|
Gánh nặng lãi vay
|
Trong phiên đối thoại đầu tiên, trước giờ giải lao của cuộc họp tổng kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, ngày 20.7, phát biểu của đại diện một số DN nhà nước khiến nhiều đại biểu thất vọng khi những câu hỏi, kiến nghị chưa thẳng thắn, chưa phản ánh đúng bản chất khó khăn của các DN thời gian qua về LS cao, vay vốn khó. Hội nghị chỉ thực sự gay cấn khi các DN tư nhân bắt đầu “chất vấn” Thống đốc.
Ông Đỗ Hà Nam, TGĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, làm nóng diễn đàn khi “cảm ơn” các NH vì nhờ có vốn vay thì DN - với cơ cấu kinh doanh 90% xuất khẩu - của ông năm ngoái có doanh thu 500 triệu USD, năm nay ước 1 tỉ USD. Quan hệ cùng lúc với nhiều NH, ông cũng khen có nhiều NH làm ăn “chuẩn”, nhưng có NH cho vay kiểu “sáng cho vay, chiều đòi lại” khiến DN đóng cửa lúc nào không biết. Theo ông Nam, nỗi khổ lớn nhất của DN vẫn là phải trả lãi NH quá nhiều khi mà năm ngoái, DN ông phải trả 150 tỉ đồng tiền lãi vay. “Nếu cứ như thế thì kinh doanh cố gắng đến đâu cũng chỉ đem nộp NH mà thôi”, ông Nam nói.
Chia sẻ với DN việc LS cao trong năm ngoái, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng NH là trung gian, đi huy động tiền của dân phải trả lãi huy động. Ông nói: “Năm ngoái giả dụ LS huy động 14%/năm, thì lãi vay cũng 18%/năm, như vậy DN nộp lãi cao là đúng rồi. Tiền gửi NH không những của người dân mà phần lớn của DN thì chính DN cũng được hưởng. Tiền từ túi ông này sang túi ông kia, không phải NH ăn trên lưng DN và cũng đừng nói NH móc túi DN”.
Không chỉ LS cao, TGĐ Intimex cũng cho rằng việc tiếp cận vốn rất khó khăn, đặc biệt vốn trung và dài hạn, kể cả vay cho các lĩnh vực ưu tiên. “Mặc dù có lệnh của Thủ tướng hẳn hoi, NH lúc đầu đồng ý hết nhưng đến phút 89 thì lại dừng. Lúc đó chúng tôi phải đi vay NH cổ phần LS cao, nhưng cũng chỉ vay được 45% nhu cầu” - ông Nam nói. Thống đốc Bình đáp lại: “Các NH không muốn từ chối cho vay dài hạn nhưng vì đa phần nguồn vốn huy động là ngắn hạn, thực tế quy định 30% vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn cũng đã bị các NH vi phạm. Đôi khi Chính phủ chỉ đạo, nhưng chưa có tiền để làm. Vì vậy chỉ dám đề nghị NH thương mại triển khai, có tới đâu thì làm tới đó”.
|
Cũng rơi vào cảnh gõ cửa NH nhưng chưa được vay vốn, bà Nguyễn Thu Hà, TGĐ Công ty TNHH Lexim, phân trần với Thống đốc rằng do trước phải vay của NH cổ phần LS cao nên nay tìm đến với NH nhà nước, cụ thể là Vietinbank chi nhánh Hà Nội.
Theo bà Hà, công ty bà chuyên kinh doanh máy, thiết bị xây dựng..., nhận được hợp đồng làm thuê cho dự án ODA của Nhật Bản, có phương án rõ ràng, có máy móc làm tài sản thế chấp. “Nhưng hơn 1 tháng nay, ngày nào tôi cũng hỏi kế toán thì NH cũng bảo là phải bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ. Công ty 11 năm kinh doanh chưa một lần trả nợ chậm, chưa một lần phải cơ cấu lại nợ. Thử hỏi một NH quốc doanh nhiều vốn và thông thoáng như Vietinbank mà còn khó như thế, NH khác thì sao?” - bà bức xúc.
Trước đó, ông Lê Đức Thọ - Phó TGĐ Vietinbank - được mời phát biểu đã tuyên bố, NH này sẵn sàng phục vụ một cách nhanh nhất, tối đa nhu cầu vốn cho các DN đủ điều kiện vay với LS rẻ, cạnh tranh nhất, chỉ 11-12%/năm. Để giải tỏa bức xúc, Thống đốc Bình khuyên bà Hà, hiện nay các NH cạnh tranh nhau khốc liệt, nếu chi nhánh này không mặn mà thì nên chạy sang chi nhánh NH khác. “DN không bao giờ có nợ quá hạn là DN hạng A, là đối tượng mà các NH đang đi săn lùng. Chị nên từ bỏ chi nhánh Vietinbank đối xử với mình như vậy mà chạy ngay sang ngay chỗ khác”. Ông cũng yêu cầu lãnh đạo Vietinbank: “Tôi đề nghị anh Thọ kiểm tra chi nhánh Vietinbank Hà Nội, về xem lại ngay hồ sơ đó, trong 2 ngày tới trả lời dứt khoát có cho DN vay hay không. Được hay không cũng nói”.
