Khách hàng cá nhân chờ giảm lãi suất

17/07/2012 03:40 GMT+7

Nhiều khách hàng cá nhân đang thấp thỏm không biết lãi vay có được giảm xuống 15% hay lại bị ngân hàng “gặp nhau làm ngơ”.

Phân biệt đối xử

Trong khoảng thời gian gần 2 năm trở lại đây, các khách hàng cá nhân luôn chịu mức LS cao, có thời điểm lên đến 25%/năm.

Cá nhân vay cũ trả lãi cao hơn vay mới  
Cá nhân vay cũ trả lãi cao hơn vay mới - Ảnh: Đ.N.Thạch

Ông Linh (Q.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: “Cách đây khoảng 3 tháng, gia đình tôi có vay NH V. số tiền 300 triệu đồng với LS 21%/năm, điều chỉnh 3 tháng 1 lần. Vừa rồi, lãi vay được NH giảm xuống còn 19%/năm". Chị Thùy Trang - ngụ tại quận 7 (TP.HCM) cho biết hợp đồng chị vay ở một NH lớn 300 triệu đồng từ năm 2011 với LS từ đầu năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên 21,5%/năm dù theo hợp đồng, LS này được thả nổi theo thị trường. Chị Trang đã nhiều lần đề nghị NH xem xét giảm LS cho chị nhưng chỉ nhận được lời hứa mà vẫn chưa có động thái cụ thể nào.

 

Hệ thống ngân hàng đang cư xử giống như kiểu kinh doanh của các doanh nghiệp độc quyền ở những lĩnh vực thiết yếu như điện, nước...

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển

Đầu tháng 7 vừa qua, khi có thông tin giảm lãi vay hợp đồng cũ xuống 15%, chị liên hệ với NH để điều chỉnh thì nhận được câu trả lời “điều chỉnh hay không là quyền của NH, khách hàng không có quyền đòi hỏi”. Quá bức xúc, chị Trang đã tiến hành thanh lý hợp đồng trước hạn (hợp đồng vay của chị còn thời hạn 2 năm nữa mới kết thúc) và thề "cạch mặt" NH này.

Nhiều khách hàng cá nhân khác đặt câu hỏi, tại sao NH Nhà nước chỉ đạo giảm LS cho các DN mà không phải là giảm chung cho tất cả khách hàng trong khi khó khăn là chung.

Có mới, nới cũ

Khi phản ánh với Thanh Niên, hầu hết các khách hàng cá nhân đều tỏ vẻ bức xúc bởi hiện các NH vẫn đang ra sức chào mời cho khách vay mới với LS chỉ ở mức 15 - 15,5%/năm. Thậm chí có nhiều NH còn đang tung ra những gói tín dụng cho vay cá nhân tiêu dùng mua, sửa chữa nhà, mua ô tô… chỉ với LS 12%/năm. Điều này cho thấy các NH chỉ tập trung chạy theo việc tạo thêm khách hàng mới mà lơ là với những khách hàng cũ vốn đang ngày ngày phải đóng lãi cho mình. Trên thực tế, nguồn thu nhập chính của ngành NH chủ yếu từ tín dụng, tỷ trọng này chiếm từ 76% đến hơn 100%. Vì thế, nếu như NH bị bắt buộc phải giảm lãi vay cho khối DN xuống 15% thì phải chăng NH đang gia tăng tìm kiếm lợi nhuận từ nhóm khách hàng cá nhân còn lại?

Khi được hỏi, một số NH cũng cho biết đang xem xét giảm LS cho vay cũ đối với khách hàng cá nhân về mức 15%. Thế nhưng đó vẫn chỉ là lời hứa.

Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM nhận xét, nếu NH thật sự chơi đẹp thì đã tự động giảm LS cho tất cả khách hàng mà không đợi NH Nhà nước ra chỉ thị. Bởi trước đây, mỗi khi LS thị trường gia tăng thì NH sẽ đơn phương tăng LS cho vay lên theo. Còn hiện tại, để xem xét giảm được 1% LS, các khách hàng cá nhân phải mất khá nhiều thời gian hoặc thậm chí phải đi năn nỉ nhiều lần với NH.

Còn theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, có một nghịch lý đã tồn tại khá lâu tại VN là các NH chỉ lo tìm kiếm khách hàng mới mà ít chăm sóc đến những khách hàng cũ đã và đang góp phần tạo ra lợi nhuận cho mình. Trong khi ở nhiều nước, khách hàng hiện tại phải được hưởng những ưu đãi ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn khách hàng mới. Đặc biệt khách hàng cá nhân luôn được xem là nhóm có uy tín, ít bị nợ xấu hay nợ quá hạn và đôi khi được hưởng chính sách LS linh hoạt hơn.

“Hệ thống NH đang cư xử giống như kiểu kinh doanh của các doanh nghiệp độc quyền ở những lĩnh vực thiết yếu như điện, nước. Kiểu hành xử này chứng tỏ NH không cần giữ chân khách hàng mà chỉ khách hàng cần đến NH mà thôi”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.

Mai Phương -  Thanh Xuân

>> Yêu cầu các NH giảm lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm
>> Sẽ giảm lãi suất huy động xuống 9%/năm
>> Tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.