NSND Kim Cương trở lại sau 15 năm: Trả nợ ân tình

07/08/2012 09:01 GMT+7

Giữa cái được và cái mất, NSND Kim Cương nói rằng bà được nhiều hơn và chỉ xin được làm người mang lại chút tình cho thế gian.

Làm nghệ thuật, bà được phong là kỳ nữ; trong kinh doanh giải trí, bà cũng là “thống soái”.

Tổ nghiệp cho nhiều diễm phúc

Phân tích điều này, bà không tự cao mà cảm thấy mình đúng: “Nghệ sĩ có cái tôi rất lớn. Đã bay trên hào quang thì khó mà kéo xuống. Có lẽ tôi nhìn thấy điều đó nên tôi ít bay lắm, thích đi chân đất, sẵn sàng để chị Thẩm Thúy Hằng đóng vai chính, tôi làm vai phụ bên cạnh Thanh Nga, chia vai diễn với Kiều Phượng Loan... Nhưng nghề hát lắm rối ren. Không ít những điều phiền lụy, những đồn đãi khiến tôi khó tránh khỏi áp lực.
 
Tôi nhớ nhiều đêm đi diễn về, khi còn 2 má con, tôi khóc trước những áp lực quá đỗi, mà đau nhất là tình nghệ sĩ có thể rạn nứt khi họ xa lánh, xem mình là đối nghịch. Má tôi nói ngắn gọn: “Ai không hiểu rồi họ sẽ hiểu, mình cứ sống tốt, cứ làm những điều đúng với lương tâm”.

Nghe lời dạy đó, bà dù không thích cá tính một số nghệ sĩ nhưng biết vai diễn đó hợp với họ, bà lập tức mời. Bi kịch từ cuộc hôn nhân đổ vỡ, tưởng có lúc bà khó mà tha thứ cho người dì ruột, người đã chấp nhận chồng bà làm rể mình nhưng đến khi người dì hấp hối, bà tất tả có mặt, chỉ để “con xin lỗi dì, con đã làm cho dì buồn nhiều năm qua” và người con gái cuối cùng của gia tộc họ Nguyễn đã ra đi thanh thản. Bà nói: “Áp lực của một ngôi sao từ nhiều nguồn sáng mang tới, giải thoát áp lực đó chính là mình biết níu giữ những ân tình”.

Bắt tay làm 3 đêm Tạ ơn đời, chi phí 1,5 tỉ đồng, bà ngại đi xin tài trợ, “vì lâu nay mở miệng xin tiền lo cho người bất hạnh thì hoàn cảnh nào cũng trình bày, nay làm sô cho mình, sao miệng không nói nên lời” - bà kể. Nhưng đạo diễn Vũ Minh hứa sẽ “liệu cơm gắp mắm”, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Quang Dũng, Đức Tuấn, NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, nghệ sĩ Diễm Kiều, Bảo Anh, diễn viên Lương Thế Thành, Xuân Thùy… không ai đặt nặng vấn đề thù lao. Bà mừng không vì điều đó mà cảm nhận tổ nghiệp đã cho bà nhiều diễm phúc để có thêm những tình thương khi tái ngộ khán giả sau 15 năm rời sàn diễn.
NSƯT Hữu Châu tâm sự: “Tôi thương cô Hai vì những bài học từ bà ngoại Bảy (cố NSND Bảy Nam) cho tới nay vẫn được cô truyền lửa để thế hệ chúng tôi gìn giữ. Và trên hết chúng tôi tham gia 3 đêm diễn này để tri ân khán giả đã dành cho một người nghệ sĩ cống hiến gần như cả đời mình cho sân khấu, cho từ thiện”.

Trải lòng vì điều thiện

Có nhìn thấy hình ảnh bà tất tả ngồi xe ôm đến nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy để dẫn một người phụ nữ đi mua quan tài, do gia cảnh quá nghèo đã điện thoại nửa đêm xin bà cứu giúp. Hoặc cháu bé liệt 2 tay, chỉ còn 2 chân muốn vào học nghề ở Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật nhưng không được nhận, bà đấu tranh đến cùng để giờ đây cô bé là “đôi chân vàng” đồ họa vi tính của trung tâm.
 
