Tỉ phú Boris Abramovich Berezovsky (66 tuổi) là một trong các oligarch khét tiếng nhất tại Nga. Ông nhận bằng tiến sĩ vật lý và toán học trước khi bước vào kinh doanh khoảng giữa thập niên 1980 bằng lĩnh vực nhập khẩu và phân phối. Suốt thập niên 1990, tỉ phú này đẩy mạnh đầu tư vào các công ty thuộc nhiều lĩnh vực như: hãng hàng không Nga Aeroflot, hãng sản xuất xe hơi Avtovaz, mạng truyền hình ORT, hãng dầu Siberia (Sibneft) và ngành nhôm. Năm 1997, tạp chí Forbes ước tính ông Berezovsky có tài sản trị giá 3 tỉ USD. Tuy nhiên, giống như các oligarch khác, tỉ phú này bị chỉ trích là “ăn trên ngồi trốc”. Thậm chí, nhiều thông tin khẳng định dù phát hiện ông Berezovsky dính đến nhiều vụ biển thủ, gian lận và trốn thuế nhưng không thể truy tố vì sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính giới Nga.
|
Thực tế, ông có quan hệ khá gần gũi Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin và có chân trong nhóm gọi là “gia đình”, vốn thân cận với Điện Kremlin. Nhóm này bao gồm bà Tatyana Dyachenko là con gái ông Yeltsin, hai Chánh văn phòng tổng thống hồi thập niên 1990 là Alexander Voloshin và Valentine Yumashev, Bộ trưởng Tài chính Mikhail Kayanov. Đặc biệt, tỉ phú Berezovsky còn giữ chức Phó thư ký Hội đồng An ninh quốc gia từ năm 1996 -1997. Đến năm 1999, ông giành được một ghế tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).
Bước sa cơ
Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng khác đi sau khi ông Vladimir Putin nhậm chức Tổng thống Nga. Oligarch Berezovsky trở thành người Điện Kremlin “quan tâm đặc biệt”. Tổng thống Putin lần lượt bãi nhiệm các quan chức chính phủ được cho là có quan hệ thân thiết với tỉ phú Berezovsky. Đồng thời, một chiến dịch chống oligarch được đề ra nhằm vào Berezovsky và Vladimir Gusinsky, một oligarch khác nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ đối với truyền thông nước này.
Ông Putin đã lên án các oligarch và mô tả những tác động tiêu cực của họ đối với các vấn đề nội địa và kinh tế, trong bài phát biểu Thông điệp quốc gia vào tháng 7.2000. Cũng trong bài diễn văn này, ông đưa ra những bình luận mà nhiều người cho là gián tiếp ám chỉ Berezovsky. Cùng năm, cơ quan công tố Nga tiến hành một loạt cuộc điều tra mới và mở lại các cuộc điều tra bị đình hoãn trước đó nhằm vào trùm Berezovsky cùng các công ty liên quan. Khi đó, oligarch này không còn “áo giáp chính trị” như từng có dưới thời Tổng thống Yeltsin. Trong bối cảnh áp lực ngày một tăng cao và nguy cơ bị buộc tội hình sự, Berezovsky trốn khỏi Nga vào năm 2000 và được cấp quy chế tị nạn chính trị tại Anh. Vào năm 2001, tỉ phú Berezovsky bị truy tố tội gian lận và tham nhũng chính trị, nhưng London đã bác đề nghị của Moscow về việc dẫn độ ông.
Đáp lại, oligarch này phản pháo mạnh mẽ nhằm vào Tổng thống Putin. Ông Berezovsky nhiều lần kêu gọi lật đổ “đối thủ”, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết. Bên cạnh đó, nhà tài phiệt góp phần lớn trong việc thành lập và tài trợ cho các đảng phái đối lập. Đầu năm 2001, ông Berezovsky bị cho là đã bán 49% cổ phần trong mạng truyền hình ORT với giá 80 triệu USD. Cùng năm, ông còn tuyên bố mình vẫn còn giữ phân nửa cổ phần của Sibneft (lớn thứ sáu trong ngành dầu khí Nga) dù công ty này phủ nhận thông tin trên. Từ đó đến nay, Berezovsky vẫn sống lưu vong ở London. Tuy nhiên, tại Nga, oligarch này liên tục bị gọi tên trong các vụ xét xử. Theo RIA - Novosti, vào tháng 11.2007, một tòa án Nga phán xử vắng mặt 6 năm tù dành cho tỉ phủ Berezovsky vì tội biển thủ hàng triệu USD của hãng hàng không Aeroflot trong những năm 1990. Đến tháng 6.2009, Berezovsky bị tuyên phạt thêm 13 năm tù vì biển thủ hàng ngàn xe hơi của Công ty Avtovaz hồi thập niên 1990…
Trùng Quang
>> Ông Putin và nỗ lực trấn áp oligarch
>> Chơi ngông như tỉ phú Nga
>> Tỉ phú Nga thôn tính báo Anh
>> Con tỉ phú Nga bớt giàu
>> Số tỉ phú Nga giảm mạnh
>> Tỉ phú Nga bị bắt vì gái mại dâm
Bình luận (0)