Tùng Dương từ chối làm HLV Giọng hát Việt (The Voice) vì phải trả nghĩa SMĐH?
Cùng lúc hai lời mời đến. Dương suy nghĩ, biết chắc The Voice sẽ hấp dẫn hơn bởi lần đầu tiên format đấy đến Việt Nam, các bạn trẻ sẽ bị cuốn theo.
|
Nhưng SMĐH là nơi mình gắn bó, từng có nhiều người trong BTC đấu tranh cho đường đi của Dương lúc bấy giờ và giờ là lúc Dương trả ơn họ. Dương nhận lời làm giám khảo SMĐH cũng là để mọi người ghi nhận nỗ lực của mình, 10 năm trước còn chân ướt chân ráo đi thi, giờ đã ngồi trong HĐNT.
Nếu không trùng thời gian, Dương sẵn sàng tham gia cả hai cuộc?
Nghệ sĩ nên biết phân bố khoảng thời gian xuất hiện của mình, không nên ồ ạt quá. Dương cũng là người thâm trầm, có thể nói đứng ngoài showbiz. Mỗi người có một tiêu chí lựa chọn khác nhau.
Dương không phải người thích gây hiệu ứng để giải trí. Nếu nhận The Voice, Dương sẽ không đảm bảo tính chất giải trí cho chương trình.
Có ý kiến cho rằng chúng ta đang có hơi nhiều các cuộc thi thiên về giải trí, kinh doanh hơn là tìm kiếm tài năng?
Dương nghĩ sự nở rộ của chiêu trò trong các chương trình truyền hình thực tế là tín hiệu không nên vui. Thời này khán giả thích sự thực tế, nhưng khi xem những chương trình ấy, Dương thấy họ đang rất diễn, đứng trước ống kính họ không thể nào hoàn toàn thoải mái như đời thường được.
Từ sự diễn đấy khán giả lại nghĩ họ đang rất thật mới là cái nguy hiểm. Có quá nhiều cuộc thi kiểu truyền hình thực tế, chắc chắn nghệ thuật sẽ bị thụt lùi. Nó sẽ chiếm chỗ của những cuộc thi nghiêm túc.
Trong vài tuần đầu của SMĐH, dường như giám khảo Tùng Dương hơi khắt khe với Thanh Tâm người sau này đoạt giải của HĐNT. Dương sợ Tâm sẽ vượt qua mình?
Chuyện thầy già con hát trẻ là đương nhiên. Có rất nhiều người ảnh hưởng mình giống như mình sẽ ảnh hưởng tới người khác. Cái đó là quy luật rồi. Đương nhiên chỉ có một con đường thôi thúc là đi lên chứ không bao giờ ngược lại.
Có lúc Dương không muốn ngoảnh lại quá khứ, chỉ muốn tiến lên thôi. Mình thấy có người chịu ảnh hưởng của mình, mình cũng vui, thực sự hạnh phúc. Chắc chắn Thanh Tâm trong tương lai sẽ tìm ra được cái rất riêng của cậu ấy.
Người nổi tiếng nhiều khi không dám nói chính điều mình đang suy nghĩ để sống yên ổn, khỏi mất lòng ai. Dương có như vậy?
Dương chọn giải pháp lắng nghe hơn là phát ngôn để ăn thua nhau. Cái gì bức bối mà không nói được hoặc không muốn nói ra, mình thể hiện nó vào trong âm nhạc, trong nghệ thuật.
Cũng hay trình diễn bằng tiếng Anh, Dương có gì chia sẻ với các những giọng ca trẻ đang thi hát bằng tiếng Anh?
Hãy để việc đó diễn ra tự nhiên. Những bài hát nước ngoài rất rõ về thể loại âm nhạc, các bạn có thể chọn. Nhưng quan trọng hơn hết, đã hát tiếng Anh là phải chuẩn xác. Không thể hát tiếng Anh trên truyền hình mà chỉ cho người Việt Nam nghe được.
Nếu không thực sự giỏi, bạn phải tìm thầy để luyện, làm sao hát cho thật chính xác, ít nhất cũng phải được 80-90%, thì nên hát.
Còn nếu hát mà chuyên gia về tiếng Anh nghe không hiểu gì nghĩa là có vấn đề. Nói chung nếu có sai sót thì khắc phục, chứ cũng không nên quá căng thẳng chuyện hát tiếng Anh hay tiếng Việt.
Phải công nhận tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt, dễ chắp cánh cho các em, phô được giọng hát hơn.
Tiếng Việt mình thì đóng chữ, việc hát tiếng Việt sao cho hay không phải ai cũng làm được.
Tiếng Việt phải nâng niu câu chữ, tiếng Anh thì ngược lại, càng phủi, càng tự nhiên bao nhiêu càng hiệu quả bấy nhiêu. Nếu áp dụng lối hát đó vào tiếng Việt chắc chắn người ta bảo không biết hát.
Theo N.M.Hà / Tiền Phong
>> Tùng Dương hát tình ca
>> Tùng Dương truyền "bí kíp" cho các ca sĩ nhí "Đồ Rê Mí
>> Tùng Dương - Tôi “lẳng lơ” Bắc Bộ
>> Tùng Dương tham gia hòa nhạc jazz Unit Asia
>> Những chuyến đi" của Tùng Dương
>> Tùng Dương ngồi “ghế nóng”
>> Đêm nhạc Tùng Dương tại Đà Lạt
>> Blog của ca sĩ Tùng Dương
>> Tùng Dương, Khánh Linh làm nhạc sỹ
Bình luận (0)