Tham gia cuộc họp do Đặc phái viên LHQ Kofi Annan chủ trì tại Genève ngày 30.6 có đại diện EU, ngoại trưởng 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, Kuwait, Qatar. Tờ Le Figaro dẫn lời ông Annan cho biết điểm quan trọng nhất của thỏa thuận trên là việc thành lập chính phủ liên hiệp cho giai đoạn chuyển giao quyền lực. Chính phủ này bao gồm đại diện đảng cầm quyền, phe đối lập và các tổ chức chính trị khác của Syria. Ngoại trưởng các nước tham dự cuộc họp đều đồng ý với điểm này. Tuy nhiên, phương Tây vẫn bất đồng sâu sắc với Nga và Trung Quốc về tương lai của Tổng thống al-Assad.
|
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định “ông al-Assad phải ra đi” và nhận định thỏa thuận Genève “mở đường cho giai đoạn hậu al-Assad”. Bà Clinton muốn các nước thảo luận về một “hình mẫu” cho quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria. Theo Le Figaro, mô hình một chính phủ liên hiệp như Iraq đang được các nước phương Tây xem xét. Đó là hạn chế quyền lực của tổng thống, chọn thủ tướng thuộc cộng đồng Hồi giáo Sunn - vốn thuộc phe đối lập với ông al-Assad - sẽ là người nắm quyền điều hành đất nước.
Ngoài ra, người đảm nhiệm chức thủ tướng cũng có thể là một chuyên gia kinh tế không có bất kỳ quan hệ nào với chính quyền Damascus hiện nay, chẳng hạn như doanh nhân Haytham Jezairi hiện đang ở Anh. Trong khi đó, Moscow và Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm “việc chuyển giao quyền lực phải do dân Syria tự quyết định”, đồng thời kiên quyết phản đối bất cứ sự can thiệp nào từ nước ngoài. Nói cách khác, Nga và Trung Quốc muốn ông al-Assad vẫn là Tổng thống Syria cho đến khi tổ chức bầu cử trước hạn, hoặc thậm chí tới hết nhiệm kỳ vào năm 2014.
Bất đồng nói trên khiến phe chống đối chính phủ Syria không mấy “hào hứng” với kết quả cuộc họp Genève. Hôm qua, AFP dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng Dân tộc Syria Bassma Kodmani nhận định thỏa thuận đạt được “mang lại một số điểm tích cực” như mở đường cho sự ra đi của ông al-Assad. Tuy nhiên, theo ông Kodmani, thỏa thuận này vẫn còn rất mơ hồ nên “chưa thể là tiền đề cho những hành động thực tế và tức thời”.
Tính đến tối qua, Damascus vẫn chưa đưa ra tuyên bố gì về thỏa thuận Genève dù một số tờ báo ủng hộ đảng cầm quyền đánh giá cuộc họp là “thất bại”. Tờ al-Baas bình luận: “Không một kế hoạch giải quyết khủng hoảng nào có thể khả thi nếu không được xây dựng trên nguyện vọng của người dân. Dân Syria có thể cùng nhau thực hiện đàm phán mà không cần đến các quốc gia khác”.
Lan Chi
>> Hội nghị quốc tế đồng thuận thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria
>> Nga phủ nhận hiện diện quân sự tại Syria
>> Nga sẽ giao trực thăng chiến đấu cho Syria
>> Thổ Nhĩ Kỳ điều quân đến biên giới Syria
>> Kofi Annan đề xuất thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria
Bình luận (0)