>> Sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân: Góp ý bị bỏ ngoài tai
>> Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nuôi con thì khỏi nuôi cha mẹ !?
>> Ngỡ ngàng thuế thu nhập cá nhân
>> Oằn vai thuế thu nhập cá nhân
>> Miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 trong 6 tháng
>> Đề nghị miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ nào để đề xuất?
Trước đề xuất khác biệt của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của QH về mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ phụ thuộc so với phương án trình của Chính phủ, câu hỏi đầu tiên các ủy viên TVQH đặt ra tại phiên thảo luận là cơ sở nào để đưa ra các mức đề xuất giảm trừ gia cảnh nói trên. “Căn cứ nào để đưa ra đề xuất 7 triệu và 2,8 triệu? Toàn bộ đề xuất này sẽ liên quan thế nào, tác động như thế nào trong mối tương quan thay đổi tiền lương tối thiểu sắp tới, sẽ có tính ổn định bao nhiêu năm, hay đi cà nhắc rồi đi tiếp?”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển.
|
Theo ông Hiển thì 6/8 thành viên của Thường trực Ủy ban đưa ra kiến nghị này căn cứ vào 2 yếu tố, đó là tiền lương tối thiểu và chỉ số CPI. Đây cũng là những căn cứ mà QH khóa XII đã dựa vào để xây dựng, ban hành luật Thuế TNCN hiện hành. Hơn nữa, theo ông Hiển, lần sửa luật này cũng đã bổ sung thêm quy định mới là trong trường hợp chỉ số giá biến động trên 20% tính từ thời điểm luật có hiệu lực, Chính phủ sẽ trình Ủy ban TVQH quyết định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. “Quy định này sẽ mang tính ổn định lâu dài hơn vì vừa nâng giảm trừ, vừa có thêm quy định điều chỉnh biến động”, ông Hiển nói, và nhấn mạnh thêm: Nếu nâng lên mức Chính phủ đề nghị thì bản chất thuế TNCN không còn.
Hai lý do khác của mức đề xuất này còn được ông Hiển nhấn mạnh, đó là lo ngại giảm thu ngân sách và phải đảm bảo tính trung lập của thuế, không làm cho luật thuế gánh quá nhiều yếu tố xã hội.
|
“Tôi đề nghị cân nhắc góc độ xã hội với luật thuế này, không phải chỉ là nghĩa vụ công dân, động viên vào ngân sách để tiếp tục chi cho nhiều mục cần phải chi hiện nay”, Chủ nhiệm Trương Thị Mai nêu quan điểm. Bà phân tích: Trong lúc chúng ta bắt đầu xây dựng luật Thuế TNCN từ 2007 đến nay, kinh tế liên tục gặp khó khăn, có năm lạm phát tới gần 20%, chỉ có năm nay lạm phát mới giảm xuống. CPI tăng cao như vậy, thu nhập thực tế người dân hoàn toàn giảm sút, lương hoàn toàn giảm sút trên thực tế, rõ ràng với lạm phát thế này thì lương tăng lên cũng không đủ sức bù đắp lạm phát những năm qua.
Vì vậy, theo bà Mai, “mức thuế đưa ra cần phải tính toán trên cơ sở toàn bộ nhu cầu thiết yếu của người dân, từ ăn, mặc, ở, đi lại trong bối cảnh giá cả, dịch vụ công sẽ còn tăng tiếp, viện phí tăng, học phí tăng…, chứ nếu chỉ ngồi tính thu nhập như thế anh phải nộp cho tôi từng ấy thuế thì không thể được, cần phải cân nhắc lại”. Hơn nữa, theo bà, luật Thuế TNCN sửa đổi phải phù hợp với truyền thống đạo lý văn hóa Việt Nam, như việc cha mẹ thường sống chung với con cái, con cái có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ.
“Nếu Chính phủ thấy trong tình hình hiện nay, nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu không ảnh hưởng nhiều đến việc khác thì tôi hoan nghênh. Nhiều việc chúng ta có thể làm được để bù đắp cho ngân sách, như việc tiết kiệm chi tiêu, phòng chống tham nhũng tốt hơn thì không chỉ tiết kiệm 13.500 tỉ đồng/năm mà còn lớn hơn nhiều”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng ủng hộ đề xuất của Chính phủ.
Phát biểu sau đó, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói thẳng: “Tôi ủng hộ Tờ trình của Chính phủ, không nhất trí với thẩm tra sơ bộ của Ủy ban TCNS”.
