Độc đáo chợ quê: Nồi Rang - chợ tro còn một chút này

05/09/2012 08:59 GMT+7

Nhiều người bảo, thoáng nghe tên chợ đã thấy “nóng trong người”, nghe khô khốc làm sao. Nhưng kỳ thực đi chợ Nồi Rang, nhiều người đều có chung cảm nhận về một chợ ấm áp tình quê. “Độc” hơn, tro bếp vẫn được nhiều người mang đến bán, mặc nhiên thành một món hàng hóa.

Độc đáo chợ quê: Nồi Rang - chợ tro còn một chút này
Người đi chợ mua tro - Ảnh: Hoàng Sơn

Phiên chợ tro bếp

Người dân nơi thôn 3, xã Duy Nghĩa (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) luôn tự hào về “mẹ” Thu Bồn hiền hòa và chợ Nồi Rang tọa lạc ngay tại ngôi làng của mình. Bởi lẽ, theo câu nói “Nhất cận thị, nhị cận giang” thì có lẽ họ được quá nhiều ưu ái. Chợ Nồi Rang hình thành cách đây khoảng 300 trăm năm trên một mảnh đất tiếp giáp cả 3 địa danh mạnh về đường sông là Duy Xuyên, Thăng Bình và Hội An. Đây cũng là điểm nghỉ chân trung chuyển cho nhiều chuyến đò ngược Thu Bồn hay xuôi về Cửa Đại ra biển. Thế nên, ngay từ ngày đầu những năm cuối thế kỷ XIX, Nồi Rang thực sự trở thành địa điểm trao đổi hàng hóa sầm uất.

Tương truyền, chợ vừa mới được mở sát mép bờ sông thì gặp phải một vụ mùa thất bát, chợ đìu hiu vì không ai có sản vật gì để bán. “Năm đó, có một lão nông vì túng thiếu, ông đã tự nhào đất rồi nặn ra nhiều nồi rang, nung kỹ để đem bán. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, lão đã neo chiếc ghe nhỏ nơi bến nước rồi bước lên bờ để “khai trương” ngôi chợ mới này. Và chính ông cũng như những cái nồi đất rang của mình đã “khai sinh” nên tên chợ cho đến tận bây giờ”, ông  Nguyễn Nhân Trung (60 tuổi), thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa kể.

Món hàng đầu tiên được bày bán ở chợ là nồi đất, nhưng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nồi rang giờ không phải là thứ hàng hóa đặc biệt tại đây. Thứ hàng độc đáo nhất phải kể đầu tiên là tro. Tro từ trong bếp người dân, tro từ rơm rạ ngoài đồng, tro từ lá, quả dương đốt từ bãi cát ven biển được đóng bao cẩn thận rồi theo chân những chuyến đò dập dềnh, quang gánh trĩu nặng của các chị, các mẹ vào chợ. Chợ tro có từ khi lập chợ và vẫn tồn tại đến bây giờ, là “cần câu cơm” của biết bao thế hệ phụ nữ nghèo nơi đây.

“Đất đai cằn cỗi, mở mắt ra là đã thấy cát trắng lóa mắt, người Duy Nghĩa quê tôi bao đời khó trồng cây gì cho tốt tươi. Thế cho nên, nhu cầu về phân bón cho hoa màu trồng trên cát khi nào cũng có. Ngày xưa, ngoài việc dùng phân chuồng để trồng rau thì tro bếp hầu như nhà nào cũng dùng. Nghề của bọn tui ra đời là vì thế”, bà Lê Thị Lài (61 tuổi), trú tại thôn 6, xã Duy Nghĩa (H.Duy Xuyên) lý giải về sự ra đời chợ tro. Để chuẩn bị cho phiên chợ sáng, bà Lài cùng nhiều chị em phải cật lực một ngày vào từng nhà người dân mua tro bếp từ các xã Duy Phước, Duy An, Duy Thành… Có người cho không, có người cũng lấy vài nghìn đồng. Mỗi bao đầy phải hốt ít nhất 20 bếp mới đủ, gặp may thì chỉ cần hốt đống tro rơm giữa đồng thì được chừng hai bao.

