Môn toán: Ra phần kiến thức TS không ôn
Đa số các TS đều cho rằng đề thi năm nay không khó, chỉ cần nắm chắc khối kiến thức cơ bản là có thể làm tốt từ 60-70%.
Tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhiều TS rời khỏi khu vực thi sau 2/3 giờ vì không làm được bài. Dương Minh Tiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: “Em chỉ làm được mỗi câu một ít, cao nhất chắc chỉ đạt 4 điểm. Nhiều câu em không làm được, vì dạng đề ra rất lạ”. Hồng Hải, học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM), nhận định: “Đề thi có một số câu hỏi khá lạ mà nhiều năm nay chưa ra, chẳng hạn câu 7, 8 về phương trình tọa độ, hoặc câu 3 về hệ phương trình. Mặc dù đề không quá khó, vừa mức thời gian nhưng lạ nên trong phòng nhiều TS phải bỏ bút sớm”. Hồ Văn Phúc, Trường THPT Lộc Hiệp (Bình Phước), nhấn mạnh: “Đề có câu 7 và câu 9 của chương trình cơ bản liên quan tới kiến thức chương trình lớp 10 và 11 mà nhiều năm chưa ra lại, do vậy nếu không ôn lại kiến thức này thì không thể làm được”.
|
Các TS tại Đà Nẵng rời phòng thi với nhiều tâm trạng. Trần Võ Duy Linh, thi vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhìn nhận: “Đề toán không khó, nhưng không làm trọn vẹn được”. Linh cho biết là học sinh giỏi toán, điểm trung bình môn cuối năm là 9 nhưng chỉ giải quyết được khoảng 80% đề thi.
Thạc sĩ Nguyễn Duy Hiếu, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhận xét: “TS khó lấy điểm 10. Trong đó, câu số 6 khó nhất - một dạng bất đẳng thức khá lạ, câu này chỉ dành cho học sinh xuất sắc. Điều đáng nói, phần TS không làm được không phải vì đề khó mà nằm trong phần kiến thức không ôn tới, nhiều năm đề thi không ra thuộc kiến thức chương trình lớp 11. Tuy nhiên, phần lượng giác và tích phân dễ hơn mọi năm. Nói chung, đề phân hóa khá tốt, đề thi có khoảng 50-60% kiến thức trong chương trình lớp 12, còn lại nằm ở lớp 10 và 11”.
Cùng nhận định, ông Mang Tấn Hải, giáo viên Trung tâm luyện thi Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), cho biết: “Đây là đề thi ở mức độ tương đối khó. Có 2 câu nhìn tưởng dễ nhưng sẽ khó vì thầy cô luyện thi ít để ý, học sinh cũng hay bỏ qua không học”.
Môn lý: Làm mới những kiến thức cũ
Nhà giáo Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Tổ trưởng vật lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nhận xét: “Trong đề có 8 câu khó, ít hơn so với đề thi năm trước (10-12 câu). Một số câu không rơi vào kiến thức cơ bản của chương trình lớp 12: con lắc đơn, dao động trong điện trường. Đây là kiến thức trong chương trình vật lý lớp 11 và đã được ra đề khoảng 4 năm trước. TS chưa luyện tập nhiều có khả năng không làm được”. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng nhìn nhận người ra đề biết làm mới những kiến thức quen thuộc. “Có khá nhiều câu quen, đã xuất hiện liên tục trong các kỳ thi thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH như vật lý hạt nhân, quang điện, giao thoa ánh sáng. Nhưng các câu này được diễn đạt theo một cách mới, làm đề thi có tính mới lạ hơn. Phần câu hỏi lý thuyết sát chương trình và TS sẽ làm dễ dàng”.
Đánh giá về kết quả thi, ông Phan Văn Sõi, Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM), nói: “Do đề thi có tính phân hóa rất cao nên dự đoán điểm trung bình môn vật lý năm nay sẽ thấp hơn năm trước. Học sinh học lực trung bình khá chỉ có thể đạt điểm 4-5, khá giỏi cũng chỉ đạt điểm 6-8. Học sinh thực sự xuất sắc biến đổi nhuần nhuyễn và tính toán thật nhanh mới có thể đạt điểm 9-10. Đề thi còn bao hàm cả chương trình lớp 10 và 11, do đó học sinh có trình độ khá, giỏi cũng phải vất vả với đề thi này”.
Phần lớn các TS đều cho rằng cũng rất vất vả để hoàn tất những đề thi như thế này. Nguyễn Thanh Thúy (thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) có điểm trung bình môn lý 8,5 cho biết: “Nội dung các câu hỏi tập trung chủ yếu ở lớp 12. Em làm hết thời gian nhưng vẫn chưa thể phân tích, chọn đáp án một số câu hỏi”. Tương tự, TS Trần Công Thành (Bến Tre) nhận định: “Điểm trung bình môn vật lý của em năm lớp 12 là 9,5. Nhưng với đề thi này, em chỉ làm được khoảng 70%”.
