Học sử là phải hiểu sử

02/08/2012 03:10 GMT+7

Phạm Văn Tiên, học sinh lớp 12 văn Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi là thủ khoa khối C của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với 25,5 điểm (văn: 8, lịch sử: 9, địa lý: 8.5).

Tiên chia sẻ: “Em thi vào ngành Báo chí và truyền thông vì thấy nó hợp với sở thích và năng lực của mình. Em dự định chọn báo điện tử vì nó cập nhật thông tin nhanh, bạn đọc dễ dàng theo dõi và tìm kiếm. Sau này khi trở thành một nhà báo, em sẽ dùng ngòi bút của mình hướng đến những mảnh đời bất hạnh”.

Đối với Tiên, học là một quá trình lâu dài, không nên hấp tấp, vội vã, không học nhồi nhét và cần phân chia thời gian hợp lý, ngoài ra học phải dành một chút thời gian để thư giãn và vui chơi. Do vậy, ngoài thời gian trên lớp, Tiên chỉ dành khoảng 5 tiếng để tự học ở nhà.

Nhiều bạn trẻ cho rằng học các môn xã hội nhiều chữ, khó nhớ. Nhưng theo Tiên, các môn: văn, lịch sử, địa lý cũng như toán, vật lý, hóa đều có hệ thống logic riêng, nếu mình hiểu bản chất của vấn đề thì không có môn học nào khó. Tiên chia sẻ: “Với môn văn, trước khi cảm nhận một bài văn, bài thơ thì phải đọc kỹ tác phẩm; còn truyện thì nắm được cốt truyện, diễn biến tâm lý của nhân vật trong mỗi hoàn cảnh của câu truyện, hiểu được giá trị và sức lan tỏa của từng nhân vật, cuối cùng là cảm nhận được thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt đến người đọc”. Tiên cho rằng không nên học thuộc lòng lịch sử mà phải hiểu lịch sử. Khi ôn bài môn lịch sử, Tiên gạch ra các ý chính, nắm bắt những sự kiện điển hình, từ đó khái quát lại một giai đoạn lịch sử.

Trong suốt 12 năm học phổ thông, Tiên luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, năm lớp 12 đoạt giải khuyến khích môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tiên cũng là thủ khoa của tỉnh Quảng Ngãi với 57 điểm. Tiên thổ lộ: “Sau khi biết điểm thi đại học, em hơi tiếc về điểm sử và địa lý. Em nghĩ mình có thể làm tốt hơn, vì một chút chủ quan không ôn kỹ phần lịch sử thế giới mà em mất điểm”.

Tiên cho biết sẽ sắp xếp thời gian hợp lý để vừa học, vừa đi làm thêm phụ giúp gia đình. Tiên chia sẻ: “Em cố gắng hoàn thành thật tốt 4 năm học ĐH để không phụ lòng người dì đã nuôi nấng em suốt 18 năm qua. Sau khi ra trường, em muốn đi thật nhiều nơi, tìm đến những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, chia sẻ cùng các bạn đồng cảnh ngộ với bản thân”.

Hải Yến

>> Học sử qua những bài giáo khoa thuộc lòng
>> Lên mạng học sử Việt
>> “Học sử trên đường” sai địa danh
>> “Học sử trên đường” sao cho dễ hiểu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.