|
Bảo vệ nhân chứng
Theo một số nạn nhân của băng bảo kê này, sau khi Đỗ Mạnh Hóa (50 tuổi, quê Hải Phòng, tạm trú P.4, Q.Tân Bình) được thả ra, người nhà của Hóa đã đến gặp bà H., bà L… đe dọa không được tố giác. Nhận được thông tin này, tổ điều tra của Công an Q.Tân Bình phối hợp với công an phường, nơi các nạn nhân tạm trú để lên phương án bảo vệ nhân chứng nhằm tránh trường hợp bất trắc xảy ra.
Theo chúng tôi được biết, điều tra viên quận đã tiếp tục ghi nhận lời khai của một người bán bánh mì bị chính Đỗ Mạnh Hóa đánh bị thương. Sợ dính líu đến tù tội, Hóa đã chủ động bồi thường tiền thuốc men, để bà này làm đơn bãi nại, không tố giác Hóa. Về vụ việc này, Hóa đã bị Công an P.2 (Q.Tân Bình) lập biên bản xử phạt hành chính.
Riêng vụ một người lớn tuổi bị nhóm Hóa đánh, khi Công an P.2 nhận được tin báo, đến hiện trường thì bị hại đã bỏ đi, để lại chiếc xe bán bánh… Một cán bộ Công an Q.Tân Bình cho biết, vụ đàn em Hóa đuổi đánh người thân của bà Tr. (bán nước sâm trên đường Phan Thúc Duyện, Q.Tân Bình), Công an P.2 đã nhận đơn tố cáo của bà, nhưng sau đó chuyển cho Công an P.4 tiếp nhận xử lý vì vụ việc xảy ra ở hẻm số 1 Đồ Sơn, P.4, Q.Tân Bình; kể cả vụ bà Tr. đi trên đường Thăng Long, P.4, Q.Tân Bình, bị 2 thanh niên dùng gậy đánh bị thương ở tay, Công an P.2 cũng chuyển cho Công an P.4 thụ lý.
Đến nay đã có 2 bị hại đến công an quận trình báo bị Hóa ép cống nạp tiền “bảo kê”. Theo một cán bộ điều tra, mặc dù Hóa có thừa nhận thu tiền (300.000 đồng/tháng/người) của những người buôn bán hàng rong, nhưng Hóa khai là họ tự nguyện đưa, chứ không có chuyện ép buộc… Về tình tiết này, công an quận đang củng cố hồ sơ.
“Bóp cổ” dân bán hàng rong
Ngày 11.9, Báo Thanh Niên tiếp tục nhận được đơn của bà P.T.L (50 tuổi, quê Quảng Ngãi, bán hàng rong trên đường Phan Thúc Duyện, Q.Tân Bình) tố cáo băng nhóm bảo kê này.
Trong đơn, bà L. tố giác, để được yên ổn làm ăn, hằng tháng Hóa bắt bà phải nộp 600.000 đồng (trong đó 300.000 đồng nộp vào ngày 20 hằng tháng và 10.000 đồng/ngày). Ngoài ra, cứ mỗi dịp tết, Hóa ép buộc những người bán hàng rong ở đây nộp thêm từ 200.000 - 300.000 đồng để “quà cáp” cho công an (!?). “Tôi đã từng chứng kiến đàn em, vợ của Hóa và Hóa đánh nhiều người “lạ” đến đây buôn bán và những ai bán ở đây không chịu nộp tiền bảo kê, nhưng chúng tôi không dám tố cáo vì bị chúng đe dọa, uy hiếp, trả thù” - bà L. kể lại.
Theo chúng tôi tìm hiểu, trước đây Dương Thị Kiên (42 tuổi, quê Hà Tây, quan hệ như vợ chồng với Hóa) đã từng đánh bà Tr. (50 tuổi, quê Quảng Ngãi, bán nước sâm trên đường Phan Thúc Duyện) gây thương tích và bị tòa tuyên án 9 tháng tù (cho hưởng án treo).
Theo nội dung bản án, khoảng 11 giờ 30 ngày 25.12.2002, bà Tr. đậu xe nước sâm đứng bán trước cổng Công viên Hoàng Văn Thụ thì Hóa đẩy xe nước dừa tới phía sau bà Tr. và đuổi bà đi chỗ khác bán, nhưng bà Tr. không chịu đi. Lập tức, Kiên cầm chai nước ngọt định đánh bà Tr. nhưng được mọi người can ngăn. Không chịu buông tha, Kiên xông vào nắm tóc kéo, đánh bà Tr. ngã xuống đường, rồi dùng tay đấm vào mặt bà Tr. gây thương tích nặng.
Sau đó, Hóa nhiều lần đến chỗ bán của bà Tr. gây hấn và đánh đập bà dã man. “Ngày 15.6.2004, Hóa đến kiếm chuyện với tôi, nói tôi vu oan cho vợ hắn nên tòa xét xử làm hắn mất 13 triệu đồng. Hóa nói: “Tao sẽ chém mày”. Vừa nói xong, Hóa xông vào bóp cổ tôi. Tôi chụp chiếc ghế chống trả lại thì Hóa chụp được chiếc ghế, dùng chân đá vào ngực tôi 3 cái liên tiếp. Lúc đó, tôi té xuống nằm gục xuống đất, ôm ngực nằm khóc mà không có ai đến can ngăn. Đánh tôi xong, Hóa quay sang đập bàn ghế, ly; lật xe nước sâm đổ ra đường” - bà Tr. nói trong nước mắt.
Đàm Huy
>> Công khai bảo kê trên đường phố
>> Công khai bảo kê trên đường phố - Kỳ 2: Khởi tố, bắt tạm giam kẻ thu tiền
Bình luận (0)