12 thuyền viên trở về từ hang ổ cướp biển Somalia

25/07/2012 03:35 GMT+7

Thoát khỏi hang ổ cướp biển Somalia sau 18 tháng đọa đày, với 12 thuyền viên VN trên tàu cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) cuộc trở về như một lần được tái sinh.

>> Hải tặc Somalia gia tăng tấn công
>> Hải tặc Somalia thả tàu Việt Nam
>> Hải tặc Somalia đòi Hàn Quốc bồi thường nhân mạng
>> Hải tặc Somalia cướp tàu chở 266.000 tấn dầu thô
>> Vụ 12 thủy thủ VN bị hải tặc Somalia bắt giữ: Đàm phán đã có dấu hiệu tích cực
>> Hải tặc Somalia “thu phí” 30 triệu USD

Hay tin người thân mình được cướp biển Somalia thả, nhiều gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh bỏ hết công việc đồng áng, tức tốc ra Hà Nội. Dù chuyến bay dự kiến hạ cánh lúc 15 giờ, nhưng tất cả mọi người đều có mặt ở phòng chờ từ rất sớm.

 Thuyền viên Hồ Xuân Hương
Thuyền viên Hồ Xuân Hương và người thân tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Lê Quân

Tâm sự với chúng tôi trong lúc chờ máy bay hạ cánh, bà Bùi Thị Huyền (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) có cậu con trai độc nhất Hồ Xuân Hương cứ như người ngây dại, hết khóc lại cười. Bà Huyền nghẹn ngào: “Từ ngày 17.7 đến giờ, tui chẳng thiết ăn uống gì, cả đêm thức đến từng giây, từng phút ngóng chờ con về. Sốt ruột quá, sáng qua gia đình tui bắt xe đi thẳng tới sân bay Nội Bài”. Hơn 1 ngày đêm, cả gia đình bà Huyền không rời khỏi sân bay nửa bước, chỉ mong sớm gặp lại con.

 

18 tháng trong tay bọn cướp

Tàu đánh cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) cùng 26 thuyền viên, trong đó có 12 người VN bị cướp biển Somalia bắt giữ ngày 25.12.2010 tại vùng biển ngoài khơi Madagascar thuộc Ấn Độ Dương. Trong đó, có 10 người quê Nghệ An và 2 người quê Hà Tĩnh do Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco) thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông I; Công ty thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico) và Công ty TNHH một thành viên Vạn Hoa (Hải Phòng) đưa đi. Sau 18 tháng giam cầm, đêm 17.7, với sự nỗ lực của các cơ quan hữu quan, cướp biển trao trả các thuyền viên an toàn.

Sau đó, các thuyền viên đã được tàu khu trục Trung Quốc có tên Chang Zhou tiếp nhận tại khu vực vịnh Aden và đưa về Tanzania - nơi có Đại sứ quán VN và Trung Quốc. Tại đây, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán VN, các thuyền viên đã được các doanh nghiệp phái cử mua vé máy bay về nước.

Bị tấn công khi đang thả câu

15 giờ 30 phút, từng thuyền viên bước ra cánh cửa phòng chờ với khuôn mặt đen sạm, hốc hác, tóc tai bờm xờm. 11 thuyền viên ai cũng có gia đình đến đón, duy chỉ có Lưu Đình Sơn (quê Con Cuông, Nghệ An) là cô độc. Ra khỏi sân bay, Sơn ngơ ngác ngóng tìm người thân. Bố mẹ Sơn già yếu đã đổ bệnh vì thương nhớ con nên không đủ sức ra Hà Nội. Mượn điện thoại của người nhà một thuyền viên, tay Sơn bấm số mà run bần bật. Cố ngăn không cho giọt nước mắt trào ra, nhưng vừa nghe tiếng người mẹ già ở đầu dây bên kia, Sơn khóc òa: "Mẹ ơi! Con đã về".

Trong câu chuyện của các thuyền viên vẫn chưa hết sự hoảng sợ khi kể về những tháng ngày sống trong địa ngục trần gian. Là người chứng kiến khoảnh khắc cướp biển tràn lên tàu, Lưu Đình Hùng nhớ lại lúc đó tàu đang thả câu thì có tiếng thuyền trưởng ra lệnh cắt câu, chạy nhanh, cướp biển tấn công. “26 thủy thủ trên tàu choàng tỉnh, nhưng không kịp nữa rồi. Một tiếng súng vang lên, sau đó khoảng 50 tên cướp biển, súng ống lăm lăm trên tay nhảy lên tàu, khống chế và cắt đứt mọi liên lạc rồi giam tất cả xuống dưới boong tàu”, Hùng kể.

