Cụ ông lưu giữ bộ ấn triện, bằng cấp cổ độc đáo

04/08/2012 10:00 GMT+7

(TNO) Gần 50 hiện vật cổ gồm: ấn triện, bằng và chứng chỉ tốt nghiệp, khế ước ruộng đất, bạc cổ… qua các thời kỳ lịch sử đang được lưu giữ cẩn thận.

(TNO) Gần 50 hiện vật cổ gồm: ấn triện, bằng và chứng chỉ tốt nghiệp, khế ước ruộng đất, bạc cổ… qua các thời kỳ lịch sử đang được lưu giữ cẩn thận.

Người lưu giữ những hiện vật cổ này là ông Lê Văn Khánh (81 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kim Đồng Khánh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).

Ông Khánh vốn gốc là người xã Cẩm Hưng (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Đến năm 1990 cả nhà ông mới chuyển vào Nam sinh sống và lập nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.

Sưu tầm để phục vụ giảng dạy

Ông Khánh cho biết mình đã lưu giữ được 50 hiện vật gồm: ấn triện, khế ước ruộng đất, đồng bạc, sách giáo khoa, bạc cổ…. Trong đó, một số hiện vật cổ có tuổi trên 200 năm. Số còn lại từ 30 - 50 năm. Bộ sưu tập là chứng cứ lịch sử qua các thời kỳ mà đến nay chúng trở thành niềm tự hào của ông.

“Tôi không có máu chơi đồ cổ. Nhiều năm trước, tôi sưu tầm chúng chỉ để có tài liệu cho việc giảng dạy. Đến giờ thì chúng như những đứa con tinh thần của tôi”, ông Khánh tâm sự.

Ông Khánh cho biết ông tốt nghiệp khoa văn Trường ĐH Vinh (Nghệ An) năm 1972. Năm 32 tuổi ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường cấp 2 Nguyễn Huệ (H.Cẩm Xuyên). Khoảng năm 1976-1978 ông chuyển  về giảng dạy bộ môn văn tại Trường cấp 3 Cẩm Bình và bắt đầu quá trình sưu tầm.

Ông Khánh quan niệm, dù học môn văn cũng phải cần thực tế. Chẳng hạn, khi học tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố liên quan đến sưu thuế, ông phải có tài liệu thực để minh chứng cho học sinh hiểu.

Ví dụ, về khế ước bán ruộng của các địa chủ, giới quý tộc... ông cất công tìm kiếm và sưu tầm khế ước thời vua Quang Trung, Gia Long hay giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất qua các thời kỳ chống Pháp, Mỹ cho học sinh biết...

Ngoài khế ước ruộng đất, bộ sưu tập hiện vật cổ của ông Khánh còn có các ấn triện quý, hình thức phong phú. Ông sở hữu khoảng 5 chiếc ấn triện có hình vuông, chữ nhật, tròn và bầu dục.  Các con dấu được ông phân bổ rất rõ ràng. Cấp thấp nhất là dấu của thôn (tức lý trưởng), sau đó là hộ tịch ấn (xã trưởng), đến chánh tổng, tri huyện và dấu của địa phương (cấp xã)...

Nâng niu trên tay những chiếc ấn đồng phủ kín gỉ xanh hay những chiếc ấn ngà đã lên nước nâu bóng, ông Khánh say sưa giới thiệu đặc điểm, nguồn gốc và nét độc đáo của từng món cổ vật. 

Trong quá trình sưu tập tài liệu giảng dạy, ông cũng tìm thấy nhiều bộ sách quý, chẳng hạn như sách giáo khoa địa lý lớp 3, 4, 5 do người Pháp in năm 1911 tại Hải Phòng...

Ngoài ra, ông Khánh còn sưu tầm và lưu trữ được nhiều bằng cấp, giấy chứng nhận tốt nghiệp qua các bậc học như: bằng tốt nghiệp tiểu học (1930 - 1946) in hai mặt tiếng Pháp - tiếng Việt, giấy chứng nhận cho cá nhân biết đọc - biết viết, giấy chứng minh các khóa tốt nghiệp đào tạo quốc phòng, tài liệu về bình dân học vụ… 

Xin gửi lại cho quê hương 

Ông Khánh chia sẻ, bản thân ông cũng không nghĩ bộ sưu tập này lại trở thành những hiện vật cổ quý, hiếm đến thế. Đi đâu, ông Khánh cũng mang theo bên mình như một cách thể hiện sự trân quý, đồng thời cũng là tiện để giới thiệu bạn bè biết đến giá trị lịch sử của con người, quê hương Hà Tĩnh. 

"Ngày xưa các hiện vật trên là tài liệu dạy học, nay là nhân chứng cho lịch sử, con người, vùng đất Hà Tĩnh", Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình nói về bộ sưu tập cổ vật này của ông Khánh.

Trong dịp về thăm quê hương mới đây, ông Khánh đã giới thiệu bộ sưu tập hiện vật cổ của mình với bạn bè, người dân địa phương trong và ngoài tỉnh.

Dịp này, ông Khánh cũng xây dựng cho người dân xã Cẩm Hưng một ngôi chùa từ thiện, trị giá gần 1 tỉ đồng để ngày ngày bà con đến thắp hương cầu an, cầu phúc…  

"Tôi đã đến tuổi gần đất xa trời. Trước khi về với đất mẹ, tôi mong muốn có một cá nhân, đơn vị, tổ chức gìn giữ, lưu truyền những hiện vật cổ này để làm nhân chứng lịch sử cho con cháu đời sau", ông Khánh nói.

"Nếu không được như ước nguyện, trước mắt tôi sẽ gửi toàn bộ hiện vật cho ngôi chùa tôi đang xây dựng cất giữ, qua đó tuyên truyền cho bà con biết về lịch sử của quê hương", ông Khánh chia sẻ thêm.

Dưới đây là một số hiện vật cổ trong bộ sưu tập của cụ ông Trần Văn Khánh:

Cụ ông lưu giữ bộ ấn triện, bằng cấp cổ độc đáo 2
Ông Lê Văn Khánh trước bộ sưu tập đồ cổ quý giá của mình

Cụ ông lưu giữ bộ ấn triện, bằng cấp cổ độc đáo 3
Các ấn triện nổi bật trong bộ sưu tập thời kỳ trước 1945

Cụ ông lưu giữ bộ ấn triện, bằng cấp cổ độc đáo 4

Cụ ông lưu giữ bộ ấn triện, bằng cấp cổ độc đáo 5
Các bằng, chứng chỉ tốt nghiệp bậc tiểu học

Cụ ông lưu giữ bộ ấn triện, bằng cấp cổ độc đáo 6
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1955

Bài, ảnh: Trương Hoa

>> Trưng bày 5.000 hiện vật cổ tại Bảo tàng Hội An
>> Khôi phục ấn triện thời Tây Sơn
>> Viết gia phả bằng sân khấu
>> Cổ vật cháy theo cổ tự Hội Sơn
>> Trưng bày cổ vật các nước Đông Nam Á
>> Cổ vật Chăm tại Festival Biển Nha Trang
>> Không gian Huế xưa qua các cổ vật
>> Những tay chơi cổ vật Hà thành - Người Hà Nội xưa
>> Bảo tàng cổ vật biển Việt Nam
>> Giới thiệu cổ vật Việt Nam tại Mỹ
>> Ra mắt Hội Cổ vật TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.