Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 11): Bậc thầy truyền thần

15/07/2012 03:00 GMT+7

Bằng nét vẽ tài tình, chỉ với hai màu đen trắng, họa sĩ Từ Hoa Lợi là bậc thầy tranh truyền thần.

Bằng nét vẽ tài tình, chỉ với hai màu đen trắng, họa sĩ Từ Hoa Lợi là bậc thầy tranh truyền thần.

Nhờ nghe theo Bác mà sống khỏe

Trong khoảng sân chỉ độ 1,5 m x 2 m trước ngôi nhà 596 đường Điện Biên Phủ, ông lặng lẽ hàng giờ chăm chú vào bức họa mặc cho dòng xe cộ tấp nập ngược xuôi. Những bức ảnh mục nát qua thời gian, nhờ bàn tay tài hoa của ông bỗng hồi phục, đầy chất nghệ thuật hơn, thấm đẫm thần sắc hơn.

75 tuổi và 53 năm vẽ truyền thần, đủ thấy bề dày nghề nghiệp của họa sĩ gốc Hải Phòng này. “Lớn lên tôi được gia đình cho ra Hà Nội học. Năm 1954, thủ đô giải phóng, tôi chỉ là anh học trò lớp đệ tứ (lớp 9 ngày nay)”. Năm 1956, ông nộp đơn thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp năm 1959, ông xin làm họa sĩ trang trí quảng cáo, thiết kế sân khấu cho Đoàn Xiếc Nhân dân trung ương.

“Một ngày, trong lúc đang lui cui vẽ quảng cáo bảng hiệu cho đoàn xiếc, tôi giật mình nghe mọi người la lớn: “Bác Hồ đến thăm!”. Mừng quá tôi nhảy xuống thang, chạy đến bên Bác. Tôi vẫn còn nhớ rõ Bác thật giản dị với bộ bà ba đen, chân mang đôi dép lốp. Bác xoa đầu tôi và anh em khác trong đoàn rồi dặn dò: “Các cháu thanh niên học tập Bác được mọi điều nhưng chỉ 2 thứ duy nhất không được bắt chước Bác. Thứ nhất là nghiện thuốc lá và thứ hai là không lấy vợ. Thanh niên VN là thế hệ kế thừa, tương lai của đất nước mà không lập gia đình là không duy trì được nòi giống Việt”. Nghe lời Bác dặn dò lần gặp mặt duy nhất trong đời, tôi không nghiện ngập bất cứ thứ gì từ thuốc lá đến rượu, chất kích thích, sống khỏe khoắn, lành mạnh, hết lòng tận tụy với công việc nên hơn 50 năm nay tôi chưa hề uống một viên thuốc cảm sốt nào”, giọng ông sang sảng giữa phố xá Sài Gòn.

Rồi ông kể những năm tháng chiến tranh leo thang ở miền Bắc, đoàn xiếc phải sơ tán khắp nơi từ Thái Bình, sang Nam Định, tận Tuyên Quang. “Khổ cực lắm nhưng thời đó ai cũng làm việc, phục vụ hết lòng vì nhân dân, vì đất nước”, ông tâm tình.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi bên các bức vẽ truyền thần - Ảnh: Đ.T
Họa sĩ Từ Hoa Lợi bên các bức vẽ truyền thần - Ảnh: Đ.T 

Vừa vẽ tranh vừa khóc

Năm 1962, họa sĩ Từ Hoa Lợi lập gia đình. Vợ ông - bà Tạ Thị Kim Dung là diễn viên Đoàn Xiếc Nhân dân trung ương, dáng người cao ráo, xinh đẹp. “Bà ấy thời đó là hoa khôi đoàn xiếc đấy, con gái cưng của ông tổ ngành xiếc VN - NSND Tạ Duy Hiển. Lấy được bà, ai cũng nói tôi phải tài hoa lắm”.

Sau ngày thống nhất, vợ chồng người chị là NSND Thái Minh Hiển và NSƯT Hồng Nga, cùng là diễn viên xiếc kỳ cựu gọi ông vào Sài Gòn lập nghiệp vì thời tiết trong đây rất tốt, không quá khắc nghiệt như miền Bắc. Nghe lời, ông cùng vợ vào đây. Đó là thời điểm năm 1989. Hai vợ chồng sống trên căn gác trọ trên đường Điện Biên Phủ. Hằng ngày, bất kể gió mưa, ông mang giá ra ngồi vẽ. “Lúc đó ảnh kỹ thuật số chưa phổ biến như bây giờ nên tôi sống được lắm. Bây giờ công nghệ phát triển vượt bậc nhưng cũng có nhiều người trong cả nước và cả Việt kiều, khách nước ngoài tìm đến tôi, bởi vẽ truyền thần đem lại cảm xúc nhiều hơn cho nhân vật, còn phục chế ảnh cũ bằng kỹ thuật photoshop vô hồn lắm, đôi khi không giống người trong ảnh”, ông nói.

