Tại khu dân cư số 7, thôn Tây, xã An Vĩnh, hiện có 12/14 giếng nước sinh hoạt của người dân nguồn nước đã bị nhiễm mặn không thể sử dụng được. Để có nguồn nước sinh hoạt, hơn 100 hộ dân tại khu dân cư này phải đi xa vài cây số mới lấy được nước về. Tuy nhiên, nguồn nước ở đây cũng đang có nguy cơ cạn kiệt nên để lấy được 2 can nước ngọt (30 lít/can), hàng trăm người dân phải chen chúc, chờ đợi cả buổi.
|
Còn tại khu dân cư số 9, thôn Tây, xã An Hải, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của trên 100 hộ dân cũng khá nghiêm trọng. Hầu hết các giếng nước trong khu dân cư đều bị nhiễm mặn nặng không thể sử dụng được. Ông Dương Minh Hiền, 75 tuổi, nói: “Chưa bao giờ tình trạng nhiễm mặn lại xảy ra trên diện rộng như vậy. Những năm trước dù nắng nóng, thời tiết không mưa kéo dài, nhưng chỉ có gần 2/3 số giếng trong khu bị nhiễm mặn hoặc cạn kiệt, thế nhưng năm nay toàn bộ số giếng trong khu đã bị nhiễm mặn.” Để có nước sử dụng, người dân trong xóm chỉ còn cách đi nơi khác lấy nước về sinh hoạt hoặc mua nước với giá từ 6.000 - 8.000 đồng/can 30 lít.
Không chỉ nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn hoặc cạn kiệt, mà hiện nay toàn bộ giếng nước phục vụ việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của người dân trên đảo cũng bị trơ đáy. Vì thiếu nước tưới, gần 70 ha hành và cây trồng vụ hè thu sắp cho thu hoạch có nguy cơ mất trắng.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, trước tình hình này huyện đã trích kinh phí chống hạn để nạo vét hơn 50 giếng nước tại các khu dân cư; trích hàng trăm triệu đồng để đào mới một số giếng nước tại các cánh đồng phục vụ việc sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp nên chỉ cải thiện được phần nào tình trạng trên.
Văn Mịnh
Bình luận (0)