Ngân hàng Thụy Sĩ “bán đứng” nhân viên cho Mỹ

16/08/2012 21:02 GMT+7

(TNO) Các ngân hàng Thụy Sĩ đang giao nộp danh tính của hàng nghìn nhân viên cho Bộ Tư pháp Mỹ hòng đánh đổi sự khoan hồng cho tội giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế, luật sư đại diện cho nhân viên trên cho hay vào hôm nay 16.8.

(TNO) Các ngân hàng Thụy Sĩ đang giao nộp danh tính của hàng nghìn nhân viên cho Bộ Tư pháp Mỹ hòng đánh đổi sự khoan hồng cho tội giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế, luật sư đại diện cho nhân viên trên cho hay vào hôm nay 16.8.

Đã có ít nhất năm ngân hàng cung cấp địa chỉ email và số điện thoại của 10.000 nhân viên cho Bộ Tư pháp Mỹ, theo ước tính của luật sư Douglas Hornung, đại diện cho 40 nhân viên đang làm việc và đã nghỉ hưu tại Ngân hàng Credit Suisse, Ngân hàng Julius Baer và Chi nhánh Thụy Sĩ của Ngân hàng HSBC.

Cựu Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Geneva Alec Reymond, luật sư đại diện cho hai nhân viên của Credit Suisse, cho rằng việc giao nộp thông tin cá nhân của nhân viên là bất hợp pháp.

“Các ngân hàng đang hi sinh chính người của mình nhằm làm nhẹ tội. Đây là sự vi phạm quyền tự do cá nhân chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng Thụy Sĩ”, Bloomberg trích dẫn ông Hornung phát biểu.

Các ngân hàng Thụy Sĩ muốn dàn xếp ổn thỏa vụ điều tra gian lận thuế, vốn khởi đầu từ việc Bộ Tư pháp Mỹ kết tội ngân hàng Wegelin & Co. (Thụy Sĩ) đã giúp nhiều khách hàng trốn thuế, hồi tháng 2.2011.

Credit Suisse, HSBC và Julius Baer đã từng tuyên bố họ hi vọng có thể trả tiền phạt để dàn xếp cuộc điều tra. Các ngân hàng này hiện đang giao nộp thông tin nhân viên nhằm xoa dịu chính phủ Mỹ, luật sư Hornung cho biết.

Credit Suisse và Julius Baer nói rằng họ được chính phủ Thụy Sĩ cho phép chuyển giao danh tính nhân viên và khẳng định “đa số” nhân viên của mình chẳng lo ngại gì, trong khi HSBC thì cho hay họ giao nộp thông tin nhân viên để hợp tác với chính phủ Mỹ.

Mặc dù các công ty Thụy Sĩ bị cấm gửi bằng chứng để hỗ trợ cho các cuộc điều tra nước ngoài, nhưng chính phủ nước này vào tháng 4 đã thông qua một trường hợp ngoại lệ theo yêu cầu từ một số các ngân hàng giấu tên.

Giáo sư chuyên ngành luật Marcel Niggli, Đại học Fribourg (Thụy Sĩ), nhận định rằng “các ngân hàng biết hình phạt tại Thụy Sĩ không nặng nề bằng nguy cơ bị rút giấy phép hoạt động tại Mỹ”.

“Đây là một hành vi máu lạnh của các ngân hàng”, ông Niggli bình luận.

Hoàng Uy

>> HSBC chi 700 triệu USD tiền phạt
>> HSBC bị tố tiếp tay cho khủng bố, buôn ma túy và rửa tiền
>> Đức, Pháp đồng loạt bố ráp các ngân hàng Thụy Sĩ
>> Truy thu thuế kiểu Thụy Sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.