15%/năm trong bao lâu ?
Mặc dù đã được hạ LS nợ cũ từ 18%/năm xuống còn 15%/năm, nhưng bà Hà vẫn lo ngại giống như mọi năm, thời gian được hưởng là quá ngắn. Bởi thực tế DN của bà trước năm 2010 được vay LS 8-10%/năm, nhưng đến 2010-2011 thì LS tăng vọt lên 24%/năm. “Mua một đống máy móc rồi giờ lãi cao, bán không được hàng mà có bán cũng không đủ để trả lãi. Vì vậy, xin hỏi Thống đốc LS 15%/năm giữ được bao lâu, tôi không dám mong thấp 10%, nhưng chỉ có kiến nghị nhỏ nhoi là cần giữ ổn định ít nhất 1 năm” - bà Hà nói. Giải thích việc giữ ổn định LS phải căn cứ vào diễn biến của lạm phát, tuy nhiên ở thời điểm này, Thống đốc Bình khẳng định: “Với tư cách Thống đốc, chúng tôi đảm bảo với chị là LS tối đa 15%/năm có thể ổn định ít nhất 1 năm. Hy vọng còn hạ xuống và kéo dài nhiều năm nữa”.
Về chủ trương hạ LS nợ cũ xuống 15%/năm, ông Trần Anh Vương - TGĐ TCT thép Bắc Việt, Phó chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội - đề nghị Thống đốc cho biết chủ trương này dựa vào căn cứ pháp quy nào, có cơ sở nào để buộc các NH phải hạ không? Cũng theo ông Vương, năm ngoái Hội của ông có hơn 800 DN, năm nay chỉ còn 650, và đa phần chưa nhận được thông tin giảm LS từ các NH. Thông cảm với Hội DN trẻ, Thống đốc Bình khẳng định, chủ trương trên chỉ là lời kêu gọi, đề nghị của NHNN, nhưng các NH phải có trách nhiệm với nhau, với nền kinh tế. Hiện tại sau 5 ngày tuyệt đại đa số các NH đã có thực hiện, sắp tới, NHNN sẽ tổng hợp số liệu cho đăng tải công khai.
Năm ngoái doanh nghiệp chúng tôi phải trả 150 tỉ đồng tiền lãi vay. Nếu cứ như thế thì kinh doanh cố gắng đến đâu cũng chỉ đem nộp ngân hàng mà thôi Ông Đỗ Hà Nam - TGĐ CTCP Tập đoàn Intimex - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam
Năm ngoái giả dụ lãi suất huy động 14%/năm, thì lãi vay cũng 18%/năm, như vậy doanh nghiệp nộp lãi cao là đúng rồi. Tiền gửi ngân hàng không những của người dân mà phần lớn của doanh nghiệp thì chính doanh nghiệp cũng được hưởng. Tiền từ túi ông này sang túi ông kia, không phải ngân hàng ăn trên lưng doanh nghiệp và cũng đừng nói ngân hàng móc túi doanh nghiệp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình |
Cách xử lý nợ Liên quan đến lãi suất, ông Đỗ Hà Nam (Intimex) cho rằng, nhiều DN phải đi vay nóng để trả nợ NH, nhưng NH lại đẩy thông tin lên mạng, nói DN nợ xấu khiến các NH khác cũng xúm vào đòi nợ. Ông kể trường hợp một DN kinh doanh điều, lúc đầu vay nóng của dân trả nợ NH. Nhưng về sau không trả được bị các NH xâu xé lô hàng 10.000 tấn, trong khi giá điều từ lúc vay đến lúc xử lý chỉ còn 1/3. Nếu bán hết lô hàng xong DN cũng trở thành lừa đảo, vì các chi nhánh NH bên dưới phong tỏa, dẫn tới công an vào cuộc, dân đòi nợ, thành ra hỗn loạn. “Sai lầm lớn nhất của DN là đi vay chỗ khác để trả nợ NH đến khi công an vào cuộc thì họ thành lừa đảo, dùng tiền sai mục đích” - ông Nam nói. Ông cũng phê khả năng của một số giám đốc chi nhánh NH nhỏ, vì phát triển nóng nên trình độ kém, cách xử lý nợ lúng túng. |
Anh Vũ
>> Sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng về nợ xấu
>> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời chất vấn
>> Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tìm nhiều giải pháp để hạ lãi suất”
>> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Có “quân đen” làm giá vàng
Bình luận (0)