Cấm dạy thêm triệt để
UBND Hà Nội đã chính thức ban hành quy định về mức học phí mới cũng như chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP. Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục hướng nghiệp công lập ở địa bàn thành thị (các phường, thị trấn) là 40.000 đồng/HS/tháng và ở nông thôn (các xã) là 20.000 đồng/HS/tháng. HS theo học nghề THPT, học nghề THCS tại các cơ sở giáo dục công lập ở địa bàn thành thị: 40.000 đồng/HS/năm học, ở nông thôn: 20.000 đồng/HS/năm học.
|
Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở tính toán các khoản chi phí đủ đáp ứng cho việc dạy và học; phải thông báo công khai mức học phí cho từng năm học.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ngay sau ngày khai giảng, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT bắt đầu thực hiện từ năm học này”. Việc dạy thêm phải phù hợp với yêu cầu kèm cặp HS yếu kém và bồi dưỡng HS giỏi. Trách nhiệm và công việc cụ thể sẽ được giao về cho các trường. Sở sẽ thực hiện rốt ráo, triệt để cấm dạy thêm học thêm đối với bậc tiểu học. Trước hiện tượng giáo viên lớp 1 thường la mắng những HS chưa biết viết diễn ra trong nhiều năm qua, ông Chương khẳng định: “Sở sẽ xử lý một cách nghiêm túc, nếu có trường hợp nào phản ánh đến báo, Sở cho người xuống làm việc ngay trong vài giờ đồng hồ hoặc phản ánh theo các cấp quản lý”.
Lo thiếu trường và giáo viên
Mầm non là bậc học đang gặp nhiều khó khăn nhất ở ĐBSCL. Hiện tại khu vực này vẫn còn trên 145 xã chưa có trường mầm non độc lập, nhiều lớp học phải dựng tạm bợ, dựng nhờ trên đất của người dân. Chẳng hạn tỉnh Hậu Giang hiện còn 9 xã chưa có trường mầm non. Hầu hết trường mầm non ở các huyện vùng ven TP.Cần Thơ đều phải mượn nhà thông tin, nhà dân, trường tiểu học làm phòng học. Cả khu vực vẫn còn thiếu khoảng 2.284 giáo viên mầm non, còn 15% giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Tính chung các bậc học, cả khu vực hiện còn 769 phòng học tạm và 3.316 phòng học nhờ.
Không đủ chỗ bán trú
Vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm trong năm học mới là tình hình bán trú của HS tiểu học. Rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng đã không tổ chức bán trú đối với HS lớp 1, 2, 3…
Thành phố có quy định nghiêm nhặt về các khoản thu nhưng nhiều trường vẫn cố tình lách luật. Bên cạnh các trường tuân thủ quy định, nhiều trường vẫn thản nhiên thu quỹ phụ huynh lớp, quỹ phụ huynh trường, quỹ vệ sinh… Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, khẳng định: “Đây là năm học mà quy định cấm lạm thu ở các trường học trên địa bàn Đà Nẵng tiến hành hết sức nghiêm, nếu các trường vi phạm sẽ bị xử lý nặng”. Bên cạnh đó, để giảm áp lực cho phụ huynh, Sở đang kiến nghị bỏ rất nhiều khoản thu khác.
Trường lớp xuống cấp, HS bỏ học
Tình trạng trường lớp xuống cấp, nhất là tại các xã vùng cao là một trong những vấn đề khiến người dân Bình Định quan tâm, lo lắng. Trong năm học này, Trường tiểu học An Dũng (tại thôn 2, xã An Dũng, H.An Lão) vẫn phải tiếp tục mượn thêm Nhà văn hóa thôn 2 để làm nơi giảng dạy vì cơ sở chính chỉ có 2 phòng học.
Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cũng lo thiếu phòng học, nhất là bậc học mầm non ở các huyện miền núi. Ông Đỗ Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND H.Tây Trà, cho hay toàn huyện có 9 trường mẫu giáo với hơn 1.500 cháu nhưng đến thời điểm này chỉ có 2 trường mẫu giáo ở xã Trà Trung và Trà Thanh đủ phòng học.
Theo tính toán, giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Quảng Ngãi cần trên 5.450 phòng học. Về việc dạy thêm, học thêm, lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi khẳng định kiên quyết xử lý các sai phạm về dạy thêm, đơn vị nào có cá nhân sai phạm thì cá nhân và thủ trưởng đơn vị đó bị xử lý theo quy định.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, cho biết: “Hiện nhiều lớp mầm non ở vùng xa, vùng sâu vẫn phải mượn nhà sinh hoạt của thôn, làng để học; nhiều phòng học chưa đạt chuẩn. Theo khảo sát, toàn tỉnh Gia Lai vẫn còn thiếu đến 500 phòng học, trong đó có nhiều phòng học chưa đạt chuẩn cần thay thế”.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Đắk Nông yêu cầu các trường học thông báo công khai bằng văn bản tới phụ huynh HS các khoản thu và chi từ đóng góp phụ huynh. Sở cũng yêu cầu các trường không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học; thực hiện công khai mức thu học phí theo quy định; tất cả các khoản thu tự nguyện phải được sự đồng ý của tất cả phụ huynh HS.
Việc ngăn chặn HS bỏ học cũng là vấn đề của ngành giáo dục khu vực này. Năm học vừa qua, toàn tỉnh Quảng Ngãi có đến 2.350 HS bỏ học, trong đó nhiều nhất là bậc THPT với 1.564 HS, chiếm tỷ lệ hơn 3%. Ông Thái Văn Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm học mới là tăng cường các giải pháp khắc phục HS ngồi sai lớp, giảm tỷ lệ HS yếu kém và ngăn chặn tình trạng HS bỏ học.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học này, cả nước có hơn 4 triệu HS mầm non, 15 triệu HS phổ thông bước vào năm học mới. Ở khối đào tạo, bậc trung học chuyên nghiệp có 610.000 HS, bậc CĐ có 801.000, ĐH gần 1,5 triệu sinh viên. (Tuyết Mai) |
Thanh NIên
>> Thông tin mới về năm học mới
>> Công bố các khoản thu năm học mới tại TP.HCM
>> Bỏ nhiều khoản thu trong năm học mới
>> Năm học mới, giải quyết vấn đề cũ
>> Hơn 408 tỉ đồng cho đề án phổ cập tiếng Anh năm học mới
>> Phát động chủ đề năm học mới 2011-2012
Bình luận (0)