Bất thường bản án tranh chấp vốn góp ở Thaco - Kia Đà Nẵng

17/08/2012 03:05 GMT+7

Trong khi các bên chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, chưa thống nhất giá cả, tòa đã lôi ra áp đặt giá mua, giá bán.

Kiện người này, xử người kia

Đầu năm 2011, ông Hồ Đắc Tuấn (một trong hai cổ đông góp vốn của Công ty TNHH ô tô Thaco - Kia Đà Nẵng, viết tắt là Kia Đà Nẵng) có đơn khởi kiện Kia Đà Nẵng yêu cầu chia 50% lợi nhuận sau thuế 2010 là hơn 1 tỉ đồng và một số yêu cầu khác, như: tuyên bố tất cả hợp đồng Kia Đà Nẵng đã ký với Công ty CP ô tô Trường Hải (cổ đông còn lại của Kia Đà Nẵng, mỗi bên góp 50% vốn) là vô hiệu, buộc Kia Đà Nẵng cung cấp các tài liệu liên quan để ông Tuấn thực hiện các quyền của chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV)...

Cuối năm 2011, ông Tuấn có đơn thay đổi nội dung khởi kiện. Theo đó, bị đơn vẫn là Kia Đà Nẵng, nhưng thay đổi nội dung tranh chấp về quản lý kinh doanh thành “tranh chấp chuyển nhượng vốn góp” giữa ông và Công ty Trường Hải, nhưng tòa vẫn tiếp tục thụ lý, giải quyết.

Ông Võ Văn Thêm - kiểm sát viên cao cấp Viện KSND tối cao phân tích: trong trường hợp nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu thì tòa án phải thụ lý lại từ đầu theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nguyên đơn rút đơn khởi kiện ban đầu nộp đơn khởi kiện mới, xác định lại tư cách bị đơn, nội dung khởi kiện, tòa phải gửi thông báo cho bị đơn biết về việc kiện...

“Việc HĐXX chấp nhận cho nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, phải hủy án không cần xét đến nội dung”, một thẩm phán TAND TP.HCM cho biết.

Cũng theo vị thẩm phán này, ông Tuấn kiện bị đơn là Kia Đà Nẵng nhưng đến ngày đưa vụ kiện ra xét xử, tòa “đột ngột” xác định bị đơn là Công ty Trường Hải mà không thông báo cho đơn vị này biết cũng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tòa ép mua, ép bán ?!

Ngày 9.5.2012, TAND TP.Đà Nẵng đưa vụ kiện tranh chấp phần vốn góp nói trên ra xét xử sơ thẩm. HĐXX căn cứ vào biên bản họp HĐTV ngày 28.4.2011 có nội dung: “Thống nhất ông Tuấn sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty Trường Hải (chưa xác định giá chuyển nhượng, thời điểm chuyển nhượng)” làm căn cứ giải quyết tranh chấp, buộc Công ty Trường Hải chuyển nhượng 50% vốn góp của mình trong Kia Đà Nẵng cho ông Tuấn với giá hơn 5,4 tỉ đồng.

Luật sư Lê Thành Kính (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, theo luật Doanh nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên là giao dịch có điều kiện và phải tuân thủ về mặt thủ tục: phải có nghị quyết của HĐTV, phải có hợp đồng chuyển nhượng và phải đăng ký tại Sở Kế hoạch -Đầu tư. “Nếu chỉ có biên bản của HĐTV chỉ mới chỉ là “ý định”, chưa đầy đủ về thủ tục; theo quy định, tòa phải trả hồ sơ để các bên phải hoàn tất về mặt thủ tục”, luật sư Kính nói.

Ngoài ra, TAND TP.Đà Nẵng còn viện dẫn điều 24, điều 27 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty CP để xác định giá theo phương pháp tài sản. Ngoài việc áp dụng sai đối tượng thì Nghị định số 109/2007 này đã hết hiệu lực thi hành từ 5.9.2011 (!).

Đặc biệt, theo ông Võ Văn Thêm, trong các quan hệ kinh tế thương mại một trong các nguyên tắc cơ bản quy định trong luật là tôn trọng quyền tự quyết định của các đương sự. Theo đó, các bên có quyền tự chọn luật áp dụng, tự chọn nơi giải quyết.

Đồng quan điểm này, một số chuyên gia pháp luật cho rằng khi các bên chưa thỏa thuận thống nhất giá cả chuyển nhượng, tòa “nhảy” vào áp giá, ép mua, ép bán là vi luật, phá vỡ nguyên tắc tự định đoạt của các bên.

Lê Nga

>> Thaco Kia xuất xưởng chiếc xe du lịch thứ 30.000
>> Trường Hải Thaco nhận 5 giải thưởng
>> Thaco tặng 3 tỉ đồng cứu trợ lũ lụt miền Trung
>> Thaco Group nhận giải thưởng Zenith

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.