Trung Quốc có thể thêm hành động khiêu khích

16/07/2012 03:05 GMT+7

Các chuyên gia quốc tế nhận định việc Hội nghị ASEAN vừa qua không thể đưa ra Thông cáo chung sẽ là một khó khăn lâu dài cho cả khối.

 Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm tàu hải giám để tăng cường tuần tra trên biển Đông
Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm tàu hải giám để tăng cường tuần tra trên biển Đông
- Ảnh: Militaryphotos.net

Liên quan đến việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) kết thúc mà không ra được Thông cáo chung, Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Học viện Chính sách Lowy (Úc); bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ và chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore).

Ông nhận xét thế nào về việc AMM-45 không ra thông cáo chung?

Ông Medcalf:
Ảnh: WN

Ông Medcalf: Thực ra, chuyện này chỉ là vấn đề thời gian, trước sau gì cũng xảy ra khi trong ASEAN còn ý kiến và thái độ khác nhau về tranh chấp trên biển Đông. Có người cho rằng Trung Quốc đã tác động để Campuchia, Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, không phản ánh đầy đủ quan điểm của tất cả các thành viên trong lập trường cả khối. Về lâu dài, đây sẽ là căng thẳng mà ASEAN khó có thể giải quyết.

Ông Koh
Ảnh: RSIS

Ông Koh: Theo tôi, ASEAN đã thất bại khi chưa thể đưa ra một thông cáo chung để ngăn ngừa việc sử dụng vũ lực và hướng đến giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế. Campuchia, vốn có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, đã tận dụng quyền phủ quyết nhờ vai trò chủ tịch đương nhiệm. Điều này sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN. Về lâu dài, ASEAN sẽ khó chứng minh được vai trò giải quyết vấn đề an ninh trong khu vực. Xa hơn, trong mắt các cường quốc, vị thế của ASEAN cũng sẽ bị giảm sút. Trong khi đó, gần đây xuất hiện một số đề xuất kêu gọi thành lập cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, nếu không chứng minh được vai trò và ảnh hưởng thì ASEAN có thể bị che mờ bởi các cộng đồng lớn hơn về sau.

Bà Glaser
Ảnh: Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo ông/bà, diễn biến trên ảnh hưởng thế nào đến tiến trình thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)?

Ông Medcalf: Diễn biến trên sẽ khiến quá trình đàm phán COC bị chậm trễ hơn. Các thành viên ASEAN vẫn đang phải tìm kiếm những nguyên tắc cốt lõi đủ mạnh để giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Bà Glaser: Theo tôi, ASEAN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đàm phán COC. Nhất là khi giới chức Trung Quốc, vài tuần qua, đã đề cập đến những “yếu tố tiên quyết” do họ tự đưa ra để đàm phán COC.

Ông Koh: ASEAN đã tốn nhiều thời gian cho COC nên các thành viên của khối sẽ không vì việc không ra được thông cáo chung mà bỏ lơ bộ quy tắc này. Tuy nhiên, diễn biến trên cho thấy COC, trong dài hạn, có thể sẽ mất đi một số yếu tố then chốt ngay cả khi bộ quy tắc này được thông qua. Thậm chí, COC sẽ bị thiếu những quy định pháp lý để ràng buộc các bên trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Khi đó, COC khó phát huy tác dụng. Trong ngắn hạn, việc soạn thảo và đàm phán COC có thể sẽ diễn ra không mấy vững chắc. Theo đó, tình hình biển Đông trở thành vấn đề căng thẳng và Trung Quốc sẽ không quên tận dụng cơ hội ASEAN đang gặp khó khăn.

Ông/bà nhận định Trung Quốc sẽ có những hành động gì tiếp theo?

Ông Medcalf: Có vẻ như Trung Quốc muốn giảm thiểu các điều khoản trong COC. Nước này tất nhiên sẽ tận dụng cơ hội để làm chậm tiến trình ngoại giao về vấn đề biển Đông, tối thiểu là trong giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể sẽ thực hiện một số hành động khiêu khích trên biển Đông.

Bà Glaser: Đây có thể sẽ là cái cớ để Trung Quốc tập trung đàm phán song phương với từng thành viên ASEAN hơn là với cả khối.

Ông Koh: Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động tuần tra của các lực lượng dân sự như hải giám và ngư chính để biện hộ rằng họ không làm leo thang tình hình dù vẫn gia tăng khẳng định tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, hải quân Trung Quốc xuất hiện như một sự răn đe trên biển Đông. Tất nhiên, nước này cũng sẽ không quên kêu gọi tăng cường đàm phán song phương như họ từng tuyên bố lâu nay.

Indonesia, Nhật ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp biển Đông

Thông tấn xã Antara News của Indonesia đưa tin nước này và Nhật Bản nhất trí ủng hộ giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình. Quan điểm trên được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa và người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba bên lề đợt hội nghị của ASEAN và các đối tác đối thoại vừa qua tại Campuchia. Hai bên khẳng định cần giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982. Tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời giới quan sát cho rằng Nhật rất quan tâm tới tình hình biển Đông, không chỉ vì đây là tuyến hàng hải quan trọng mà còn do nước này cũng đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tokyo lo ngại rằng nếu Bắc Kinh có thể bất chấp luật pháp quốc tế và dùng các thủ đoạn dụ dỗ, ép buộc, gây hấn để đạt mục đích ở biển Đông thì điều tương tự cũng có thể xảy ra trên biển Hoa Đông.

Trương Y Vân

Ngô Minh Trí
(thực hiện)

>> Hội nghị ASEAN không ra được Thông cáo chung
>> Hội nghị ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung
>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> Khai mạc hội nghị ASEAN bàn về phát triển nông thôn
>> Biển Đông trên bàn hội nghị ASEAN - Mỹ
>> Philippines sẽ đưa tranh chấp với Trung Quốc ra hội nghị ASEAN - Mỹ
>> Thách thức cho sự ra đời của COC
>> COC là cơ sở để giải quyết xung đột
>> Trông đợi bước tiến COC
>> COC là mục tiêu hàng đầu ASEAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.