Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 12: Tái cơ cấu một cách đồng bộ

14/07/2012 03:10 GMT+7

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế trong loạt 4 bài gửi tới Báo Thanh Niên đã phân tích rất sâu, cụ thể về tầm quan trọng của nguồn nhân lực cho mô hình phát triển kinh tế mà Việt Nam đang hướng tới.

>> Kỳ 11: Chọn nông nghiệp là mũi nhọn

Đây chỉ là một trong rất nhiều nội dung được đầu tư nghiêm túc, đầy tính xây dựng mà các chuyên gia, học giả, doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý, người dân... gửi tới Báo Thanh Niên với mục đích hiến kế cùng chuyên đề Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam đăng liên tục 2 tuần nay.

Không thiếu nhiệt huyết

Theo TS Nguyễn Minh Phong, một trong những nguyên nhân thực sự của tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay bắt nguồn từ khuyết tật của bộ máy, ở chất lượng nguồn nhân lực nói chung và cả từ những con người nắm giữ những vị trí cụ thể. Nói cách khác, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cả về lao động, quản lý cũng như nghiên cứu khoa học theo yêu cầu tái cấu trúc kinh tế từ mô hình phát triển bề rộng sang bề sâu. Vì vậy, sẽ thiếu hiệu quả nếu không đề cập tới vấn đề nguồn nhân lực khi tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế.

Từ góc độ người trong cuộc, là chủ thể trong môi trường kinh doanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ trong loạt bài gửi tới Báo Thanh Niên đã đề xuất 3 nhóm ngành chiến lược mà Việt Nam nên chú trọng đầu tư để tạo đột phá cho nền kinh tế. Nhóm ngành nền tảng là nông nghiệp - dưỡng sinh, đây là nhóm ngành Việt Nam vừa có lợi thế, có truyền thống và thế giới đang rất cần với nhu cầu ngày càng cao về lương thực và sức khỏe. Thứ 2 là nhóm hấp thu gồm công nghiệp chế biến cao và năng lượng; dịch vụ vận chuyển và cơ sở hạ tầng, thương mại và tài chính. Cuối cùng là nhóm "phát triển" gồm các ngành nghề tương lai thế giới cần mà Việt Nam cũng có nền tảng rất mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, du lịch và dịch vụ theo hướng kinh tế xanh.

Bên cạnh những nghiên cứu mang tính khoa học nói trên là rất nhiều đóng góp mộc mạc, gần gũi nhưng đầy tính thực tế, có tầm nhìn, thể hiện tấm lòng tự tôn dân tộc của bạn đọc trên cả nước. Đó là đề xuất "Thế mạnh của ta là các cây truyền thống như xoài cát Hòa Lộc, quýt đường, quýt hồng... có phẩm chất tuyệt vời. Nên nghiên cứu để giúp nhà nông phát triển thay cho việc du nhập các giống xoài Đài Loan, quýt Orlando... Các giống này chỉ đạt về năng suất còn phẩm chất thua xa các giống của ta..." hay "VN hãy chọn nông nghiệp là ngành mũi nhọn giống như Thái Lan”.

Khác nhau về học vấn, địa vị, góc nhìn, cách tiếp cận vấn đề... nhưng có thể nhận thấy rất rõ, điểm chung của tất cả những đề xuất nói trên là nhiệt huyết, tấm lòng và niềm tin đối với nền kinh tế, với đất nước.

Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam
Tái cơ cấu hoạt động ngân hàng là cải thiện “sức khỏe” của nền kinh tế - Ảnh: Ngọc Thắng

Không né tránh

Archimedes - nhà vật lý học lỗi lạc cần một "điểm tựa" để "nâng bổng trái đất" thì "Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam" đã có tới 2 "điểm tựa". "Điểm tựa" đầu tiên như phân tích trên, đó chính là nhiệt huyết và niềm tin của rất nhiều nhân sĩ, trí thức và người dân cả nước. Hay nói gọn lại, là sự đồng thuận trong xã hội với đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ. Điểm tựa thứ 2 là các giải pháp tháo gỡ những nút thắt, những khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang gặp phải. Đó là kích tiêu dùng, giải ngân nhanh vốn đầu tư những tháng cuối năm để tháo tồn kho; xử lý nợ xấu, giảm lãi suất để "thông" vốn cho nền kinh tế; xác định ngành mũi nhọn dựa trên lợi thế của đất nước để đẩy mạnh thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp... trước những sóng gió kinh tế trong bối cảnh kinh tế trong nước hội nhập ngày càng sâu - rộng với nền kinh tế thế giới. Đây là những giải pháp cả tình thế và lâu dài được các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước đề xuất trong loạt bài Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam.

