Dự luật Thủ đô vẫn siết nhập cư

18/08/2012 03:20 GMT+7

Hôm 17.8, dự luật Thủ đô lại được Chính phủ tái đệ trình Ủy ban TVQH cho ý kiến, sau khi các nội dung trình ở QH nhiệm kỳ trước không nhận được số phiếu quá bán.

>> Hà Nội vẫn đề xuất “siết” điều kiện nhập cư vào nội đô
>> Đà Nẵng chính thức "đóng cửa" với dân nhập cư: Mỗi quận hành xử mỗi kiểu!
>> Đà Nẵng chính thức "đóng cửa" với dân nhập cư

Một km2 “cõng” 2.129 dân

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay trong lĩnh vực quản lý dân cư thủ đô, năm 2011 (sau 3 năm tính từ thời điểm Nghị quyết của QH về điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh có hiệu lực), dân số toàn TP đã tăng 9% so với năm 2008, với mật độ trung bình 2.129 người/km2, gấp 8 lần bình quân cả nước. Đã có sự chênh lệch rất lớn giữa mật độ dân cư giữa ngoại thành và nội thành; dân số tăng nhanh ở 10 quận nội đô.

Dự luật Thủ đô vẫn siết nhập cư 
Hà Nội vẫn đề nghị siết điều kiện nhập cư - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhận định tình trạng trên là vấn đề “nan giải”, Chính phủ đề xuất phương án quản lý dân cư theo hướng “siết” điều kiện nhập cư. Cụ thể, dự luật quy định để được đăng ký hộ khẩu thường trú vào TP, công dân phải đáp ứng một trong các điều kiện: Quy định tại khoản 2, 3 và 4 điều 20 của luật Cư trú; hoặc phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Như vậy, so với quy định hiện hành của luật Cư trú, công dân muốn nhập cư vào Hà Nội phải có từ 3 năm tạm trú liên tục tại chỗ ở nhất định trở lên, thay vì 1 năm như quy định hiện hành của pháp luật, kèm theo các quy định hiện hành khác.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - tán thành với cách xử lý này song vẫn còn có ý kiến băn khoăn. Bởi nếu không được đăng ký thường trú thì công dân vẫn có thể tạm trú tại đó để mưu sinh và như vậy áp lực lên cơ sở hạ tầng của Hà Nội vẫn không được giải quyết.

Tăng xử phạt hành chính

Ngoài nội dung đáng chú ý về quản lý dân cư, trình luật lần này Chính phủ cũng đề xuất HĐND TP được quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng trên thực tế, các vấn đề phát sinh trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội mà là của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nguyên nhân chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện pháp luật.

Liên quan đến quy định khác của dự luật là cho phép HĐND TP.Hà Nội được “quy định mức thu phí, lệ phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với các khoản thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải nhằm đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông”.

Phó chủ tịch QH Nguyễn  Thị Kim Ngân lưu ý với quy định quản lý dân cư như vậy, cần thiết kế quy định thế nào cho mềm mại, không vượt quá quyền công dân đã được Hiến pháp quy định.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.