Còn một chút này…

Theo nhiều người trong nghề bán tro, “bà tổ” nghề là bà Hai Thôn, người bên kia sông Thu Bồn. Bà Hai là người đầu tiên đi tới từng nhà để mua tro bếp bán lại cho người ta. Nhưng nhắc tới bà Hai, nhiều chị em trong nghề lại thấy tủi hờn vì đời bà sao ngắn ngủi như đám lửa rơm. “Chuyện kể, năm đó bà Hai Thôn chèo ghe vượt sông sớm cho kịp chợ. Trời tờ mờ sớm, nước lũ lại dâng cao, đang cắt sông, không may đò bà vướng phải dây câu. Chiếc đò tròng trành rồi lật úp, gần tuần sau đó, xác bà mới được tìm thấy ngoài biển Cửa Đại”, bà Lài rơm rớm nước mắt. “Sinh nghề tử nghiệp thôi, chị em tui vì miếng cơm manh áo mới gắn bó với nghề lâu đến vậy. Nghĩ đời mình cũng như đám tàn kia…”.

Chợ tro hôm nay nằm khép mình ở cuối khu chợ sầm uất, tách bạch hẳn với những gian hàng “công nghiệp”. Ở đó, các chị, các bà không sạp ngồi mà chỉ đứng bên những bao tro nặng chừng 20 kg, có giá bán ấn định 30 nghìn đồng/bao. Người mua cũng không ai có nhiều nghi ngờ đến mức phải đong đo cân nặng từng bao. Có trả giá chỉ bớt 1 nghìn lấy may mong cho cây cối, rau màu tốt tươi. Thường thì trước khi “thuận mua”, người đi chợ yêu cầu người bán gỡ nắp bao bằng rơm để họ xem qua chất lượng tro. Một hồi nhìn kỹ, sờ, bốc từng nắm tro, cảm thấy “hàng tốt” là người mua trả tiền rồi vác bao tro ra về.

Bà Nguyễn Thị Hường (63 tuổi), trú tại thôn 4, xã Duy Vinh (H.Duy Xuyên) cho biết: “Trồng rau trên cát mà không có tro thì chịu. Dù cho trồng thế nào đi nữa, tro vẫn là phân bón tốt nhất mà người làng tôi vẫn chọn. Vụ này tôi trồng 3 luống khoai, mua bao tro khoảng 30 nghìn đồng là vừa đủ”. Với kinh nghiệm trồng trọt là vậy nên dù ở khá xa chợ, bà vẫn tìm về Nồi Rang để mua được ít tro về bón cho rau màu.

Nhiều người đi chợ tro cho biết, nhiều về trước, chợ tro rất đông đúc, cao điểm có lúc chợ có đến hơn 20 chị em đứng bán tro. Nhưng vài năm trở lại đây, nghề bán tàn tro dần vì ít người theo. Số ít chị em bị mắc các bệnh đường hô hấp, viêm da do tiếp xúc lâu ngày đành bỏ nghề, số nữa “giải nghệ” do đồng lãi, đồng lời “bọt bèo” quá. Tiếp xúc với nhiều chị em bán tro, ít ai nói nhiều nghề nhưng có lẽ ai cũng hiểu, dần dần rồi nghề buôn tro bán mùn cũng chẳng ai theo.

Hay tin chợ Nồi Rang đang chuẩn bị xây mới, mấy chị em bán tro rời chỗ “cắm dùi” quen thuộc để lui về phía góc khuất sau chợ để bán. Phần vừa tránh gió làm tro bay ảnh hưởng hàng quán khác, phần vì cảm thấy nghề bán tro cũng chẳng “sạch sẽ” gì. Nhiều chị em ngơ ngác hỏi: “Rồi mai đây khi ngôi chợ mới được cất xong, họ có cho mình đem tro vô chợ để bán không chú hè!? Tụi tui sợ tro làm bẩn chợ, chắc ít ai đồng ý cho mình bán”.

Hoàng Sơn

>> Chợ quê giữa lòng Sài Gòn
>> Chợ quê
>> Phiên chợ quê cuối năm
>> Quà chợ quê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.