Gặp Gia Vinh - cậu bé Tô Rô bị bắt cóc ngày nào - trong buổi họp báo giới thiệu 3 đêm Tạ ơn đời, Vinh cười: “Mẹ tôi vẫn vậy, lấy niềm vui từ những việc thiện để làm niềm hạnh phúc chung cho cả nhà. Bây giờ hễ vào bàn ăn, 2 con của tôi lại thích nghe bà nội kể chuyện làm từ thiện. Mẹ tôi đi vắng có khi mấy ngày, vỏn vẹn tin nhắn: Mẹ đi có việc. Lúc ấy, tôi lại thấy ánh mắt của bà ngoại dường như đang cười”.

Ở tuổi 76, bà nhiều lần định thôi chức phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TPHCM nhưng rồi không thể dứt ra khi mọi việc đều cần đến sự có mặt của bà. “Làm từ thiện riết rồi ghiền là vậy. Tôi đặt chỉ tiêu cho mình mỗi năm phải hoàn thành đúng những gì các cháu mồ côi, người khuyết tật đang cần”. Bà kể có lần ngồi ở trung tâm, một cơ ngơi đã được xây dựng khang trang với nhiều lớp dạy nghề, trong đó có lớp dạy vi tính mang tên NSND Bảy Nam, một cô bé ngồi xe lăn đến gần: “Má ơi, tụi con muốn được xem văn nghệ”. “Thế là tôi gọi Hoài Linh, Cẩm Thu, Dũng Organ… và CLB Nghệ sĩ tri âm ra đời, cứ mỗi tháng đến với các cháu mồ côi, khuyết tật”.

Khi được đón nhận danh hiệu NSND, cũng để đánh dấu kỷ niệm 8 năm ngày mất của mẹ, bà quyết định in quyển sách Mẹ trong kịch Kim Cương - tuyển tập 3 kịch bản văn học của ba vở diễn nói về mẹ nổi tiếng trên sân khấu Kim Cương: Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ và Bông hồng cài áo. Sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, tập hợp nhiều tư liệu, hình ảnh và bài viết của nhiều tác giả uyên bác: Trần Văn Khê, Hoàng Như Mai, Cao Huy Thuần...
 
Bà tâm sự: “Quyển sách là một món quà tôi kính dâng mẹ và tất cả những bà mẹ trên đời. Lần trở lại sàn diễn này là lần cuối để tôi trả nợ ân tình. Tất cả những hào quang sẽ vào quên lãng nhưng tiếng vỗ tay của khán giả vẫn mãi mãi còn lại trong tôi. Mong sao vẫn còn sức khỏe để níu những ân tình, dù đơn sơ, mộc mạc, dù chỉ là niềm vui cho một đứa bé được mổ hàm ếch, một nguồn sáng cho người chị gái bị đục thủy tinh thể, một cái nghề có thể nuôi thân cho cậu bé tật nguyền… Tôi chỉ xin được làm người mang lại chút tình cho thế gian”.

NSND, Soạn giả Viễn Châu: Sẽ thấy khối tình của công chúng

Hôm đi nhận danh hiệu NSND ở Hội trường TPHCM, tôi ngồi cạnh Kim Cương. Cô nói sẽ làm 3 đêm Tạ ơn đời, muốn tôi viết một bài ca cổ nói lên nỗi niềm của một người nghệ sĩ không còn có mẹ trên đời và suất diễn đó, cô mơ về mẹ. Tôi đã viết 3 câu vọng cổ Giấc mộng lá sầu riêng. Hôm dẫn ca sĩ Cẩm Ly đến học ca, cô ôm tôi khóc nghẹn: “Anh Bảy làm tôi nhớ má quá!”. Tôi nhớ cô Bảy khi còn sống, nghe Tình anh bán chiếu, mỗi lần gặp thường chọc: “Nè, chú Bảy, bữa nào viết bài Cô bán sầu riêng nha!”. Nghệ sĩ dễ có sự đồng cảm. Tôi tin 3 đêm Tạ ơn đời, nếu không thể biến giấc mộng lá sầu riêng thành hiện thực thì đâu đó trong khán phòng, cô Bảy Nam đang hiện hữu để nhìn thấy khối tình quá nặng mà công chúng đã dành cho con gái của mình.

 
Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.