Chuyện của người đang sống

25/07/2012 03:01 GMT+7

Họ có thể là đồng đội, là thân nhân hoặc cũng có thể là chẳng ai cả… nhưng những công việc của họ cùng chung mục đích cao cả.

 Huyền thoại cỏ xanh
Cán bộ, chiến sĩ đội 584 vượt sông tìm hài cốt liệt sĩ tại nước bạn Lào
- Ảnh: Đội 584 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị) cung cấp

Từ đội 584 anh hùng…

Ở Quảng Trị cũng như ở nước bạn Lào, không quá nhiều người biết đến đội 584 (thuộc Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị). Thành lập tháng 5.1984, đơn vị đặc thù này có nhiệm vụ chính trị đặc biệt cao cả là tìm kiếm, cất bốc và đưa về Việt Nam mai táng những liệt sĩ hy sinh tại tỉnh Savanakhet (Lào). Không như nhiều đơn vị khác, địa bàn hoạt động của khoảng 40 cán bộ chiến sĩ trong đội 584 chủ yếu là những bản làng xa xôi hoặc nơi rừng thiêng nước độc trên đất bạn, những nơi mà trước đây bộ đội ta đã vạch đường hành quân hay đánh giáp lá cà với địch.

Vào mùa khô hằng năm (từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau), đội 584 lại sang đất bạn, từ những thông tin mù mờ nhất, lần dò đến tận nơi để xác minh. May mắn gặp bản làng thì vào xin ở nhờ như con cháu trong nhà, bằng không thì cứ dựng lán dã chiến, mắc võng làm chỗ trú chân. “Có nơi chúng tôi đi qua đến nước để sinh hoạt cũng không có, thức ăn sắp cạn anh em phải mò cua bắt ốc để bổ sung vào bữa ăn, 19 giờ phải lên võng trùm chăn ngủ vì sợ muỗi… tha đi, 5 giờ sáng hôm sau lại lên đường… Nhưng chỉ cần tìm thấy mộ của các anh, ai cũng đều nhẹ nhõm”, một chiến sĩ trong đội nói.

Khó có thể kể hết những khó khăn mà đội 584 gặp phải, ví như địa bàn rộng nhưng đơn vị phải thường xuyên cơ động phân tán nhiều hướng lại bất đồng ngôn ngữ với dân địa phương; hài cốt liệt sĩ còn lại nằm rải rác trong những khu rừng núi hiểm trở xa khu dân cư, đường sá khó khăn; rồi muỗi rừng, sên vắt, rồi phải vượt suối leo dốc đá tai bèo…

“Những khó khăn vất vả như kể trên anh em chúng tôi có sá chi, chỉ sợ nhất là khi thông tin xác định sai, hoặc quá mù mờ do những người già trong các bản ít đi hoặc tuổi đã cao, trí nhớ giảm… Có khi anh em phải lội bộ cả trăm cây số đường rừng, đào bới trên diện tích cả nghìn mét vuông mà vẫn công cốc”, trung tá Nguyễn Bá Châu, đội trưởng đội 584 tâm sự. Cũng theo trung tá Châu, suốt những hành trình đi tìm mộ, đội luôn được sự giúp đỡ của người dân nước bạn.

“Có những ngôi mộ liệt sĩ tập thể khi chúng tôi đào lên thì thấy những di vật như cái bi đông nước bị đạn bắn thủng đến 10 lỗ, cái bi đông khác thì mở nắp ra vẫn còn dấu vết nước bên trong, những cái kẹp tóc con gái, huy hiệu Đoàn còn mới nguyên… Nhưng cũng có lần “gặp” các anh mà chúng tôi đau lòng lắm, được chôn cất sơ sài nên nhiều khi cũng chẳng còn vẹn nguyên”, trung tá Châu xót xa.

