|
Chi phí gấp đôi doanh thu
Trong tổng số 105 CTCK thì 10 công ty dẫn đầu về thị phần môi giới nắm gần 60% thị phần. 40% còn lại chia đều cho 95 công ty còn lại nên số thu của mỗi công ty cực kỳ khiêm tốn. Đặc biệt, những công ty nhỏ, sống nhờ vào hai hoạt động là môi giới và lưu ký CK thì số thu ngày càng teo tóp.
Đơn cử như CTCK Tầm Nhìn. Doanh thu về môi giới CK 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 694,16 triệu đồng trong khi chi phí hoạt động của công ty này lên đến 1,27 tỉ đồng, kết quả là lỗ 5,28 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2012. Hay CTCK Viễn Đông doanh thu quý 2 là 738,6 triệu đồng nhưng phí hoạt động lên hơn 2,7 tỉ đồng khiến cho công ty này bị lỗ tổng cộng 2 tỉ đồng. Những trường hợp này không phải là cá biệt, rất nhiều CTCK khác cũng rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi như nói trên.
Vấn đề đáng nói là, 6 tháng đầu năm nay, biến động trên thị trường chứng khoán tích cực hơn so với năm trước. Thanh khoản được cải thiện đáng kể, có phiên giao dịch tới 2.000 tỉ đồng, tại sao nhiều CTCK vẫn không thể sống nổi? Đây chính là hậu quả của việc ồ ạt thành lập CTCK những năm trước. Thị trường khởi sắc, các CTCK lớn có thể tăng tốc nhanh hơn nhưng các CTCK nhỏ thì lại càng thêm khó khăn. Thu không đủ bù chi đã khiến nhiều CTCK tự nguyện bỏ nghiệp vụ môi giới CK. Điều này giống như tự đào hố chôn mình vì đồng nghĩa với việc không có hoạt động chính, không có khách hàng, không có doanh thu và trong mắt nhà đầu tư là đã giải tán.
Biến mất hay chờ thời ?
CTCK Đông Dương một thời nổi đình nổi đám trên thị trường với sàn giao dịch cổ phiếu OTC thu hút hàng trăm nhà đầu tư có mặt mỗi ngày. Thế nhưng giữa tháng 12.2011, công ty này đã tạm ngưng nghiệp vụ môi giới với lý do thiếu vốn nên không thể duy trì các hoạt động kinh doanh không mang lại nhiều doanh thu nhưng ngốn chi phí lớn. Cùng chung cảnh ngộ phải "cắt" nghiệp vụ chính là CTCK Trường Sơn, CTCK Hà Nội, CTCK Gia Anh, CTCK SME...
Muốn tìm hiểu về hoạt động của các công ty này hiện nay như “mò kim đáy bể”. Các website cũ bị ngưng hoạt động, trụ sở cũ thay đổi, kết quả kinh doanh trong vòng 6 tháng đầu năm nay trên trang web của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng không thấy. Rõ ràng, họ chỉ còn tồn tại cái tên trong giấy phép. Một loạt các công ty khác kinh doanh cầm chừng như CTCK Chợ Lớn từ tháng 6 đã thông báo tạm ngừng và đang tiến tới rút nghiệp vụ môi giới.
Đây là quyết tâm “trú bão” của lãnh đạo công ty vì nhận định thị trường còn quá khó khăn. Khi tạm dừng hoạt động môi giới, chi phí hoạt động của công ty giảm từ khoảng 1 tỉ đồng xuống còn dưới 300 triệu đồng/tháng, nhân viên còn duy trì khoảng 10 người... Được biết, công ty sẽ kéo dài tình trạng này đến hết năm nay. Nếu thị trường vẫn không khởi sắc, kịch bản giải thể hay sáp nhập cũng đã được nghĩ đến.
Chết lâm sàng nhưng theo lãnh đạo một CTCK thừa nhận, việc bán lại một CTCK đang bị thua lỗ, không còn khách hàng rất khó khăn. Lý do chưa giải thể vì cần phải có sự quyết tâm của các cổ đông sáng lập bởi việc này liên quan đến tên tuổi của họ.
Đây cũng có thể là những lý do giải thích cho tình trạng của các CTCK đã rút nghiệp vụ môi giới nói trên. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng, không thể để các CTCK này im lìm rồi biến mất hay nằm chờ thời cơ hoạt động lại mà không công bố thông tin. Bởi theo quy định, CTCK phải cung cấp thông tin định kỳ về tình hình hoạt động. Nếu không chịu công bố thông tin thì phải bị rút giấy phép và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần chính thức xóa sổ CTCK đó, tạo nên sự minh bạch và thông thoáng cho thị trường.
Mai Phương
>> Công ty chứng khoán Tràng An bị kiểm soát đặc biệt
>> Sẽ công khai công ty chứng khoán bị kiểm soát
>> Công ty chứng khoán SBS bị kiểm soát đặc biệt
>> Công ty chứng khoán đang “chết” dần
>> Công ty chứng khoán “vượt rào”
>> Công ty chứng khoán sập bẫy nhà đầu tư
>> Công ty chứng khoán phải công khai thông tin “mật”?
>> Công ty chứng khoán đua giành khách hàng
Bình luận (0)