Có không ít tân sinh viên (SV) phải chật vật, khốn đốn với đủ mọi cách tìm nhà trọ. Không phải ai muốn tìm nhà trọ cũng được ngay, mà tìm được chưa chắc đã vừa ý, nhiều khi phải bỏ ra cả tháng trời để chọn cho mình một chỗ ở phù hợp.
|
Vì giá phòng trọ ở mỗi quận, huyện khác nhau, do vậy SV cần xác định khu vực thuê phòng phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Phòng trọ nên thuê gần trường học hoặc có điều kiện giao thông thuận tiện với nhiều tuyến xe buýt đi đến trường.
Có rất nhiều nguồn thông tin để tìm được nhà trọ tốt. Mọi người có thể liên hệ với bạn bè, người quen giới thiệu, các trung tâm hỗ trợ SV, diễn đàn của SV các trường ĐH, CĐ. Tống Thị Hoài Thu, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Đối với SV năm nhất thì nên tìm đến ký túc xá (KTX) của trường mình học, vì phòng KTX có giá rất rẻ, điều kiện sống tốt và đặc biệt an toàn hơn khi trọ ở ngoài. Nếu các bạn muốn ở trọ bên ngoài thì ban quản lý và bảo vệ KTX cũng sẽ tư vấn cho biết nên thuê những khu vực nào”.
Các trang mạng cho thuê phòng trọ, tờ rơi dán trên tường, cột điện cũng là một nguồn cho SV tìm nhà trọ. Song đây là những nguồn thông tin cần kiểm chứng lại. Để tránh gặp phải môi giới lừa gạt, SV loại bỏ ngay những tin về nhà trọ xuất hiện nhiều lần với cùng một tên đăng, hoặc nhiều tin rao do một người đăng. Trước khi đến xem phòng, SV nên gọi điện thoại cho chủ trọ, hỏi kỹ về địa chỉ nhà trọ, giá phòng, điện, nước, các điều kiện sinh hoạt khác. Đặc biệt không đặt cọc tiền trước nếu như chưa xem phòng và xác định được chủ trọ chính thức. Hoàng Đức Cường, SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Mình hay tìm thông tin nhà trọ từ Trung tâm hỗ trợ học sinh, SV TP.HCM với mức phí 10.000 đồng. Chỗ trọ trung tâm giới thiệu đều là chính chủ, đã có xác minh trước nên yên tâm hơn, đồng thời giá cả cũng hợp lý. Không những vậy, mình có thể phản hồi cho trung tâm những nhà trọ không tốt và được giới thiệu chỗ khác mà không phải đóng phí lại”.
Đối với SV, việc ở ghép cũng là một lựa chọn. Song ở ghép cũng khá nhiều rủi ro vì gặp người chưa từng quen biết, khó hòa hợp trong cuộc sống. Trần Văn Thế Anh, SV Trường ĐH Công nghiệp, cho hay: “Mình không bao giờ ở ghép vì sợ bị lừa, theo mình thì các tân SV nên tự đi tìm phòng trọ, sau đó rủ người quen, các bạn học cùng lớp với mình ở chung”. Nếu không tìm được nhà trọ, buộc phải ở ghép, SV nên tìm hiểu kỹ người ở cùng bằng cách hỏi những người sống trong khu trọ đó.
Đa số các khu trọ thường nằm trong hẻm, do vậy cần chú ý những hẻm sâu, có diện tích đường hẻm tương đối rộng. Những người bán hàng rong, chủ quán nước trước các hẻm cũng là nguồn thông tin đắc lực cho SV muốn tìm nhà trọ, SV nên để lại số điện thoại cho họ để được thông báo về những phòng trọ trống. Bên cạnh đó, nên cẩn thận với những người hành nghề xe ôm vì họ có thể là “cò”. Nguyễn Thành Đông, SV Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: “Mình tìm những chỗ trọ mà nhà người chủ trực tiếp quản lý khu trọ thì an tâm hơn. Khi nói chuyện với chủ nhà trọ hãy xem cách ứng xử để đoán biết tính khí của họ. SV cũng nên hỏi những người dân sống xung quanh khu trọ để tìm hiểu rõ về an ninh nơi đó”.
Tiếp sức tân sinh viên Từ ngày 25.8 đến 30.9, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức thí điểm chương trình “Tiếp sức tân SV - tự tin đến trường”. Theo đó, những đội hình tình nguyện sẽ túc trực tại ga Sài Gòn, Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây và 2 cơ sở của trung tâm (số 33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1; Khu dịch vụ công cộng SV, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) để giới thiệu chỗ trọ giá rẻ và an toàn, tư vấn về phương tiện đi lại, điểm ăn uống cũng như cách hòa nhập cuộc sống xa nhà… cho tân SV. N.Lịch |
Hải Yến
>> Sĩ tử lao đao tìm phòng trọ
>> Nhiều hoạt động bổ ích cho tân sinh viên
>> Học bổng cho tân sinh viên
>> Tân sinh viên “mắc bẫy” tờ rơi
>> Khóa học kỹ năng miễn phí cho tân sinh viên
>> Chỗ ở cho tân sinh viên
>> Tiếp sức tân sinh viên khó khăn
>> Ưu tiên chỗ ở trong KTX cho tân sinh viên
>> Tưng bừng Ngày hội đón tân sinh viên
>> Khai mạc ngày hội Đón tân sinh viên
>> Ngày hội đón tân sinh viên và bán hàng giảm giá
Bình luận (0)