Khi phát hiện ở khoang thuyền trưởng vẫn còn giấu 2 khẩu súng, bọn cướp biển trói ngược tay, chân tất cả thuyền viên trong hơn 30 phút. “Tất cả sợ hãi mặt cắt không ra một giọt máu. Chân tay run lẩy bẩy, đứng không vững”, Trần Văn Hùng (quê Nghi Lộc, Nghệ An) kể tiếp. Những tưởng, bọn cướp biển sẽ đưa các thủy thủ vào bờ, nhưng không, chúng tiếp tục kéo đi cướp các tàu khác. Nửa tháng lênh đênh trên biển, chúng cướp thêm được một tàu bị hỏng máy. Hành trình cướp bóc vẫn tiếp tục kéo dài 10 tháng sau đó.

Hồi tưởng lại những giây phút kinh hoàng, thuyền viên Nguyễn Văn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết: “Mỗi ngày bọn cướp chỉ cho 2 bát cơm trắng và cho đi vệ sinh 1 - 2 lần dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Anh em chúng tôi bị bắt phục dịch, sửa máy, kéo ca nô... Thỉnh thoảng, chúng lại cho một người gọi điện về công ty gây sức ép để sớm nộp tiền chuộc”.

Trong "địa ngục trần gian”

Sau 10 tháng lênh đênh trên biển bọn cướp mới chịu đưa các thuyền viên vào bờ. Từ đây, các thuyền viên bắt đầu một cuộc sống ở "địa ngục trần gian". 

Hải tặc cũ “chuyển nhượng” cho hải tặc mới

Ông Nguyễn Xuân Tạo - Trưởng phòng Quản lý lao động (Cục Quản lý lao động nước ngoài - Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: "Lẽ ra, theo thỏa thuận thì thuyền viên được về nước từ tháng 3 vừa rồi, nhưng vì nhóm hải tặc cũ lại chuyển nhượng thuyền viên cho nhóm hải tặc mới tiếp quản tàu nên quá trình đàm phán bị chậm trễ. Thứ hai là số tiền phía hải tặc đưa ra quá lớn so với khả năng của chủ tàu đánh cá xa bờ Đài Loan. Bọn hải tặc còn đưa ra nhiều thông tin như giết, đánh đập, tra tấn thuyền viên để tạo sức ép. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn từ tháng 4 đến tháng 7, với sự nỗ lực của cả phía VN và Đài Loan, quá trình đàm phán đã thành công".

 
Lưu Đình Hùng kể, tất cả các thuyền viên bị bọn cướp “chăn như chăn dê”, lúc nào cũng có nhiều toán người với súng ống lăm lăm trên tay xung quanh. “Ở đây là vùng đất của cướp biển nên trẻ con cũng là cướp biển. Những đứa con của cướp biển chỉ khoảng 9 - 10 tuổi cũng cầm súng gí vào đầu thuyền viên, bắt làm gì bọn tôi cũng phải làm”, anh Hùng kể.

Vùng đất nơi bọn cướp biển giam giữ các thuyền viên là vùng hoang mạc quanh năm nắng nóng. Nước uống còn không có, nói gì đến nước tắm và vệ sinh. Khoảng 2 - 3 tháng, chúng mới cho tắm một lần nên ai cũng mắc bệnh ngoài da, nhẹ thì lang ben, hắc lào, nặng thì ghẻ lở toàn thân. Đã thế ăn uống kham khổ, sức lực cạn kiệt nên ai cũng đổ bệnh. Nhưng chỉ có ai ốm nặng mới được uống thuốc, còn nhẹ thì chúng bỏ mặc. “Hãi nhất là muỗi độc và côn trùng cứ chực chờ để tấn công chúng tôi. Có lần, tôi bị loài côn trùng cắn, thành cục máu, nặn ra có cả một con dòi to như ngón tay út”, Nguyễn Văn Tâm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sợ hãi nhớ lại.

Trước khi được thả, tất cả thuyền viên bị lùa đến một gốc cây lớn trong rừng. Các thuyền viên phải đi dọc bãi biển cách khu vực của bọn chúng vài cây số, để 2 ca nô chở ra tàu lớn. Ca nô bị hỏng nên bọn chúng đã để cho tàu bay xuống đón đưa lên tàu chiến của Trung Quốc chở về. Đại sứ quán Việt Nam ở Tanzania đã nhanh chóng làm thủ tục và mua vé máy bay, đồng thời cấp phát quần áo cho các thủy thủ.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm XKLĐ Servico Hà Nội, nói: “Trong thời gian các thuyền viên bị bắt, hằng tháng vẫn được công ty trả lương. Tất cả các quyền lợi, chúng tôi sẽ trả cho lao động. Trước mắt công ty hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng tiền tàu xe về quê”.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.