Đến những người dân bình dị

Việc tìm mộ liệt sĩ, ở đâu không biết chứ ở Quảng Trị không chỉ dành riêng cho lực lượng chức năng, bởi có khá nhiều muốn “ôm” cái công việc nghĩa tình này vào người. Ví như ông Ngô Tình (thôn Liêm Công Đông, xã Vĩnh Thành, H.Vĩnh Linh). Ông không phải là cựu chiến binh, cũng chẳng có thân nhân nào là liệt sĩ chưa tìm ra mộ phần, nhưng chắc chắn ông phải là người hiểu sâu sắc nỗi đau đó. Bởi suốt hơn 30 năm qua ông đã xuôi ngược, lặn lội tìm kiếm, ghi chép khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh Quảng Trị, đặc biệt các nghĩa trang liệt sĩ ở xã ít người đến, tên tuổi, quê quán của hơn 2.000 liệt sĩ. Trong số này, ông đã giúp liên lạc với người thân của trên 500 liệt sĩ vốn đã nhiều lần cất công đi tìm kiếm nhưng không thấy… Ông tâm niệm rằng: “Dù ở lại các nghĩa trang liệt sĩ, các anh vẫn được bà con hương khói nhưng là con người ai chẳng muốn về nằm lại trên mảnh đất tiên tổ của mình, bên người thân và để ấm lòng người sống…”.

Đối với những nghĩa trang mang tầm quốc gia như Trường Sơn, Đường 9, dẫu sao cũng có hẳn những ban quản lý nên có đôi phần an ủi. Còn đối với những người coi sóc nghĩa trang tuyến huyện, tuyến xã đều là những mảnh đời kỳ lạ, phần nhiều họ làm vì tình nguyện...

Đó có thể là ông Đỗ Quang (75 tuổi), người tình nguyện chăm sóc, quét dọn Nghĩa trang xã Ba Lòng (H.Đakrông) suốt hơn 20 năm trời không một đồng trợ cấp. Ngần ấy thời gian, từng ngôi mộ trong số 210 ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang này đều do một tay ông cáng đáng từ việc khói hương ngày rằm, lễ, tết, cho đến bảo vệ, trông coi. Người dân trong xã này đã quen với hình ảnh ông lão ngày ngày dắt cháu nội lên nghĩa trang, “chuyện trò”, san sẻ buồn vui với những anh hùng liệt sĩ. Giờ đây khi chân đã mỏi, mắt đã mờ, ông vẫn không chịu “nhường” công việc này cho ai khác bởi với ông không ai hiểu từng ngôi mộ ở đây như mình.

Hay đó cũng có thể là hai cựu chiến binh Nguyễn Cư (62 tuổi, trú xã Triệu Thượng) và Lê Văn Giãn (52 tuổi, trú xã Triệu Vân), những người đang “phụ trách” nghĩa trang liệt sĩ H.Triệu Phong. Mỗi người đều có một cách để đến và gắn bó với nghĩa trang này nhưng ai cũng làm việc hết lòng. Đến nỗi có người còn kháo nhau rằng chỉ một chiếc lá vàng trong nghĩa trang rụng xuống, hai ông cũng tranh nhau nhặt. Ông Cư tâm sự :“Tôi làm phần nhiều vì duyên nợ, ơn nghĩa giữa người còn và người mất. Bao nhiêu năm qua, nào tôi có quên được đồng đội mình”.

Còn khi được hỏi về chuyện “công cán”, cả hai ông đều nhoẻn miệng cười bảo nếu tính lương thì không ai làm được việc này đâu. Vậy nên dẫu gia đình cả hai không lấy gì làm khá giả, bao năm nợ nần cơm áo bủa vây nhưng chưa bao giờ các ông nghĩ đến chuyện từ bỏ nơi chốn này.

Từ nhiều chứng cứ khoa học, thư tín của thân nhân liệt sĩ cũng như sự chỉ đường của người dân địa phương, từ năm 1984 đến nay, đội 584 đã phát hiện, cất bốc đưa về nước 5.467 mộ liệt sĩ, trong đó 120 ngôi đã có thông tin. Năm 2008, đội đã được phong tặng là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đại tá Trần Hữu Lưu (cựu đội trưởng 584) cũng được phong tặng Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.