổng biên tập phụ trách các tờ báo tiếng Anh và Malay, Patrick Daniel, thừa nhận.

Bài báo cho biết, ngày 24.6, Samantha đã thú nhận cô lấy cắp bức ảnh từ mạng xã hội Twitter. Bức ảnh thực ra được chụp từ bên ngoài một con tàu đang nghỉ bảo dưỡng. SPH đã lập tức đuổi việc Samantha.

Người phụ trách STOMP Azhar Kasman cũng công khai xin lỗi SMRT và công chúng. Không những để “lọt lưới” bức ảnh giả, ông Kasman, 32 tuổi, còn thiếu hợp tác với SMRT khi được đề nghị cung cấp thông tin liên lạc của “Wasabi” với lý do bảo vệ “nguồn tin”. Chỉ đến khi cảnh sát vào cuộc, Azhar mới tiết lộ tên thật của cô phóng viên.

“Đây là một lỗi nhận định nghiêm trọng của tôi. Tôi chỉ có thể nói rằng, là một thư ký tòa soạn còn khá trẻ, đây là lần đầu tiên tôi đối mặt với tình huống như thế này”, Azhar trần tình trên Straits Times.

Quyền Tổng giám đốc SMRT Tan Ek Kia cay đắng nhìn nhận: “Những hành động như kiểu cô Francis nhắc nhở chúng ta rằng, người ta dễ dàng bước qua giới hạn để theo đuổi một câu chuyện. Cách làm đó vừa gây tốn kém nguồn lực xã hội, vừa tạo ra những lo ngại vô căn cứ”.

Có thể SMRT không kiện cô Samantha Francis và SPH để đòi bồi thường thiệt hại, nhưng sự cố này đã giáng một đòn chí mạng vào uy tín SPH nói riêng và làng báo Singapore nói chung. “Cậu thư ký tòa soạn nên nghỉ việc và hãy đóng cửa STOMP đi”, một trong hàng trăm ý kiến bày tỏ thất vọng của độc giả viết trên mạng.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Singapore tăng học phí với học sinh nước ngoài
>> Mỹ miễn trừng phạt Trung Quốc, Singapore
>> ACE Singapore: Thêm cơ hội du học Mỹ cho sinh viên châu Á
>> Singapore truy diệt tham nhũng, lạm quyền
>> Malaysia đòi trục xuất 3 nhà ngoại giao Singapore

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.