Phát biểu tại cuộc ra mắt, “nhà văn nhí” Nguyễn Bình khiêm tốn thưa gửi các cô, bác và đề nghị các nhà báo tắt đèn flash khi chụp ảnh “để cho buổi họp báo diễn ra được tốt đẹp”. Cả hội trường đã rộ lên tiếng cười khi “nhà văn nhí” Nguyễn Bình lần đầu tiên đứng trước cử tọa đông người và các nhà báo mà vẫn bộc lộ bản lĩnh của mình.
|
Tuy vậy, cậu bé đã viết khá trôi chảy, đúng chuẩn mực văn phong trong 3 tập tiểu thuyết dày cả ngàn trang cũng có lúc tỏ ra lúng túng khi đứng trước các nhà văn nổi tiếng. Với giọng nói trong trẻo, hồn nhiên, Bình giới thiệu: “Cháu năm nay 11 tuổi, học lớp 6 ở Trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy, Hà Nội. Cháu bắt đầu viết sách Cuộc chiến tranh với hành tinh Fantom từ năm 2011, đã xuất bản 3 tập, hiện đang hoàn thành tập 4 và 5”. Giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ của cuốn sách này, Bình cho biết cách đây mấy năm đã có ham muốn viết tiểu thuyết giả tưởng. Trước khi viết sách, Bình đã bỏ khá nhiều thời gian lên internet, tham khảo trên các trang mạng, đọc khá nhiều sách và tra cứu thêm các trang web về sách của thế giới cũng như các trang web của các bảo tàng văn hóa nghệ thuật lớn của Mỹ, Anh và thế giới để tìm hiểu và bổ trợ thêm kiến thức.
Văn phong khá đặc biệt và hiện đại
|
Tại cuộc ra mắt trên, nhà thơ Trần Đăng Khoa (được coi là thần đồng thơ cách đây hơn bốn chục năm khi làm thơ từ 8 tuổi) đã hồ hởi chúc mừng “thần đồng tiểu thuyết” Nguyễn Bình ở tuổi 11, vừa “cắt rốn” cho đứa con tinh thần là 3 tập tiểu thuyết đầu tay của mình. Ông Khoa cho biết không ngạc nhiên lắm về sự xuất hiện của Nguyễn Bình, vì từ năm mới 3 tuổi cậu bé này đã biết đọc, biết viết, sử dụng thành thạo vi tính, và thậm chí còn bắt bố mua cho mình một cuốn từ điển Hán-Việt để tra cứu sách đọc trên mạng. Hồi ấy, ông Khoa đã nói ngay với bố của Bình (nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa): “Con cậu là một đứa trẻ không bình thường đâu và điều quan trọng là phải tìm người dạy cháu”. Và chỉ một thời gian sau, ông Hòa nói với ông Khoa: “Thằng cu nhà mình đang viết tiểu thuyết”.
Là người được tiếp xúc đầu tiên với bản thảo cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom, ông Khoa đã không ngại ngần khi nói những lời ca ngợi Nguyễn Bình là nhà văn trẻ và cho rằng viết tiểu thuyết khó hơn viết thơ rất nhiều, nếu so với các hiện tượng “thần đồng” văn chương xuất hiện ở nước ta trong những năm trước, thì đây là một trường hợp khá đặc biệt, vì thần đồng tiểu thuyết hiếm hoi hơn thần đồng thơ. Ông Khoa cũng tin tưởng tư chất “thần đồng” của Nguyễn Bình khi còn ít tuổi mà đã có phong cách của một người sáng tạo thật sự nghiêm túc, phía trước Bình còn hứa hẹn cả một tương lai xán lạn nếu cháu còn giữ được niềm đam mê và sự hăng say, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật như vậy cho đến tuổi trưởng thành.
Đáng chú ý, nhận xét về hiện tượng “thần đồng tiểu thuyết” này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng việc các tác giả nhỏ tuổi viết văn và làm thơ đã là một hiện tượng bình thường trong xã hội ta. Điều quan trọng là thái độ của người lớn khi tiếp nhận những hiện tượng này như thế nào? “Tôi đã đọc những tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết giả tưởng của cháu Nguyễn Bình và thấy rằng cháu Bình đã có những thành công ban đầu rất đáng khích lệ. Đây là một hiện tượng lao động nghệ thuật nghiêm túc, rất đáng được trân trọng, khuyến khích. Có thể coi đây là một hiện tượng đáng mừng cho dòng văn học do các em viết và viết cho các em ở nước ta trong giai đoạn hiện nay”, ông Thiều nói.
Nguyễn Việt Chiến
>> Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận hơn 1 tỉ đồng hỗ trợ văn học
>> Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều
>> Dâng trà" - Thơ của Nguyễn Quang Thiều
>> Nguyễn Quang Thiều - Người đi qua cơn khát của sa mạc thơ
Bình luận (0)