Đã 6 năm trôi qua kể từ khi thế giới biết được danh tính của loại chất độc khét tiếng polonium, sau khi giới điều tra Anh tuyên bố nó đã được dùng để giết chết cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko tại London vào năm 2006. Trong tuần qua, cái tên này một lần nữa xuất hiện trên những dòng tít lớn của giới truyền thông, khi bà quả phụ Suha nhất quyết muốn quật mồ chồng là nhà lãnh đạo Yasser Arafat, dù ông đã qua đời một cách bí ẩn từ năm 2004, thọ 75 tuổi. Theo AFP, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã tìm thấy những dấu vết của chất phóng xạ polonium-210 trên quần áo mà người quá cố đã mặc trước khi chết.
Vậy polonium là gì và nó độc đến mức nào? Theo giới chuyên gia, polonium-210 là một trong những nguyên tố hiếm nhất thế giới, được cặp vợ chồng nổi tiếng Marie và Pierre Curie phát hiện vào năm 1898. Bà Marie Curie đã đặt tên nguyên tố này theo nơi chôn nhau cắt rốn là Ba Lan (tên tiếng Anh Poland). Polonium tồn tại trong tự nhiên ở vỏ trái đất với hàm lượng cực thấp, nhưng thường được chế tạo trong các lò phản ứng. Ở một lượng nhỏ, nó được phép dùng cho mục đích công nghiệp, chủ yếu ở các thiết bị nhằm khử tình trạng tĩnh điện. Và cũng như các chất phóng xạ khác, polonium cực độc. Chỉ cần nuốt không đầy 1g cũng đủ thiệt mạng. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2007 do các chuyên gia thuộc Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh kết luận: Khi polonium-210 vào mạch máu, gần như không thể ngăn chặn độc tố hoành hành. Nạn nhân nhiễm polonium-210 sẽ trải qua tình trạng suy đa nội tạng, do các phân tử phóng xạ alpha tấn công gan, thận và tủy sống trong tích tắc.
|
May mắn là không phải ai cũng có thể tiếp cận được nguồn cung polonium nhân tạo. Nguyên tố này là phụ phẩm trong quá trình xử lý uranium, nhưng thường được tạo ra trong lò phản ứng hoặc máy gia tốc hạt. Đó là lý do tại sao Nga bị nghi ngờ trong vụ đầu độc Litvinenko và Israel bị điểm mặt sau cái chết của nhà lãnh tụ Palestine. Đơn giản là một liều polonium đủ để giết người phải đến từ một quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân. Tất nhiên, với khả năng giết người cấp tốc như vậy, polonium là vũ khí vàng của sát thủ. Nó có thể được vận chuyển xuyên biên giới với số lượng lớn mà không bị phát hiện hoặc gây nhiễm độc khi tiếp xúc với da. Để giết người, sát thủ có thể rắc polonium lên vết thương hoặc cho nạn nhân hít bằng đường mũi, nhưng cách đơn giản nhất là cứ cho hấp thu qua đường ăn uống. Trong vụ cựu điệp viên Nga, nạn nhân Litvinenko đã uống trà pha polonium khi tham dự một sự kiện ở khách sạn sang trọng tại London.
Các vụ nhiễm độc polonium hiếm đến nỗi các bác sĩ phải mất vài tuần mới chẩn đoán được tình trạng bệnh của ông Litvinenko. Và kể từ sau vụ này, giới chuyên gia an ninh chưa ghi nhận được thêm trường hợp nào. Dù nhóm ở Thụy Sĩ phát hiện polonium-210 trên quần áo ông Arafat, các nhà khoa học cho rằng đây không phải là chứng cứ thích đáng. Một biện pháp chắc chắn hơn là quật mồ và giám định pháp y. AP dẫn lời Derek Hill (chuyên gia phóng xạ tại Đại học College London), cho rằng có khả năng toàn bộ polonium, nếu có, cũng phân hủy theo thi thể của ông Arafat sau thời gian 8 năm, nhưng chỉ cần phát hiện được chất phóng xạ này cũng đủ để kết luận về tình trạng của nhà lãnh đạo Palestine vào lúc qua đời.
Hạo Nhiên
>> Phát hiện dùng hóa chất độc hại để sản xuất bia ở Trung Quốc
>> Nghị lực của thí sinh nhiễm chất độc da cam
>> Tìm dư lượng chất độc trong táo đỏ Trung Quốc
>> Các nhà khoa học Mỹ thăm nạn nhân chất độc da cam
>> Cựu binh Mỹ vào Hội Nạn nhân chất độc da cam
Bình luận (0)