(TNO) Theo Kiểm toán nhà nước, các khoản thu từ việc cho thuê cột điện, nhượng bán vật tư hàng hóa của EVN… lên đến hơn 400 tỉ đồng. Các hoạt động tài chính, liên doanh liên kết, lãi sản xuất khác mà EVN “nhúng tay vào” lên đến hơn 3.000 tỉ đồng cũng không được hạch toán vào giá điện. Nếu được hạch toán chung, giá điện sẽ giảm được 34 đồng/kwh.
>> “Đứa con hư” EVN
>> Phát hiện vi phạm trong việc mua bán điện của EVN
>> EVN được điều chỉnh giá điện tối đa 5%
>> Đề xuất chuyển nợ EVN thành trái phiếu
>> EVN mới trả 5% số nợ tiền dịch vụ môi trường rừng
>> EVN tiêu cả tiền quỹ bảo vệ rừng
Giải đáp thắc mắc của nhiều cơ quan báo chí, vì sao không hạch toán chung các khoản lãi trên vào để giảm giá điện, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, hiện nay, doanh thu của EVN đang lỗ nên không thể giảm giá điện mà chỉ có thể giảm được giá thành sản xuất điện.
Theo ông Tri, EVN tuân thủ hoàn toàn đúng nguyên tắc hạch toán, kế toán chung. Phải hạch toán riêng rẽ thu, chi việc sản xuất và kinh doanh điện do đây là hoạt động chính của EVN. Còn việc cho thuê cột điện, tham gia các hoạt động đầu tư tài chính khác để tăng thu nhập cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Tri, doanh thu từ việc cho thuê cột điện là phải hạch toán riêng vào sản xuất kinh doanh khác, hoàn toàn đúng quy định.
“Trong luật và chế độ doanh nghiệp hiện hành là có thể sử dụng tài sản của mình để kinh doanh các hoạt động pháp luật không cấm để tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Tri nói.
Lãnh đạo EVN cũng cho hay, chuẩn mực kế toán mới yêu cầu tất cả các khoản tiền đầu tư đều hạch toán vào doanh thu của doanh nghiệp. Tiền cho thuê cột điện, hoạt động đầu tư tài chính, cuối cùng đều tính vào doanh thu của EVN.
“Lỗ trong năm 2010 của EVN là hơn 11.000 tỉ nhưng nhờ kinh doanh tài chính lãi 2.900 tỉ nên giảm con số lỗ chỉ còn hơn 8.000 tỉ”, ông Tri cho hay.
Nói về khoản lỗ 26 nghìn tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá mà EVN đang “trút lên đầu” người tiêu dùng, ông Tri lý giải: Gần đây, Chính phủ đã kết luận EVN lỗ là do chính sách. Trong năm 2010 và 2011, tỷ giá liên tục biến động nên lỗ do chênh lệch tỷ giá là điều đương nhiên. Số tiền này đều được đầu tư vào ngành điện nên người tiêu dùng điện sẽ phải gánh.
Việc tăng giá điện từ 1.7 sẽ giúp doanh thu bán điện dự kiến tăng thêm 3.710 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo, lỗ do chênh lệch tỷ giá của những năm trước.
Cũng tại buổi tọa đàm giữa các cơ quan báo chí với EVN chiều 20.7, nhiều nhà báo tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiền lương của cán bộ, nhân viên văn phòng của tập đoàn này. Dù liên tục kêu lỗ, nhưng lương ở EVN lại thuộc loại “hàng khủng”. Tuy nhiên, lãnh đạo EVN không trả lời rõ về vấn đề này.
Lê Quân
Bình luận (0)