Giải quyết tranh chấp biển Đông trên nền UNCLOS

10/07/2012 16:55 GMT+7

(TNO) Các quốc gia Đông Nam Á xác định Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) sẽ là nền tảng nhằm giải quyết những tranh chấp ở biển Đông, theo một bản dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) được tiết lộ trong hôm nay 10.7.

>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> ASEAN, Trung Quốc tìm tiếng nói chung về biển Đông

Ngoại trưởng các nước ASEAN đang nhóm họp tại Campuchia nhằm xây dựng bộ quy tắc được chờ đợi từ lâu để hạ nhiệt các căng thẳng tại biển Đông.

Dự thảo COC lấy UNCLOS làm nền tảng
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (giữa) cùng các quan thức tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 hôm 9.7 - Ảnh: Reuters

Bản dự thảo phác thảo lập trường của ASEAN đã kêu gọi mọi bên hãy “cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ (tại biển Đông) thông qua các biện pháp hòa bình theo luật quốc tế, gồm cả UNCLOS”.

UNCLOS là công ước quốc tế vạch ra những ranh giới về các vùng biển mà một quốc gia có thể xem đó là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Trung Quốc là một nước ký kết UNCLOS song các chuyên gia khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý tại khu vực biển Đông của nước này không phù hợp với các điều khoản của công ước.

Bản dự thảo COC của ASEAN kêu gọi mọi bên giải quyết tranh chấp mà “không dùng đến việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” và “cam kết tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không”.

ASEAN đề xuất mọi bên trước hết nỗ lực giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, một hiệp định nền móng của ASEAN vốn cấm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Nếu không thể thực hiện điều này, các bên có thể sử dụng “cơ cấu giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS”, theo bản dự thảo vốn kêu gọi thực thi các hoạt động hợp tác và xây dựng lòng tin.

Vào hôm 9.7, Trung Quốc nói nước này sẵn lòng đàm phán về COC với ASEAN “khi điều kiện chín muồi” song tuyên bố mọi hiệp định tiềm năng sẽ không được sử dụng để giải quyết các tranh chấp.

COC “không nhằm mục tiêu giải quyết tranh chấp song có mục tiêu xây dựng lòng tin đôi bên và tăng cường hợp tác”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân phát biểu.

Hãng AFP dẫn lời ông Pavin Chachavalpongpun, phó giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của đại học Kyoto, nhận xét các nước ASEAN đang chống lại ý tưởng giải quyết song phương các tranh chấp lãnh thổ.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.