|
Sau khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các mặt hàng trái cây có nguồn gốc Trung Quốc (TQ), người bán hàng đã dùng mánh mới để đổi nguồn gốc cho các loại trái cây.
Thay đổi “khai sinh”
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, loại đào (có tên gọi khác là mận đào, xuân đào) có nguồn gốc TQ được bày bán trên nhiều xe đẩy dọc các tuyến đường Phạm Viết Chánh (Q.1), Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12), Phan Huy Ích (Q.Tân Bình, TP.HCM) dưới cái tên rất Việt Nam: đào Sa Pa. Đào này được bán với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Đứng bán hơn một giờ đồng hồ trên đường Phạm Viết Chánh nhưng không có ai ghé mua, chị Trâm than thở: “Sau vụ nho TQ bị phát hiện gắn tên nho Mỹ, hàng không bán được như trước nên tôi chuyển qua bán đào”. Chị Trâm thừa nhận “đào Sa Pa” chị đang bán lấy từ chợ đầu mối Thủ Đức, thực ra cũng là loại đào TQ. Vì người mua sợ trái cây TQ nên chị đành ghi bảng có nguồn gốc Sa Pa để câu khách. Theo tìm hiểu, đào Sa Pa chỉ nhỏ bằng quả chanh, hình trái tim, ở phần đầu cuống lõm vào, đuôi trái hơi nhọn, giá bán tại địa phương khoảng 30.000 đồng/kg. Loại “đào Sa Pa” được bày bán tại TP.HCM quả to, tròn, đuôi căng phẳng. Một số siêu thị ở TP.HCM cũng có bày bán loại đào này và ghi rõ xuất xứ từ TQ.
Sau khi mánh khóe biến nho TQ thành nho Mỹ bị lật tẩy, người bán đã gắn xuất xứ mới "Thái Lan" cho nó. Hiện tại, nho xanh và đỏ, mận đỏ TQ được bày bán tràn ngập các chợ, dọc các tuyến đường tại TP.HCM dưới mác hàng "Thái Lan". Trên đường Phan Huy Ích (Q.Tân Bình), bà Tươi chất lên xe đẩy hơn 50 kg nho đỏ và nho xanh. Vẫn cái bảng bằng gỗ quen thuộc nhưng hôm nay, bà không viết lên đó chữ “nho Mỹ” mà thay vào là “nho Thái”. “Nho Thái” của bà Tươi bán giá 40.000 đồng/kg, cả loại xanh lẫn đỏ. Chúng tôi nói chỉ tìm mua loại nho TQ vì nho này để được lâu chứ không mua nho Thái, bà Tươi nhăn mặt nói: “Mấy cái này cũng TQ đó cô ơi”. Bà tiếp lời: “Ra chợ đầu mối lấy hàng thì chỉ lấy hàng TQ vì nếu lấy đúng hàng gốc Mỹ, giá rất cao. Xe đẩy như tụi tui bán giá cao ai mà mua? Giờ người ta đang chuộng đồ Thái nên mình để vậy, ai thích thì mua”. Hiển nhiên là khách đến mua thì bà Tươi luôn cố thuyết phục đó là nho Thái. PV thắc mắc, sao lại lừa khách hàng, bà Tươi nổi giận: “Ai dại đi la làng là mình bán nho TQ? Tại cô đòi nho TQ nên tui mới nói”.
Mỗi nơi một mánh
Ngoài nho, đào, còn rất nhiều loại trái cây hiện nay đang bị đánh tráo nguồn gốc. Ngày 30.8, PV Thanh Niên đến hỏi mua táo ở chợ bên đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh). Loại táo bày bán có đặc điểm to bằng nắm tay, có màu vàng và đỏ phớt được người bán giới thiệu bằng dòng chữ to đùng “táo mèo”. Thắc mắc táo mèo này được trồng ở đâu thì anh bán hàng nhanh nhẹn: “Loại này được trồng ở Đà Lạt, đảm bảo 100% không phải là hàng TQ”. Trên đường Trường Chinh (đoạn gần KCN Tân Bình) cũng có bày bán khá nhiều loại "táo mèo" này. Người bán cũng luôn miệng nói đây là táo mèo Đà Lạt. Tuy nhiên, PV Báo Thanh Niên thường trú tại Lâm Đồng đã xác minh, hiện tại các chợ Đà Lạt cũng có bán loại táo này, nhưng không có tên “táo mèo”; ở Đà Lạt cũng trồng táo nhưng sản lượng rất ít, trái táo nhỏ và có vỏ màu xanh chứ không vàng như “táo mèo” ở TP.HCM.
Đến đường Cống Quỳnh (đoạn qua Bệnh viện Từ Dũ), đường Thành Thái (đoạn qua Bệnh viện Nhân dân 115) hỏi mua loại táo xanh, quả to khoảng 10 trái/kg, chúng tôi được người bán hàng mời chào: “Mua táo đi, táo Việt Nam đó, giòn ngọt lắm”. Thấy PV nghi ngờ đây là táo TQ, chị bán hàng bốc luôn mớ táo lên cân: “Táo Long An đó, không phải hàng TQ đâu, nhà chị trồng mà. Mua thì chị bớt cho, tính 25.000 đồng/kg thôi”. Theo xác minh của PV Thanh Niên thường trú tại Long An thì ở địa phương này không trồng loại táo quả to như người bán giới thiệu.
Thanh Thùy
>> 60 - 70% hàng lậu có nguồn gốc Trung Quốc
>> Đánh bại hàng Trung Quốc
>> Phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc lan rộng
>> Lại đổ xô trả hàng Trung Quốc, đòi lại tiền
>> Hành trình “rửa” nguồn gốc rau quả - Bài 1: Hàng Trung Quốc tại chợ đầu mối
>> Người Mỹ "ngán" hàng Trung Quốc
Bình luận (0)