Nhiều ý kiến quanh việc xây mới chợ Đông Ba

22/08/2012 09:56 GMT+7

Mặc dù hiện trạng vô cùng nhếch nhác, xuống cấp và không đảm bảo vệ sinh lẫn mỹ quan văn hóa, du lịch, nhưng chủ trương kêu gọi đầu tư xây mới chợ Đông Ba (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) vẫn không được tiểu thương đồng tình.

Nhiều ý kiến quanh việc xây mới chợ Đông Ba
Chợ Đông Ba còn là điểm tham quan được du khách quan tâm - Ảnh: Tuyết Khoa

Vì sao không đồng tình ?

Ngày 13.8, UBND TP.Huế đã thông báo kết luận của ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP.Huế tại buổi họp báo cáo dự án đầu tư xây dựng mới chợ Đầu Mối và chợ Đông Ba kết hợp chợ đêm Chương Dương của Công ty CP Trung Tín (Hà Nội).

Đối với dự án xây dựng mới chợ Đông Ba kết hợp phố đi bộ chợ đêm Chương Dương, UBND TP.Huế đề nghị Công ty CP Trung Tín phối hợp với BQL chợ Đông Ba và các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá lại thực trạng chợ về chất lượng công trình, số lượng ngành hàng, tình hình kinh doanh, số hộ kinh doanh để có cơ sở lập dự án đầu tư; xác định cụ thể phương thức đầu tư, trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư và của hộ kinh doanh, phương án thu tiền thuê mặt bằng và bố trí lại kinh doanh sau khi xây dựng lại chợ để thống nhất trước với các hộ kinh doanh.

Chiều 17.8, BQL chợ Đông Ba đã tổ chức buổi lấy ý kiến cuối cùng, nhưng hầu hết tiểu thương không đồng tình cho nhà đầu tư xây mới chợ. Theo họ, nếu chợ xuống cấp buộc phải đầu tư xây mới, dự án phải do Nhà nước bỏ ngân sách đầu tư, còn nhà đầu tư ngoại tỉnh thì tiểu thương kiên quyết phản đối. “Xây chợ, việc buôn bán của hàng ngàn người sẽ bị xáo trộn trong thời gian dài. Ra đi thì dễ nhưng vào lại thì ai đảm bảo cho chúng tôi? Tiền thuê lại mặt bằng sau khi chợ xây xong của nhà  đầu tư chắc chắn chúng tôi không đủ sức” - một tiểu thương cho biết.

Theo bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Trưởng BQL chợ Đông Ba, xây mới chợ là đúng đắn. Chợ  được xây mới vào năm 1987 với 1.600 lô nhưng nay có tới 2.700 lô, chợ đã xuống cấp khiến kinh doanh rơi vào tình trạng quá tải, chật chội và không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện chợ là nơi kiếm sống của 5.000-7.000 lao động nên nếu xây mới sẽ là rất “nhạy cảm” trong việc kiếm sống khi chờ chợ xây xong. Thêm vào đó, việc kinh doanh ở chợ có mang tính chất gia truyền từ đời này sang đời khác, có những lô tại chợ Đông Ba giá sang tay lên đến tiền tỉ nên việc xây mới chợ khiến nhiều tiểu thương băn khoăn, lo lắng là chuyện thật.

Điểm văn hóa lịch sử

Chợ Đông Ba hình thành vào thời vua Gia Long, nguyên trước đây tọa lạc ở bên ngoài cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba). Sau biến cố kinh thành Huế 1885, chợ bị thực dân Pháp triệt hạ. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại lấy tên là Đông Ba. Năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay.

Theo Dư địa chí Thừa Thiên- Huế, ngoài vị trí là một trung tâm thương mại lớn của tỉnh, với lịch sử hơn 115 năm, chợ Đông Ba còn là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trao tặng chị em tiểu thương các chợ TP.Huế nói chung, chợ Đông Ba nói riêng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Chợ Đông Ba hiện nay vẫn xứng đáng là trung tâm thương mại của tỉnh, tham gia tích cực các hoạt động đền ơn đáp nghĩa...

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, chợ Đông Ba không thuần túy là nơi mua bán mà còn là một địa điểm văn hóa, du lịch. Xây mới là việc nên làm, vì chợ hiện nay quá bẩn, nhếch nhác. “Chật chội, nóng nảy, hôi hám và ồn ào” là 4 cụm từ ngắn gọn nhất cho tình trạng hiện nay của chợ Đông Ba mà ông Xuân khái quát. “Vì thế khi nghe tin chợ Đông Ba đập đi để xây lại tôi rất mừng. Tuy nhiên, xây như thế nào mới là điều đáng nói”. Theo ông Xuân, chợ Đông Ba khi xây dựng phải đặc biệt lưu ý đến kiến trúc và cảnh quan sông Hương. Sau khi hoàn thành, nó phải là điểm shopping dành cho du khách tham quan mua sắm những sản phẩm đặc trưng của Huế, chứ không thể là siêu thị và người bán hàng cũng phải được đào tạo có văn hóa, không được nói thách và phải biết tiếng Anh…

Theo báo cáo của Công ty CP Trung Tín, dự án xây dựng mới chợ Đầu Mối và chợ Đông Ba kết hợp chợ đêm Chương Dương dự kiến có kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa có quyết định cho phép công ty này đầu tư xây dựng các chợ trên.

Khi chợ dân sinh thành trung tâm thương mại

TP.Hà Nội thực hiện chủ trương cải tạo một số khu chợ dân sinh trong nội thành thành những trung tâm thương mại (TTTM) hiện đại với mục đích phù hợp với xu hướng phát triển của thủ đô, đồng thời tạo điều kiện cho các tiểu thương tiếp tục kinh doanh hiệu quả hơn. Sau một thời gian hoạt động, tình trạng vắng khách kéo dài khiến hàng loạt tiểu thương trong chợ phải nghỉ kinh doanh. 

Nhìn bên ngoài, không ai nghĩ chợ Ô Chợ Dừa là một cái chợ, còn bên trong hiếm khi thấy bóng dáng khách hàng, cả chợ chỉ có 2 ki ốt đang hoạt động.  Chợ Cửa Nam trước kia vốn là nơi cung cấp nhu yếu phẩm cho cư dân khu vực quận Hoàn Kiếm. Năm 2007, chợ được xây dựng lại theo mô hình TTTM - chợ. Thế nhưng sau khi đi vào sử dụng lại vắng khách, tại đây chỉ có duy nhất một siêu thị nhỏ, không có bất cứ một tiểu thương nào bán hàng. Hầu hết các chợ ở Hà Nội sau khi cải tạo theo mô hình chợ - TTTM cũng lâm vào tình trạng tương tự. Chợ Hàng Da sau khi được cải tạo, đi vào hoạt động, các ki ốt ở tầng 1 tuy đều đã được cho thuê nhưng số mở cửa chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phần lớn là các tấm biển "bán và cho thuê ki ốt". Gần hai năm kinh doanh tại một TTTM khang trang nhưng những tiểu thương tại đây không mấy ai được vui vì... triền miên vắng khách. Chợ Cồn tại Đà Nẵng sau một thời gian đổi tên thành TTTM Đà Nẵng nay đã đổi về tên cũ: chợ Cồn.

Trần Phương

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.