|
Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh (Campuchia) ngày 12.7 tiếp tục với 2 nội dung quan trọng sau khi các ngoại trưởng ASEAN thống nhất thông qua “những thành tố cơ bản” của Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) hôm 9.7. Đó là Hội nghị ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 2 và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 19. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự cả hai hội nghị này, bên cạnh cuộc họp 3 bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản và một số cuộc gặp song phương khác.
Họp báo cuối ngày, bà Clinton khẳng định “đây là cơ hội quý báu để các bên thảo luận những thách thức lớn” hiện tại trong khu vực như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, an ninh mạng, an ninh và an toàn đường biển, thiên tai... Đặc biệt, EAS và ARF là nơi để thảo luận “giá trị của những cơ chế đa phương” và “tầm quan trọng của việc thiết lập một chuẩn mực rõ ràng trong vấn đề biển Đông”, bà Clinton nói.
Ngoại trưởng 18 nước EAS (10 nước ASEAN + Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc) thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác về 5 lĩnh vực ưu tiên là tài chính, năng lượng, giáo dục, cúm gia cầm và quản lý thiên tai. Đồng thời EAS sẽ tăng cường hợp tác biển và ứng phó với các thách thức an ninh đang nổi cộm, thông qua các cơ chế hiện có của ASEAN như Hiệp ước ASEAN phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và Tuyên bố các bên về quy tắc ứng xử biển Đông (DOC). Trong khi đó, ARF - ngoài 18 nước trong EAS còn có 9 quốc gia và khu vực khác - định hướng thúc đẩy việc tôn trọng công pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực.
Tình hình biển Đông đáng quan ngại
Riêng vấn đề biển Đông, bà Clinton cho biết EAS và ARF nhìn nhận tình hình hiện tại “gây quan ngại sâu sắc”. Đặc biệt, “chúng ta nhận thấy có những diễn biến rất đáng lo ngại như việc áp bức kinh tế, sử dụng sức mạnh ngoại giao, sức mạnh quân sự và tàu chính phủ trong các vụ việc liên quan đến ngư dân”, bà Clinton nói. Bà cũng cảnh báo: “Không quốc gia nào có thể tránh khỏi việc bị thế giới e dè nếu quốc gia đó gây căng thẳng, tạo đối đầu trong những bất đồng về lãnh thổ và việc khai thác tài nguyên biển”.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh trong các cuộc họp trên cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp này. Ông khẳng định những hành động trên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; đồng thời ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực mà nhiều quốc gia trên thế giới có lợi ích chính đáng.
Ngoại trưởng Clinton khẳng định, tuy Mỹ không có tuyên bố chủ quyền hay biên giới ở biển Đông, nhưng có “những lợi ích cơ bản” về kinh tế, thương mại và quyền tự do đi lại ở đây. Vì thế, bà kêu gọi: “Chúng ta tin rằng các quốc gia trong khu vực cần làm việc trên tinh thần ngoại giao và hợp tác để giải quyết các tranh chấp; không được áp bức, khủng bố tinh thần, đe dọa và tuyệt đối không sử dụng vũ lực”. Bà cũng nhấn mạnh: “Tiếp cận giải pháp theo hướng song phương chỉ gây rối loạn và đối đầu”.
Bà Clinton cũng đề nghị: “ASEAN và Trung Quốc cần tạo ra bước tiến trong việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử (COC) theo luật pháp quốc tế”. Bà cũng cho biết trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì sáng 12.7, hai bên đã đồng thuận sẽ hợp tác với nhau để cùng ổn định và thịnh vượng, thay vì đối đầu để tạo ra “một số âm”. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết ông Dương “tỏ dấu” cho biết Trung Quốc sẽ thảo luận với ASEAN về COC.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng nếu Trung Quốc không hợp tác và COC không thể ra đời thì sao, bà Clinton cho rằng tiến trình đi đến COC cần “vai trò lãnh đạo” chủ đạo của ASEAN. Bà cũng nói bà tự tin rằng “ASEAN đã đủ trưởng thành” để thực hiện điều đó, vấn đề là “cần một tiếng nói thống nhất trong nội bộ ASEAN”.
Hôm nay, Hội nghị ASEAN kết thúc với cuộc họp giữa Mỹ và các nước vùng hạ Mê Kông, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Thục Minh
(Từ Phnom Penh, Campuchia)
>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> COC là mục tiêu hàng đầu ASEAN
>> ASEAN, Trung Quốc tìm tiếng nói chung về biển Đông
>> ASEAN sẽ không bị đe dọa tấn công hạt nhân
>> Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC
>> Khai mạc hội nghị ASEAN bàn về phát triển nông thôn
>> ASEAN tăng cường hợp tác vì hòa bình, an ninh
>> Biển Đông trên bàn hội nghị ASEAN - Mỹ
Bình luận (0)