Vô tư xả thải
Nhiều ngày theo anh P., nhân viên Công ty TNHH MTV quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi, chúng tôi tiến hành khảo sát mức độ ô nhiễm ở các dòng kênh giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Ninh, Long An. Hầu như các dòng kênh quanh các khu công nghiệp (KCN) như Trảng Bàng (Tây Ninh), KCN Đức Hòa 1, KCN Đức Hòa 2 (Long An) đều nhuốm màu đen kèm mùi hôi, mà nguyên nhân chính do nước thải từ các KCN trên xả ra.
Bước chân vào KCN Đức Hòa 2, gần nhà máy xử lý nước thải (XLNT), một mùi hôi nồng nặc xộc vào mũi. Từ khi chúng tôi vào đây, nhất cử nhất động đều bị theo dõi bởi một người đàn ông đứng phía trong hàng rào của nhà máy. Quan sát kỹ, chúng tôi phát hiện 2 miệng cống với dòng nước đen ngòm từ trong KCN chảy vào kênh Ranh (kênh giáp ranh giữa TP.HCM và Long An). Quanh miệng cống, nhiều ngọn bèo héo úa. Khi thấy chúng tôi lấy máy ảnh ra chụp, người đàn ông đứng trong hàng rào khu XLNT của KCN vội chạy xe máy ra chỗ chúng tôi, đồng thời rút điện thoại gọi cho ai đó…
Đi dọc kênh Ranh, mùi hôi nồng luôn hắt lên, dòng nước đen kịt. Chúng tôi thật sự rùng mình khi nghĩ đến dòng nước này sẽ hòa vào kênh An Hạ, Thầy Cai… từ đó đổ về sông Sài Gòn - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP.
Riêng nước thải từ các con kênh gần KCN Đức Hòa 1, KCN Trảng Bàng đổ ra kênh dù không có màu đen đặc quánh, nhưng cũng chẳng được trong, bên trên nó là một lớp váng màu vàng nhợ. Theo anh P., do đang là cao điểm mùa mưa nên nước ở đây có vẻ tốt hơn, nhưng vào khoảng cuối tháng 3, những khu này xả nước thường xuyên, nước cạn nên dòng kênh biến thành một màu đen hôi thối.
Ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn, TP.HCM là nơi tập trung nhiều công ty, cơ sở sản xuất bao bì nên kênh rạch quanh khu vực này đang bị đầu độc bởi nước thải. 9 giờ ngày 11.7, chúng tôi có mặt tại bờ rạch cầu Sập, sau lưng Công ty giấy A.T và Công ty giấy S.N. Những ống nước thải với dòng nước đen ngòm, sủi bọt, mùi hôi kèm các hạt li ti đổ thẳng vào rạch. Rất khó để xác định ống xả đó bắt nguồn từ công ty, cơ sở nào. Nước từ con rạch này sẽ chảy ra sông Rạch Tra rồi hòa vào sông Sài Gòn.
Cá cũng chịu không nổi
Anh Lê Văn Thảo (xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi) cho biết: “Gia đình tôi sống bao đời nay bên sông Rạch Tra. Trước đây, nước ở sông trong veo, cá tôm đầy ắp. Nhưng 4 năm trở lại đây, con sông này đã “chết”, chẳng còn thứ gì có thể sống”. Anh Thảo kể thêm, có lần khi đang thả câu tại ngã ba rạch Đường Đò và kênh Xáng (là những nhánh tách ra từ sông Rạch Tra), bất ngờ thấy nước sông đen thui, xác cá nổi trắng, có lẽ nước thải ra kèm theo chất gì đó rất độc hại nên cá chết ngay khi tiếp xúc. Trước kia, cá anh câu được mỗi đêm lên đến vài chục ký với đủ loại, từ cá trê đầu rít, cá tràu dày đến cá ngựa đuôi đỏ, nay thì những loại cá này hầu như “tuyệt chủng” trên sông Rạch Tra. Mới rồi, anh thả 400 m lưới, cả đêm chỉ bắt được 3 con cá trê phi. “Chỉ cá trê phi mới sống nổi trong nguồn nước bị ô nhiễm. Mà cũng không dám ăn vì toàn thân phủ một lớp nhầy dày, có mùi rất tanh” - anh Thảo nói.
Tại chân cầu An Hạ, nước từ một con rạch dọc theo QL 22, ngang qua Công ty V.T lúc nào cũng âm ỉ chảy ra sông Rạch Tra. Anh Tuấn, một người dân địa phương thường câu cá nơi đây, cho biết dọc bờ sông này có rất nhiều công ty xả thải ra sông. Thỉnh thoảng nước lại chuyển sang màu đen, có hôm cá chết nổi lềnh bềnh.
Hải Nam - Thanh Đông
>> Dân ta xả rác
>> Bệnh viện xả rác y tế ra môi trường
>> Cho chừa tật xả rác!
>> Quảng cáo hay xả rác?
>> Đã xử lý nạn xả rác bừa bãi
Bình luận (0)