Nhiệt huyết có, giải pháp có, vấn đề còn lại để đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng hiện nay là quyết tâm chính trị.

Một quyết tâm chính trị để xử lý các "quan hệ chéo" trong hệ thống ngân hàng của ta, nguyên nhân dẫn tới những rủi ro hệ thống cũng như tình trạng nợ xấu khiến vốn bị ứ đọng, gây đình đốn sản xuất. Một quyết tâm chính trị để thực hiện cuộc "đại phẫu" các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh và sự minh bạch. Muốn vậy, phải phá bỏ thế độc quyền, để các DNNN cạnh tranh lành mạnh với các thành phần kinh tế khác. Có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh và có đầu mối cụ thể để quy trách nhiệm khi có việc xảy ra.

Một quyết tâm chính trị để sử dụng hiệu quả, minh bạch vốn đầu tư công. Bởi xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm phát kéo dài của VN chính là do đầu tư dàn trải, lãng phí, thiếu hiệu quả trong đầu tư công. Đây chính là 3 "mặt trận" chính trong công cuộc "Tái cơ cấu nền kinh tế" mà Chính phủ đã lên kế hoạch hành động.

Không chủ quan duy ý chí hay để nhóm lợi ích chi phối

Một vấn đề không thể né tránh, không thể bỏ qua khi tiến hành các giải pháp tái cơ cấu là lợi ích nhóm và sự chi phối của nó. Lợi ích nhóm cản trở tái cơ cấu kinh tế, lợi ích nhóm hình thành trong quá trình tái cơ cấu... là những vấn đề đáng lo ngại và được quan tâm hiện nay. Thành hay bại trong công cuộc cải cách kinh tế, phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta có quyết tâm dẹp các nhóm lợi ích hay không. Bởi xét cho cùng, tái cơ cấu kinh tế nếu được thực hiện triệt để, sẽ đụng chạm tới các nhóm lợi ích. Hay nói thẳng ra là, cái chúng ta cần cải cách, không phải là một Vinashin, Vinalines cụ thể mà là một "Vina xin - cho" đã hoành hành, đục khoét ngân sách nhà nước trong nhiều dự án đầu tư công.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng... là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở trong nhiều năm... Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm” chi phối".

Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Quốc hội, PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Ưu tiên số 1 là hoàn thiện thể chế

Muốn tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, ưu tiên số 1 hiện nay là hoàn thiện thể chế để có một hành lang pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp mà chúng ta đề ra. Lúc này chúng ta phải chấp nhận "đi chậm" để dành thời gian cho việc hoàn thiện các khung pháp lý.

N.Khanh (ghi)

Ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH: Chuyên đề đã đặt đúng vấn đề, có định hướng rõ ràng

Nguyễn Hữu Quang

Chuyên đề tìm lối ra cho nền kinh tế của Báo Thanh Niên đã đặt đúng vấn đề, có định hướng rõ ràng, đã đăng tải rộng rãi ý kiến phát biểu của các chuyên gia có chuyên môn sâu cũng như đại diện các hiệp hội ngành nghề, các DN với nhiều thông tin, kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn, có giá trị và hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách.

Chính phủ, các cơ quan chức năng liên quan nên tập hợp các ý kiến đó để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chính sách và điều hành kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bảo Cầm (ghi)

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương: Phải cải cách thể chế kinh tế

Lê Đăng Doanh

Tôi có theo dõi rất kỹ và đánh giá cao loạt bài Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam trên báo Thanh Niên. Đây là những góp ý thiết thực cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp (DN) và nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế đã lên tiếng đóng góp ý kiến tốt trong loạt bài này, nhưng vấn đề là nhà quản lý cần lắng nghe những ý kiến như thế.

Giải pháp cấp bách hiện nay là phải giúp DN tháo gỡ khó khăn để DN có thể tăng trưởng trở lại. Nếu giải quyết được khó khăn này sẽ gỡ được mắt xích quan trọng cho khó khăn chung của nền kinh tế. Còn giải pháp lâu dài là phải cải cách thể chế kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng.