Ông nhận định, nghề này không đam mê, thiếu nhẫn nại thì không thể làm được. Ông rất muốn truyền lại cho thế hệ sau nhưng tìm mãi chẳng thấy ai ham thích nữa. “Cách đây 7, 8 năm có vài đứa học trò theo học. Tôi dạy rất tường tận, ra nghề hẳn hoi. Được vài năm chúng bỏ hết, làm nghề khác cả rồi. Có lẽ tuổi trẻ quá nhiều cơ hội, cứ so đo với bạn bè cùng lứa nên khó mà đeo đuổi, chung thủy với một nghề như thế hệ chúng tôi ngày xưa”, giọng ông thoáng buồn.

Để có một bức vẽ truyền thần đẹp, theo ông Từ Hoa Lợi, ngoài năng khiếu bẩm sinh phải tập trung cao độ khi làm việc. Bởi, chỉ lơ là một chút thôi tác phẩm khi hoàn thành sẽ vô hồn. Thuốc bột vẽ tranh truyền thần được ông đặt mua từ Trung Quốc với giá cực đắt: 1 kg lên đến vài chục triệu đồng nhưng có thể để dành vẽ trong 10 năm. Với giá từ 400.000 đến 600.000 đồng cho bức họa cỡ 20 cm x 30 cm hoặc 30 cm x 40 cm, nhiều khách hàng đến với ông cho là rẻ nếu so với một bức ảnh chụp rồi ép gỗ lamina thường thấy. Ông thường vẽ mất cả ngày cho một bức chân dung.

“Cách đây 3 năm, một gia đình ở Củ Chi đánh xe hơi đến tận đây tìm tôi, chở tôi về trên đó với mong muốn tôi thực hiện một bức ảnh cho ông cụ đã mất gần 50 năm, nếu còn sống đã hơn 100 tuổi. Con cháu thờ phụng mà bàn thờ không có bức ảnh nào vì ngày xưa gia đình nghèo khó quá, đâu biết chụp ảnh lưu niệm là gì. Tôi bảo tập trung 12 con cháu lại, xác định người nào có nét giống ông cụ nhất, rồi người nhà tả lại cho tôi nghe về gương mặt người đã khuất. Nghe xong, tôi ngồi phác họa bút chì trước, sau đó hoàn tất một bức hoàn chỉnh khác. Ôm bức họa trước ngực, người con trai trưởng của cụ nay đã 90 tuổi bật khóc. Ông luôn miệng cám ơn tôi. Tôi bảo không có gì đâu mà tự nhiên hai hàng nước mắt cũng tuôn trào. Cảm động lắm. Tôi đâu ngờ cái nghề nhỏ nhặt của mình lại có thể đem lại hạnh phúc vô bờ bến cho người khác như thế”, ông kể bằng giọng bồi hồi.

Từ Hoa Lợi có 3 người con, 2 trai, 1 gái nay đã thành đạt hiện đang sinh sống ở Hải Phòng. Con lớn là kiến trúc sư, con trai thứ là kỹ sư xây dựng còn con gái út tốt nghiệp đại học ngoại thương. Vợ ông đột ngột qua đời cách đây 7 năm. Họa sĩ lão làng giờ đây lủi thủi một mình với giá vẽ trong căn phòng trọ. Ông nói buồn lắm, giờ chỉ lấy công việc làm niềm vui. “Thế sao ông không về lại quê nhà, sống với con cháu, nghỉ ngơi cho khỏe tuổi già?”, tôi hỏi. “Về sao được khi tôi đã gắn bó với nơi này 23 năm dài. Có nhớ con cháu thì về thăm. Sài Gòn là nơi ai cũng có thể tìm ra cơ hội cho đời mình miễn sao sống hết lòng với nghề nghiệp đã chọn. Thành phố này giúp mang lại niềm vui cho tôi khi tuổi xế chiều, tại sao phải bỏ nó?”. 

Đỗ Tuấn

>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 10): Nhà báo trăm tuổi
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 9): Nhà “chợ học”
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 8): Nghệ sĩ khẩu cầm cuối cùng
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 7): Họa sĩ có trái tim bên phải
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (kỳ 6): Lên đời cùng tiểu thuyết Kim Dung
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 5): Cây đại thụ của nhiếp ảnh Sài thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự - Kỳ 4: “Đại gia” hội họa
>> Sài Gòn kỳ nhân – kỳ sự - Kỳ 3: Người sửa giày sau lưng chợ Bến Thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 2): Người bán xôi qua 6 thập niên
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự: 70 năm một hàng chè

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.