"Thiên tài sống" Ishiguro truyền cảm hứng chế tạo robot cho giới trẻ Việt

15/08/2012 22:50 GMT+7

(TNO) Sáng 15.8, hội trường ĐH Bách khoa TP.HCM đông nghẹt sinh viên đến tham dự buổi giao lưu với GS-TS Hiroshi Ishiguro, một trong 100 "thiên tài sống" của thế giới.

(TNO) Sáng 15.8, hội trường ĐH Bách khoa TP.HCM đông nghẹt sinh viên đến tham dự buổi giao lưu với GS-TS Hiroshi Ishiguro, một trong 100 "thiên tài sống" của thế giới.

Buổi giao lưu được tổ chức bởi Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản - Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.

GS-TS Ishiguro được biết đến vì những nghiên cứu và phát triển của ông về hệ điều hành Android với tên gọi “Germinoids”. Ông còn nổi danh vì tạo ra những robot có hình dạng như người thật sống động.

Tạo robot để hiểu con người

Với suy nghĩ: “Robot không chỉ là sản phẩm của công nghệ điện tử mà là một sản phẩm để hiểu con người”, ông Ishiguro bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu về con người để tạo nên robot giống người.


Ông Ishiguro và robot phiên bản - Ảnh do Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản cung cấp

Ông Ishiguro đã phát hiện ra chính con người vẫn chưa hiểu rõ về bản thân mình.

Không nói đâu xa, mỗi người đều soi gương vào mỗi sáng, nhưng đó đã là khuôn mặt của người đó hay chưa? Ông gây bất ngờ vì khám phá ra khuôn mặt xuất hiện trong gương không phải gương mặt thật của mỗi người.

Ngay cả giọng nói bản thân nghe thấy cũng không phải giọng nói thật của mình.

GS-TS Hiroshi Ishiguro hiện công tác tại Bộ môn Hệ thống phát minh, Trường Cao học về Khoa học Kỹ thuật, ĐH Osaka. Ông cũng là trưởng nhóm thí nghiệm Robot thông minh và Truyền thông tại Viện Nghiên cứu Công nghệ viễn thông tiên tiến và ATR. Các nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào hệ thống phân phối cảm biến, tương tác robot và công nghệ Android.
 

Qua nghiên cứu, ông cho rằng ảnh chụp và giọng nói được ghi âm mới là gương mặt, giọng nói thật của một người.

“Nếu mỗi sáng bạn tự soi gương và tự khen mình đẹp thì ai biết được, vì đó là khuôn mặt mà chỉ mình bạn nhìn thấy”, ông Ishiguro nói đùa.

Ông cũng nhận thấy rằng, khuôn mặt của con người mỗi lúc một khác, mỗi ngày mỗi thay đổi nên robot theo hình dáng bên ngoài của con người chỉ giống ở một mức độ nào đó.

Để có được một con robot giống bản thân mình, ông chia sẻ: “Tôi đã cố gắng phân tích, tìm hiểu, tìm kiếm chức năng của robot sao cho giống con người hơn. Tôi tìm hiểu ở ngành tâm lý học, các ngành khoa học khác nhưng tôi vẫn không tìm thấy thứ mình cần. Vậy là tôi phải tự tìm hiểu lấy cùng với việc những thông tin ít ỏi có được từ các cuốn sách”.

Công nghệ truyền cảm giác

Ông Ishiguro gây bất ngờ với đoạn băng ghi lại những nghiên cứu mới nhất mà ông đang thực hiện. Khi ngồi xem đoạn băng ghi hình một người nào đó chạm vào mặt của robot phiên bản của bản thân, ông cho biết mình cũng có cảm giác đang bị ai đó chạm vào mặt.

Ông tiếp tục nghiên cứu ở một người khác và nhận kết quả tương tự. Cô gái ngồi cách xa con robot phiên bản của mình có phản ứng như ông choàng tay qua người cô khi ông ôm con robot này.

Từ ý tưởng đó, ông đang nghiên cứu một ứng dụng khác trên di động và dự tính sẽ tung ra thị trường sau 3 năm nữa.

Không chỉ truyền tải hình ảnh, giọng nói như các di động thông thường hiện nay, ông cho biết đang nghiên cứu để cho ra đời loại di động có thể truyền tải cảm giác cho nhau. Lúc này, cảm giác được nắm tay, được ôm nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi nhớ… sẽ được truyền tải qua di động.


Ông Ishiguro giới thiệu sản phẩm điện thoại mới đang trong quá trình nghiên cứu có khả năng truyền tải giọng nói và cảm giác

Những chiếc di động này cũng sẽ được tạo ra với hình dáng của con người để tạo cảm giác thân thiện và tự nhiên.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, GS-TS Ishiguro cho biết mục đích của buổi giao lưu là để truyền cảm hứng về sáng tạo robot đến sinh viên Việt Nam.

“Tôi muốn sinh viên Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến robot. Tôi được biết người Việt Nam rất cần mẫn và khéo léo. Vì thế, tôi nghĩ các bạn sinh viên nên cố gắng học tập và có tinh thần độc lập trong nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm của chính mình trong tương lai”.

Dưới đây là hình ảnh giao lưu tại hội trường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM:


Ông Ishiguro trò chuyện về những khám phá mới của mình


Sinh viên, học sinh chăm chú với những chia sẻ của ông Ishiguro


Ông Ishiguro và những robot sử dụng công nghệ của ông


Ký tặng sách cho học sinh

Những công trình đã được ứng dụng của GS-TS Ishiguro:

Robot có hình dáng em bé được đưa đến cho các cụ già trong viện dưỡng lão để những người này có thể trò chuyện đã giúp họ vui vẻ hơn. Nghiên cứu này đã được thực hiện tại một viện dưỡng lão ở Nhật.

Thay vì cô giáo, người lớn bắt buộc trẻ học bài thì robot với hình dạng trẻ em được nhiều học sinh đón nhận. Đây là dự án đang được thực hiện tại Nhật Bản nhằm giúp trẻ em thích học vì trẻ xem robot như người bạn nên hứng thú hơn trong học tập. Robot này được giáo viên điều khiển từ xa.

Thay vì bác sĩ, bệnh nhân mất thời gian đến bệnh viện để khám bệnh, xét nghiệm... thì robot nhận thực hiện những chức năng này và đưa kết quả đến cho bác sĩ chẩn đoán. Robot này đang được ứng dụng tại Mỹ.

Ngoài ra còn nhiều ứng dụng khác ở một số nước trên thế giới như robot hình dáng như người mẫu thay thế ma-nơ-canh trong lòng kính ở các cửa hàng có khả năng giới thiệu sản phẩm; robot bảo vệ trong các siêu thị; robot có khả năng trò chuyện giúp người già, người neo đơn cảm thấy tốt hơn; robot làm phát thanh viên…

Hoàng Quyên

>> Chen chân xem trình diễn công nghệ robot Nhật
>> Sâu nhân tạo được dùng làm robot do thám
>> Tay robot cực khéo
>> Giáo viên robot đọc suy nghĩ học sinh
>> Giúp robot "hiểu" con người
>> Hóa thân vào robot
>> Người chế tạo robot cho NASA 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.