TS Trần Du Lịch, ĐBQH: Xác định nguồn gốc bất ổn

Trần Du Lịch

Các vấn đề mà Báo Thanh Niên nêu ra trong loạt bài Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam đều đúng. Nhưng theo tôi, “lối ra” mà chúng ta muốn tìm vẫn chưa lộ rõ. Nguồn gốc bất ổn cần phải được nêu đích danh, thì từ đó mới có thể tìm được lối ra cho nền kinh tế. Năm 2008, tôi đã báo động tình trạng duy trì tăng trưởng kinh tế dựa vào nợ. Cả nhà nước và tư nhân đều đi vay, gây ra nợ xấu rất nhiều. Hay từ năm 2007, tôi đã cảnh báo nguy cơ bong bóng bất động sản...

Tôi ủng hộ Báo Thanh Niên tiếp tục theo đuổi loạt bài này bằng cách đi vào đề tài hệ thống chính sách. Nếu nói đi tìm nguồn gốc của bất ổn là gốc rễ của vấn đề thì hệ thống chính sách chính là cái ngọn. Một khi giải quyết cả gốc lẫn ngọn sẽ dễ dàng tìm được lối ra cho nền kinh tế. Hệ thống chính sách là phát triển DN sẽ có chính sách nào; bằng cách nào để phát triển thị trường tài chính, thị trường bất động sản; để tái cấu trúc... Vấn đề không phải là làm gì, mà là làm bằng cách nào.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM: DN mạnh thì nền kinh tế mới bền vững

Huỳnh Văn Minh

Loạt bài Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam của Báo Thanh Niên đã nêu trúng những tồn tại trong điều hành nền kinh tế hiện nay cũng như hoạt động của DN. DN là trụ cột của nền kinh tế, khi có vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra của cải vật chất và việc làm cho xã hội. Nhưng nội lực của DN VN còn quá yếu. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu buộc DN phải hội đủ nội lực về tài chính, quản trị và công nghệ nếu không sẽ tụt hậu, thậm chí thua thiệt cả trên sân nhà. Để DN Việt mạnh hơn, bên cạnh nỗ lực tự thân của DN thì cơ chế của nhà nước là rất quan trọng. Khó khăn về vốn của DN kéo dài trong thời gian qua nhưng không nhận được những hỗ trợ kịp thời và thực tiễn. Cho đến khi các giải pháp hỗ trợ được đưa ra thì DN đã quá yếu, các khoản vay nếu đến tay DN cũng khó giải quyết được vấn đề vì trước đó đã mất hợp đồng, thị trường co cụm. Điều cần thiết nhất bây giờ là phải cứu DN.

N.T.Tâm (ghi)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Tôi nghiên cứu các kiến nghị để có thể tham mưu cho Chính phủ

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Tôi vẫn theo dõi đều đặn loạt bài Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam, đó là loạt chuyên đề có chất lượng và rất hữu ích trong bối cảnh hiện nay khi mà nền kinh tế đang gặp phải nhiều khó khăn, có dấu hiệu suy giảm, cộng đồng DN chịu nhiều sức ép trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không ít DN phải dừng hoạt động. Những bài như Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp, Cắt sở hữu chéo trị nợ xấu hay Gấp rút khơi thông dòng tín dụng được các chuyên gia đóng góp ý kiến nêu những kiến nghị rất đúng đắn. Tôi cũng đang nghiên cứu kiến nghị đó để có thể tham mưu cho Chính phủ những giải pháp hợp lý hơn khi ban hành chính sách hỗ trợ DN và nền kinh tế. Trong đó có giải pháp về tái cơ cấu DNNN, mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, giải pháp về chính sách tài khóa, trong đó có thuế, phí...

Anh Vũ (ghi)

TS Lê Thẩm Dương (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM): Xây dựng môi trường kinh tế công bằng

Lê Thẩm Dương

Loạt bài Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam đã đi sâu vào nội dung về các vấn đề cần thay đổi. Tôi cho rằng có thể các bộ, ngành thực hiện những công việc cụ thể nhưng Chính phủ chính là vị tổng chỉ huy cho sự thay đổi lần này. Kế đến chúng ta phải xác định được những nội dung cần thay đổi và nên xuất phát từ những kiến nghị từ DN hơn là áp đặt từ trên xuống. Từ đó mới đưa ra được mục tiêu của việc tái cơ cấu một cách cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu. Chúng ta phải chứng minh được mục tiêu đó tốt hơn cái cũ thì mới nhận được sự đồng thuận của xã hội. Nguyên tắc chung là chỗ nào đầy đủ các dữ kiện hãy bắt đầu tái cơ cấu bởi đã xác định rõ mục tiêu của nó. Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả vẫn là việc cần có sự thay đổi về tư duy, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp và tạo ra môi trường kinh tế công bằng.

M.Phương (ghi)

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.