Chưa thấy máy ghi âm, ghi hình trong phòng thi Theo ghi nhận từ các điểm thi, ngày thi đầu tiên chưa có TS nào mang các thiết bị này vào phòng thi. Mặc dù nhiều trường đã dán công khai quy định của Bộ GD-ĐT tại mỗi phòng thi nhưng chuyên gia của các trường cho rằng có lẽ năm nay TS còn chưa biết nên chưa có trường hợp nào mang các loại máy ghi âm, ghi hình được phép vào phòng thi. Nếu sang năm vẫn có quy định này thì sẽ có nhiều TS mang vào. Trong khi đó, giám thị ở hầu hết các hội đồng thi đều khẳng định là không thể kiểm tra được thiết bị đó có đúng như thiết bị cho phép của Bộ hay không. Hà Nội: Đình chỉ vì điện thoại di động Các hội đồng thi khu vực Hà Nội đã phát hiện hàng chục TS mang điện thoại di động vào phòng thi. Tại Trường ĐH Ngoại thương, một TS từ lúc vào phòng thi cho đến lúc phát hiện mang theo điện thoại không làm bài mà chỉ ngủ gà, ngủ gật. Sau đó, gần hết giờ làm bài, TS đã lôi điện thoại ra nghịch nên bị giám thị đình chỉ thi. Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam đã đình chỉ 2 TS mang điện thoại di động vào phòng thi và một trường hợp mang tài liệu vào phòng thi. Sau hơn một giờ làm bài môn toán, giám thị của Trường ĐH Điện lực mới phát hiện một TS sử dụng điện thoại di động gắn tai nghe. Các trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Thương mại, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đình chỉ nhiều TS do mang điện thoại di động. TP.Vinh: Giám thị ký nhầm chỗ giám khảo Tại phòng thi số 333, điểm thi Trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ thuộc hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Vinh, 2 giám thị phòng thi ký nhầm vào ô chữ ký của giám khảo. Hội đồng tuyển sinh lập biên bản ghi nhớ để làm căn cứ tổ chức chấm chung các bài của phòng thi này (gồm 19 TS thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM). 2 giám thị cũng bị đình chỉ làm công tác thi. TP.HCM: Thi khối A1 thành khối A Một TS đăng ký thi khối A1 vào Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhưng bị nhầm thành khối A và không thể thay đổi vì quá muộn. Điều đáng tiếc là TS này không phát hiện nhầm lẫn và không đề nghị chỉnh sửa cho đến khi thi xong môn vật lý chiều hôm qua. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, cho biết khó can thiệp được vì TS đã thi hai môn. Nếu đồng ý cho TS thi khối A1, phải bố trí lại phòng thi, bóc túi đề bổ sung... rất phức tạp. Trong khi đó tại ĐH Đà Nẵng, để phòng ngừa trường hợp nhầm khối thi, đã có quy định tại những phòng thi khối A đều có để sẵn đề thi khối A1. TS nào không kịp chỉnh sửa khi làm thủ tục dự thi vẫn có thể thi bình thường. Tại hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hôm qua nhiều TS phải đi bộ tới tầng 13, 14 để thi do thang máy không hoạt động và không có người hướng dẫn. ĐBSCL: Thí sinh dán tài liệu vào máy tính Cụm thi Cần Thơ ngày đầu tiên có 39.240/46.422 TS dự thi, đạt tỷ lệ 84,5%. Qua 2 môn thi, toàn cụm có 9 TS bị đình chỉ, trong đó 8 TS mang theo điện thoại di động, 1 TS dán tài liệu vào mặt sau máy tính cầm tay. Đà Nẵng: Thí sinh dự thi tăng cao Có 86,53% TS dự thi, tăng cao so với năm 2011 dù số lượng TS đăng ký dự thi đợt 1 năm 2012 giảm so với năm trước. Trong đó, khối A đạt tỷ lệ 85,74%; khối A1: 90,67%; khối V: 94,02%.
Thanh Niên |
H.Ánh - Đ.Nguyên - M.Luân - D.Hiền
>> TP.HCM: Công bố điểm thi tuyển sinh lớp 6 trường THPT Trần Đại Nghĩa
>> Phải tiếp nhận đơn phúc khảo tuyển sinh lớp 10 đúng quy định
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ: Lần đầu tiên thí sinh thi khối A1
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ: Được hạ điểm chuẩn xét tuyển
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ: Đề không dài và không khó
Bình luận (0)