Có lẽ Quân đội tự do Syria (FSA) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất hiện nay sau vụ đánh bom ngày 18.7 ở thủ đô Damascus làm 4 quan chức cấp cao thiệt mạng. Hiện nay, phe này là lực lượng chính trong cuộc giao tranh đang diễn ra tại thành phố chiến lược Aleppo. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về FSA nói riêng và phe đối lập nói chung.
Phương thức đánh bom liều chết của FSA khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến al-Qaeda. Hồi tháng 5, TTK LHQ Ban Ki-moon nhận định mạng lưới khủng bố này đứng sau vụ đánh bom làm 55 người chết và 370 người bị thương cũng tại Damascus. Mặt khác, trong bối cảnh phe nổi dậy đang mở rộng địa bàn kiểm soát, ngày càng có nhiều tay súng Hồi giáo không rõ lai lịch, tội phạm và cả phần tử khủng bố tham gia cuộc chiến chống chính quyền. AP dẫn lời Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết có nhiều bằng chứng “mang mọi dấu hiệu của al-Qaeda” trong các vụ đánh bom nhắm vào lực lượng chính phủ Syria.
|
Bên cạnh đó, lâu nay quân đội Syria thường bị cáo buộc thảm sát, tra tấn và hành quyết bừa bãi, nhưng mới xuất hiện những bằng chứng cho thấy quân nổi dậy, cụ thể là FSA, cũng không khác mấy. Trong đoạn băng quay bằng máy cầm tay vừa được tung lên, các tay súng ở Aleppo bắt một số tù nhân người đầy máu quỳ giữa đường và nã súng vào họ trong khoảng 30 giây. AP ngày 3.8 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cực lực lên án hành vi “ghê rợn, vi phạm luật pháp quốc tế”. Bản thân một số chỉ huy FSA cũng thừa nhận vụ hành quyết là sai trái nhưng chống chế rằng những người bị bắn không phải dân thường mà thuộc các nhóm dân quân “hung tàn” trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad.
Đống cát rời
Có người đặt câu hỏi: “Ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát, ngăn chặn các hành vi lạm sát của phe đối lập và bảo vệ tính chính nghĩa của cuộc nổi dậy?”. Câu trả lời là không ai cả khi phe đối lập Syria hiện nay là một tập hợp đủ loại các nhóm chính trị, những người bất đồng chính kiến và các nhóm vũ trang. Theo BBC, hiện nay có 3 nhóm lớn thường được nhắc tới. Đầu tiên là Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), vốn được phương Tây coi là “đại diện hợp pháp” cho cuộc nổi dậy. Chủ tịch hiện tại là Abdelbaset Sayda, hầu như chưa có tên tuổi gì trên chính trường trước đây.
Nhóm thứ hai có tên gọi Ủy ban Điều phối quốc gia (NCC), quy tụ 13 đảng chính trị cánh tả và các nhà hoạt động chính trị độc lập. Đứng đầu nhóm này là nhân vật đối lập kỳ cựu Hussein Abdul Azim. Nhóm thứ ba là FSA, vốn bao gồm những quân nhân đào ngũ đang đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ và nằm dưới sự chỉ huy của Riyad al-Asaad, một cựu đại tá không quân.
Tuy là “đại diện hợp pháp” nhưng SNC, với đa số thành viên thuộc cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni, rất khó khăn trong việc tìm kiếm sự hậu thuẫn của những người theo Cơ Đốc giáo và phái Hồi giáo Alawite. Họ cũng không thể kiểm soát những vụ tấn công nhằm vào dân thường theo Hồi giáo Shiite, theo AP. Mặt khác, NCC cáo buộc SNC là “tay sai của thế lực bên ngoài” còn cả 2 nhóm này lại bất đồng với FSA, vốn chủ trương lật đổ Tổng thống al-Assad bằng vũ lực.
Chưa hết, cuối tháng trước, các chính trị gia Syria lưu vong thành lập một liên minh đối lập mới mang tên Hội đồng Cách mạng Syria (CSR). Theo Reuters, nhóm này yêu cầu nhà hoạt động đối lập Haitham al-Maleh thành lập chính phủ chuyển tiếp cho Syria. Ông này tuyên bố CSR sẽ thay thế SNC.
Do đó, giới quan sát cho rằng phe nổi dậy Syria còn lâu mới có được sự thống nhất và công nhận như Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) nhận được trong cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm ngoái. Ngay cả NTC đến giờ cũng đang vất vả kiểm soát những lực lượng từng tham gia chính biến ở Libya. Đó có thể cũng là lý do khiến phương Tây vẫn dè dặt trong việc công khai hỗ trợ phương tiện, khí tài cho phe đối lập Syria khi “chúng tôi biết làm việc với ai đây?” như một quan chức ngoại giao than thở.
Trùng Quang
>> Ba tàu tấn công đổ bộ Nga đến Syria
>> Kofi Annan từ chức đặc phái viên LHQ về Syria
>> Sự can thiệp “vô hình” ở Syria
>> Chính quyền Mỹ bí mật viện trợ phe nổi dậy tại Syria
Bình luận (0)