“Hát hình máy” ở Sài Gòn
Khu vực trung tâm Sài Gòn khoảng từ Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành có những con đường huyết mạch đông đúc người qua lại với các nhà hàng, phòng trà nổi tiếng được đạo diễn Lê Hoàng Hoa nhắc đến trong bút ký của ông. Trong đó có một con đường từng đánh dấu thời điểm du nhập của điện ảnh vào Sài Gòn: đường Charner thời Pháp, dân gọi là “đường Kinh lấp”, nay là Nguyễn Huệ, Q.1. Trong “một cái nhà tạm bằng lá ở trên lề đường ấy (Charner) - gần một bên chợ” đã sớm có các buổi chiếu bóng do ông Léopold Bernard đứng ra tổ chức cách đây 113 năm, mà Tuần báo Nam Kỳ số 81 ra ngày 18.5.1899 ghi nhận qua bài Cuộc hát hình máy, cũng như tả lại những cảnh xem thấy trên màn ảnh: “ban đầu có một người đờn bà bẻ bông mà ngửi, đoạn hình xe lửa bên Tây chạy đến ghé nhà bán giấy, có bộ hành lên xuống rất đông đảo lắm; hình xe lửa chạy vô đậu tại nhà giấy Chợ lớn; hình hai người say rượu phá quán; có lính trấn thủ đến bắt, hình đào Nhựt Bổn ra hát... cùng nhiều hình khác nữa xem thiệt khoái chí lắm”.
|
Đoạn văn trên và các đoạn khác trong bài này được nêu ra theo trích dẫn của nhà văn Sâm Thương - tác giả tư liệu Điện ảnh du nhập vào Việt Nam từ bao giờ? - in trong công trình biên soạn Địa chí văn hóa TP.HCM (phần Nghệ thuật - GS Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên, NXB TP.HCM 1989), với nhận xét: “dưới mắt các nhà nghiên cứu chắc không phải là một đoạn văn bình thường (đăng trên Báo Nam Kỳ số 81 đã dẫn), nó chứa giấu một chứng liệu lịch sử - Vì trong đó nó ghi nhận có cả hình xe lửa chạy vô đậu tại nhà giấy Chợ lớn. Như vậy chúng ta phải hiểu đó là một đoạn phim được quay tại Việt Nam và có thể đó là đoạn phim đầu tiên”. Sâm Thương cho biết ông và bạn bè trong giới đã tìm cách liên lạc với một số nhà điện ảnh Pháp để giúp xác định đoạn phim “xe lửa chạy vô đậu tại nhà máy Chợ lớn” do ai quay và được quay vào năm nào, hoặc trước đó còn có đoạn phim nào khác được quay tại Việt Nam nữa không.
Xác định thời điểm có mặt của điện ảnh ở Việt Nam
Tiếp tục dẫn các tài liệu từ thư viện riêng của GS Nguyễn Văn Trung, Sâm Thương nêu thêm nội dung đoạn quảng cáo mang đậm yếu tố tư liệu, rất cần thiết cho việc tra cứu thêm về những ngày phôi thai của điện ảnh Sài Gòn đăng trên Tuần báo Nam Kỳ số 50 ra ngày 6.10.1898 dưới đây:
Hát hình máy
Tại Châu Thành Chợ Lớn (phía trước nhà quan Tổng đốc Chợ Lớn).
Tối bữa nay và mỗi tối đúng 9 giờ.
Ông D’Arc có hát hình máy hay quá sức.
Bọn này là bọn hát hình cá thể và giỏi hơn hết
Thảy trên thế gian.
Hát nhiều thứ tuồng.
Như những tích kể sau đây:
Tuồng những kép hát tài nghề trong trào.
Những thằng hề quá sức.
Những hình múa tay múa chơn hay lắm.
Ông Barbe Bleue (râu xanh)
Nhiều lớp tuồng đẹp đẽ, đổi mau, khác xa nhau.
Tuồng một người vượt biển chiêm bao.
*
Đồ chưng tuồng lộng lạc - Bận y phục quý trọng quá chừng.
