(TNO) Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù thông tin về ngân hàng giảm lãi suất, bất động sản (BĐS) được đưa ra khỏi danh mục hạn chế cho vay vốn song thị trường nhà đất 6 tháng cuối năm vẫn tiếp tục gặp khó khăn, giao dịch thành công không nhiều bởi khách hàng vẫn tiếp tục chờ hạ giá.
>> 193 dự án bất động sản xin gia hạn thời gian đầu tư
>> Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi
>> Tín dụng đổ vào bất động sản
>> Nhiều kiến nghị giải cứu thị trường bất động sản
>> Đề xuất nhiều giải pháp cứu thị trường bất động sản
Tại cuộc tọa đàm do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 5.9, về tình hình khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp (DN) trong các ngành công nghiệp và xây dựng từ đầu năm 2012 đến nay, đại diện Vụ kinh tế của Ủy ban Kinh tế dẫn báo cáo từ Bộ Xây dựng vừa gửi tới Ủy ban cho biết, tình hình thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2012 tiếp tục gặp khó khăn, giá BĐS sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường.
Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Để minh chứng, Bộ Xây dựng cho biết theo khảo sát về thị trường BĐS tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, giao dịch thành công tại Hà Nội rất ít trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu tại những dự án đã hoặc sắp hoàn thành. Khách hàng phần lớn là những người ngoại tỉnh, các gia đình trẻ mua căn hộ chung cư đã hoàn thành với diện tích trung bình và nhỏ, từ 60 - 100 m2, giá dao động từ 1,5 - 2,5 tỉ đồng.
Thông tin từ báo cáo còn cho hay “mặc dù thông tin về ngân hàng giảm lãi suất, đồng thời đưa BĐS ra khỏi danh mục lĩnh vực hạn chế cho vay đã có tác động nhất định đến thị trường, có một số người có nhu cầu đã thực sự quan tâm, nhưng giao dịch thành công không nhiều, phần lớn những nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa có niềm tin vào thị trường, vẫn còn tâm lý chờ giá cả hạ hơn nữa”.
“Thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS, mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản các ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các DN sản xuất VLXD, DN xây lắp…”, Bộ Xây dựng nhìn nhận, và cho rằng, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, trong nước được dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của các DN xây dựng, BĐS. Do đó, thị trường BĐS thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn, chưa thể sôi động ngay được.
Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, Đại biểu Quốc hội cũng đã nêu nhiều kiến nghị “giải cứu” tình trạng đóng băng của thị trường BĐS.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng kiến nghị, thay vì dồn vốn cho các chủ đầu tư, những người kinh doanh BĐS như trước nay, Nhà nước nên tập trung chính sách ưu tiên cho người mua nhà, thuê nhà vay vốn với lãi suất ưu đãi, nghĩa là chuyển từ rót vốn cho nguồn cung sang rót vốn cho đối tượng tiêu thụ để giải quyết tình trạng ế thừa BĐS như hiện nay.
Đồng thời với việc ưu tiên chính sách xây dựng nhà cho thuê, khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng nhà cho thuê, Nhà nước có thể mua lại các quỹ nhà trung bình hiện tồn dư trên thị trường để bố trí tái định cư, có sự định giá minh bạch và thông qua hình thức đấu giá.
Chủ tịch HĐQT Saigon coopmart Nguyễn Ngọc Hòa cũng kiến nghị giải pháp giải cứu thị trường BĐS đóng băng hiện nay bằng cách khoanh lại hoặc mua lại các khoản nợ cũ với các dự án BĐS trước đó đang ế thừa do chi phí xây dựng, giá đất và lãi suất quá cao, để tiếp tục cho vay đối với các dự án mới có nguồn cung phù hợp với nhu cầu, túi tiền của đại đa số người dân.
Theo ông Hòa, việc tiếp tục các dự án mới theo cách này sẽ tiêu thụ được lượng xi măng, sắt thép..., tác động tích cực đến nền kinh tế cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Bảo Cầm
Bình luận (0)