Cầu xây xong, dân mất đường đi

13/08/2012 03:05 GMT+7

Cầu vượt Nguyễn Văn Linh đưa vào sử dụng đã đẩy cuộc sống hàng ngàn hộ dân xã An Phú Tây, H.Bình Chánh (TP.HCM) vào tình thế rất khó khăn vì giao thông cách trở.

Bị cô lập

Cầu vượt Nguyễn Văn Linh nằm tại khu vực vòng xoay Nguyễn Văn Linh kết nối QL1A, điểm đầu đường Nguyễn Văn Linh và đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, thuộc địa bàn H.Bình Chánh. Đây là khu vực có mật độ giao thông rất cao với đủ loại phương tiện cơ giới khác nhau.

Trước đây, cách vòng xoay Nguyễn Văn Linh khoảng hơn 100 m là ngã ba kết nối QL1A và đường An Phú Tây - Hưng Long, có chốt đèn đỏ điều tiết giao thông nên việc đi lại ở đây rất thuận lợi. Thế nhưng, năm 2010, khi cầu vượt được xây dựng thì ngã ba này bị “xóa sổ”. Người tham gia giao thông thay vì chỉ đi đoạn đường hơn 100 m để vào tuyến đường đến các xã An Phú Tây, Hưng Long, Quy Đức (H.Bình Chánh) và có thể đi về Cần Giuộc (Long An), nay phải vòng về tận ngã tư Quán Chuối (xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh) với chiều dài gần 6 km.

 Cầu xây xong, dân mất đường đi
Ngã ba bị xóa sổ, người dân buộc phải đi vào đường ngược chiều - Ảnh: Đình Phú   

Khổ nhất là hàng ngàn hộ dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc sống sinh hoạt, buôn bán vì giao thông khó khăn. Nhiều người vì không muốn đi vòng với quãng đường xa gấp mấy chục lần nên đi ngược chiều đường một chiều ngay trên QL1A. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trưa 10.8, chỉ trong vòng 30 phút đã có hàng trăm lượt phương tiện xe gắn máy, xe 3 bánh liên tục đi vào đường cấm...

Ông Trang Sĩ Lá, Trưởng ấp 1, xã An Phú Tây, cho hay: “Cả ấp có gần 900 hộ dân. Hầu như người nào cũng thường xuyên liều mạng đi vào đường ngược chiều. Biết là phạm luật nhưng đây là chuyện chẳng đặng đừng. Lo nhất là các em học sinh trường Tiểu học An Phú Tây và THCS Nguyễn Văn Linh. Vì không đủ sức đạp xe đường vòng, các em cũng bất chấp nguy hiểm tính mạng đi vào đường cấm. Tai nạn giao thông cứ liên tục xảy ra, mới đây có vụ dẫn đến chết người. Chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần kiến nghị nhưng mọi chuyện vẫn không biến chuyển gì. Người dân ở đây đã bị quy hoạch "treo" suốt 20 năm qua, giờ đường đi bị chặn nữa nên khó khăn không thể nói hết”.

Do thiếu kinh phí ?   

Xây cầu vượt nhưng vì sao không tính toán đến vấn đề đi lại thuận lợi cho người dân? Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết: “Chủ đầu tư cầu vượt là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ GTVT (nay đổi tên thành Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Cửu Long CIPM). Tuy nhiên, mới đây UBND TP.HCM đã đồng ý ghi vốn 180 tỉ đồng để mở rộng QL1A, đoạn từ nút giao Tân Kiên (H.Bình Chánh) đến giáp ranh tỉnh Long An, trong đó có tính toán đến giải pháp giao thông an toàn, hợp lý tại chân cầu vượt Nguyễn Văn Linh mà người dân đang phản ánh”.

Về phía chủ đầu tư, ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó tổng giám đốc Cửu Long CIPM, khẳng định phương án xây cầu vượt đã có sự thống nhất giữa chủ đầu tư với Sở GTVT, UBND TP.HCM và UBND H.Bình Chánh. Riêng phương án kéo dài cầu vượt qua khỏi ngã ba, ông Dũng cho rằng nếu chọn cách này thì chủ đầu tư không đủ kinh phí. Hiện Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (Sở GTVT TP.HCM) đang tính toán giải quyết vấn đề này trong dự án mở rộng QL1A sắp tới.

Đình Phú - Đình Mười  

>> Xây dựng hai cầu vượt bộ hành kết nối quốc lộ 1A vào cầu Gò Dưa
>> Nhà thầu xây cầu vượt được tạm ứng 100% giá trị vật tư nhập khẩu
>> Cần tính kỹ khi xây cầu vượt nhẹ
>> Khởi công cầu vượt ngã tư Thủ Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.