Giá tiền đi coi: Buồng (4 chỗ ngồi)... 5 đồng 00. Ghế bực nhứt ...1 đồng 00. Ghế bực nhì... 0 đồng 50. Ghế bực ba... 0 đồng 30. Lính bộ, lính thủy và con nít chưa tới 12 tuổi đi coi ngồi ghế bực nhứt, bựt nhì thì trả nửa tiền mà thôi. Tám giờ tối mở cửa Chín giờ khởi sự hát.
Tiếp đó, Báo Nam Kỳ số 51 ra ngày 13.10.1898 tường thuật cuộc đi xem chớp bóng: với các chi tiết khá sống động: “Thật khi thấy mấy cái hình nhỏ nhỏ đó nó đi, nó nói chuyện, đầu ngó qua ngó lại, còn hai tay múa lia múa lịa, ai cũng đều tưởng là hình sống. Nó nhảy nó múa cũng chẳng thua chi mấy bọn nghề nhảy múa vậy, nó làm nhiều tuồng, xem ra thật lấy làm lạ kỳ quá sức. Còn bây giờ, nếu nói qua những tuồng làm đó, là những tuồng mỗi người đều hiểu được, chẳng cần phải biết tiếng langsa hay là tiếng anglais gì hết, thì có nhiều thứ tuồng xem ra khéo léo, tài nghề và sinh tốt đẹp đẽ khôn nói cùng, có nhiều thứ khác nó làm mình cười nôn ruột, thật nó dị cục quá chừng”. Sâm Thương kết luận: “Như thế điện ảnh đã du nhập vào Việt Nam ở thời điểm nào, chỉ có thể là ngày mà cuộc hát hình máy của ông D’Arc diễn ra tại Sài Gòn vào khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10.1898 (...). Theo quan điểm của chúng tôi thì điện ảnh du nhập vào Việt Nam gần như đồng thời với sự xuất hiện của điện ảnh tại Pháp, hoặc sau một chút, nghĩa là bên Pháp có gì, bên ta có nấy, đặc biệt là ở đất Nam Kỳ”.
Một tác giả khác - GS-TS Lê Trung Hoa, trong cuốn Cửa sổ tri thức, NXB Trẻ 2005, giải đáp câu hỏi Điện ảnh nước ta có từ bao giờ? như sau: “buổi chiếu phim đầu tiên do một người Pháp tên D’Arc đem vào chiếu trước dinh Tổng đốc Chợ Lớn (nay là đường Trần Văn Kiểu). Như vậy chưa đầy 3 năm kể từ buổi chiếu phim khai sinh ra điện ảnh thế giới do anh em Lumière tổ chức ngày 28.12.1895 tại một quán cafe ở Paris, ngành nghệ thuật thứ bảy được du nhập vào Việt Nam, mà trước tiên là ở Sài Gòn (vào năm 1898)”. Cũng cần nói thêm, theo Nguyễn Vinh Phúc trong Một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, NXB Trẻ 2010, thì điện ảnh Đông Dương khởi đầu bằng việc Toàn quyền ra nghị định hoạt động ngày 19.12.1916 và “nơi tổ chức chiếu phim kinh doanh đầu tiên là quán café của khách sạn Métropole, Hà Nội khai trương vào tháng 8.1920 với bộ phim truyện Thằng Cọp”. Và tổ chức kinh doanh đầu tiên là Công ty phim ảnh Đông Dương (Indochine Films et cinémas) thành lập năm 1924 đã đứng ra thực hiện bộ phim truyện đầu tiên ở Việt Nam: phim Kim Vân Kiều: “rạp chiếu bóng được xây đầu tiên ở Hà Nội là rạp Palace ở phố Paul Bert, nay là Trường Tiền vào năm 1920, sau đổi tên là Eden, nay là rạp Công Nhân, sau đó có các rạp Les Variétés sau đổi là Pathé (nay không còn, vốn ở bên đền Bà Kiệu đối diện đền Ngọc Sơn)”. Sau này “Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam ra đời theo sắc lệnh ngày 15.3.1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành và thành lập Xưởng phim Việt Nam năm 1954”...(Còn tiếp)
Giao Hưởng
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 5: Hòa âm
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 6: Những pha “đứng tim” trên gác chuông nhà thờ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 7: Đạo diễn đào hoa
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 8: Hai điều “đầu tiên” ấn tượng
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 9: Đến với Đại hội Điện ảnh Á Châu
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 10: Câu thơ trên mộ
Bình luận (0)