GS-TS Nguyễn Thuyết Phong ưu tư với âm nhạc dân tộc

27/08/2012 08:00 GMT+7

Hơn 40 năm học tập, nghiên cứu, giảng dạy, giới thiệu âm nhạc dân tộc VN ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới để rồi khi về nước, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong càng ưu tư hơn vì “chúng ta có một gia tài âm nhạc mà chưa thật sự có những người hiểu biết nó có giá trị như thế nào”.

 GS-TS Nguyễn Thuyết Phong ưu tư với âm nhạc dân tộc
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong chia sẻ, ông “nghe rất nhiều” về mong ước “làm sao để nhạc dân tộc được phát triển”, nhưng tất cả những băn khoăn ấy dường như cũng chỉ dừng lại ở khát khao. Và ông ví dụ, một chuyện tưởng như rất bình thường nhưng cũng chính là vấn đề lớn mà ông đang quan tâm: khán giả miền Tây bật ti vi thấy ca Huế hay ca trù thường sẽ chuyển kênh, ngược lại, người miền Bắc thấy cải lương hẳn cũng khó nghe và không muốn thưởng thức.  

“Người trong nước còn chưa hiểu được âm nhạc nước mình...”

“Tôi thấy đại chúng VN đang gặp phải vấn đề: chưa thật sự hiểu nhau và còn có sự lẫn lộn về tính chất âm nhạc giữa các vùng miền. VN mình tương đối nhỏ nhưng có rất nhiều truyền thống đang cô đọng lại, riêng rẽ, mang sắc thái rất địa phương. Thế nên không trách gì khi bảo một người Sóc Trăng hiểu và thưởng thức quan họ Bắc Ninh như người quan họ được.

Do vậy, chúng ta cần phải tìm ra nơi nào đó có trách nhiệm truyền bá cho công chúng, sao cho họ vượt ra khuôn khổ địa phương đó, để hiểu được rằng, ta cùng sống, cùng chia sẻ với nhau thì cũng phải cùng hiểu những giá trị âm nhạc của những người láng giềng từ những địa phương khác trong cùng đất nước”, ông nói.

 

Tôi nghĩ, lẽ ra chúng ta có thể làm được rất nhiều cho âm nhạc dân tộc ngay chính trên quê hương mình. Phải chăng chỉ do chúng ta chưa có những chủ trương cụ thể mà thôi?

Chính vì yếu tố địa phương rất mạnh, mà sự thông đạt giá trị của âm nhạc chưa đủ mức độ giúp cho người ta thưởng thức, đã dẫn đến thực trạng của âm nhạc dân tộc VN là chưa hiểu gì về hàng xóm láng giềng của mình. Nói cách khác, là chưa đủ các cơ quan, nguồn lực giảng dạy âm nhạc cho người ta hiểu.

Do vậy, GS cho rằng: “Chúng ta nên có ý thức về vấn đề phát huy sự hiểu biết âm nhạc giữa các vùng, miền lẫn nhau ở trong nước; cần phải làm cho công chúng mình trước nhất hiểu được âm nhạc dân tộc mình. Bởi, nếu người trong nước chưa hiểu âm nhạc của mình thì khó bảo người phương xa hiểu được”.

GS chia sẻ: “Thưởng thức thôi chưa đủ, mà phải tạo cơ hội cho họ học tập thực sự về âm nhạc. Không phải học đàn, hát mà còn phải học về cơ bản lý thuyết, lịch sử, văn hóa, cấu trúc của loại nhạc đó, để có thêm có kiến thức. Mang kiến thức về âm nhạc dân tộc đến với quảng đại công chúng mới thực sự tạo nền móng lâu bền, đó là điều cần nên làm; nhưng hiện tại, theo tôi, chúng ta chú trọng quá nhiều về mặt thưởng thức thụ động, ít chú trọng về học hỏi giá trị văn hóa của âm nhạc dân tộc…”.

Tạo dựng ý thức trách nhiệm về âm nhạc truyền thống

Trong những năm sống, giảng dạy, tiếp cận với nền âm nhạc của nhiều nước trên thế giới, GS cho biết, ông rất ấn tượng với cách gìn giữ lẫn giới thiệu âm nhạc dân tộc của Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

“Như ở Hàn Quốc, người dân nơi đây hẳn sẽ rất tự hào, hãnh diện khi họ có nhà hát dân tộc được xây dựng hoành tráng (sân khấu rộng đến mức hàng trăm diễn viên có thể biểu diễn trong một tiết mục). Hoặc cụ thể hơn, ngay tại sân bay, cũng có thể thấy hình ảnh cô gái ôm đàn dân tộc biểu diễn, rồi rất nhiều tờ rơi quảng cáo về các buổi diễn nghệ thuật dân tộc. Điều đó cho thấy đất nước họ có chủ trương rất rõ ràng, rất tốt trong việc bảo vệ âm nhạc truyền thống đi đôi với việc phát triển khoa học kỹ thuật”, GS nói. 

Trở lại với âm nhạc dân tộc VN, ông cho rằng, VN không thiếu những nhà nghiên cứu âm nhạc có khả năng, có tâm huyết, nhưng có vẻ như họ không có nhiều điều kiện để thực hiện, để cống hiến. Ngay cả ông, từ ngày về nước đến nay vẫn chưa có cơ hội thực hiện điều tưởng như rất dễ dàng ở đất nước mình: nói chuyện về cây đàn bầu, hay cồng chiêng…

“Chương trình làm việc của tôi ở các nước trên thế giới, cũng như riêng ở Mỹ, đều được đón nhận từ các trường mẫu giáo cho đến đại học. Tôi soạn những sách giáo khoa cơ bản cho hệ thống giáo dục Mỹ về âm nhạc truyền thống VN, hay nói chuyện về những đặc trưng của các nhạc cụ dân tộc Việt như cây đàn bầu, đàn tranh, hi hơ, t’rưng ...  cho các em thiếu nhi ở các trường, thậm chí cho những nông dân ở các làng quê, người lao động ở các khu phố… thì ở VN ngay cả những buổi nói chuyện tương tự cho sinh viên hình như cũng rất hiếm. Tôi nghĩ, lẽ ra chúng ta có thể làm được rất nhiều cho âm nhạc dân tộc ngay chính trên quê hương mình. Phải chăng chỉ do chúng ta chưa có những chủ trương cụ thể mà thôi?”.

m nhạc gắn liền với thị hiếu con người, và khi người ta được cho nghe cái gì thường xuyên, thì sẽ dần thành thói quen, quen rồi sẽ thích. Cũng như, khi chúng ta nghe nhạc pop nhiều, sẽ cảm thấy dễ chịu; hoặc nếu chúng ta nghe cải lương miết, thì từ lạ cũng sẽ thành quen. Một khía cạnh khác, theo GS, giáo dục chính là sự lặp đi lặp lại, để trở thành thói quen.

Ông cho rằng, “Phải hiểu yếu tố tâm lý đó để thực hiện những điều cần thiết cho âm nhạc, để tạo dựng ý thức trách nhiệm về âm nhạc truyền thống. Phải làm sao để ý thức đi đầu chứ không phải là thưởng thức. Thưởng thức, nghe chỉ sướng tai trong lúc đó rồi sẽ quên, nhưng ý thức mới là bền bỉ; vì khi người ta ý thức được thì sẽ chủ động tìm tới loại nhạc đó để nghe, chứ không phải thụ động nghe”.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu những chân dung Việt Nam, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước,… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.