Ông Sơn đặt vấn đề: Vì sao sau 3 năm triển khai luật Thuế TNCN với nhiều bất cập như thế, giờ Chính phủ trình ra để giảm bớt mức đóng thuế cho người dân thu nhập ít thì sang Thường trực Ủy ban TCNS - các đồng chí cũng đại diện cho dân, cho người thu nhập ít nhưng lại không bảo vệ đề nghị của Chính phủ mà lại yêu cầu tăng số người thu nhập thấp lên để đóng thuế? “Bên Chính phủ bảo bây giờ thương dân như thế, mình đại diện cho dân mình có thương dân không? Tại sao không bảo người ta thêm lên nữa đi, 9 triệu rưỡi hay 10 triệu chẳng hạn?”, Phó chủ tịch QH cật vấn.
Khẳng định “chắc chắn đưa ra QH, QH sẽ ủng hộ Chính phủ”, ông Sơn nhấn mạnh quan điểm: Trách nhiệm đóng thuế của dân là đúng, để xây dựng đất nước, nhưng sử dụng thuế đó thế nào cho có hiệu quả mới là cái gốc chứ không phải cứ đóng thuế nhiều là yêu nước, là xây dựng đất nước đâu. Quan trọng là đóng thuế đó có đúng không và sử dụng thuế như thế nào để không lãng phí, không tham nhũng. Thậm chí, ông Sơn còn đề nghị ông Hiển đi hỏi người thân, bạn bè xem có ai ủng hộ quan điểm về mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh như đề xuất của Ủy ban TCNS và khẳng định "chắc chắn là không".
|
Ngỏ lời cảm ơn trước quan điểm mạnh mẽ của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, nhưng ông Hiển tiếp tục bảo lưu quan điểm khi báo cáo TVQH “đề xuất này là của Thường trực Ủy ban và của cá nhân tôi, đề nghị đó cũng vì nhân dân, còn về cá nhân tôi thì tôi chẳng muốn ai phải đóng thuế cả, nếu như đất nước mình giàu, nhưng đất nước chúng ta còn nhiều vấn đề phải lo, cho nên chúng ta phải bàn thế nào cho hợp lý”.
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra đề nghị TVQH “có quan điểm hết sức rõ ràng” đây là luật thuế thu nhập cao hay luật Thuế TNCN? “Nếu là thuế thu nhập cao thì sẽ thẩm tra theo hướng khác, nếu là thuế TNCN thì nên cân nhắc tính toán hết sức kỹ lưỡng. Nên bàn về quan điểm đã, khi đã rõ chỉ cần bắt tay vào thực hiện. Quan điểm của tôi là kiên trì thuế TNCN”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, các phát biểu của các ủy viên TVQH sau ông Hiển cũng đều nghiêng hẳn về phương án trình của Chính phủ, duy chỉ có Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng tình với đề xuất của Ủy ban TCNS về mức giảm trừ cho người phụ thuộc 2,8 triệu.
Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn tiếp tục "phản biện" khi Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển dứt lời và cho rằng, mỗi thành viên khi tham gia đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình, đồng ý hay không đồng ý trước đề xuất của các bên.
Nên giãn bước thuế
Hai lần tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đều nhấn mạnh đến việc cần thiết phải làm rõ ở mức nào thì gọi là thu nhập cao đối với người dân Việt Nam hiện nay và việc sửa đổi luật thuế lần này cần phải được xây dựng, tính toán trên cơ sở tính toán nhu cầu sống tối thiểu của người dân, từ ăn, mặc, ở, đi lại, cho đến khám chữa bệnh, học hành, thuê nhà, tích lũy mua nhà, giải trí tinh thần…
Ông gợi ý, tại sao không hạ bớt 7 bậc thuế xuống còn 5 bậc đồng thời giãn các bậc sau ra, ví như hiện nay chúng ta có bậc 5% - 10% - 15% - 20% - 25% - 30% - 35% thì có thể bỏ bậc 20% và 30%.
“Tôi áng áng thấy cỡ (9 triệu và 3,6 triệu - PV) Bộ Tài chính đưa ra cũng được, chưa phải là mức thu nhập cao, vậy tại sao không hạ bớt bậc xuống. Đoạn đầu có thể chặt một tí, nhưng đoạn sau giãn ra để thu của người thu nhập cao nhiều hơn, người thu nhập thấp hơn thì đề mức thuế suất dày hơn. Đúng ra phải có bậc 0% cho những người thu nhập thấp hơn”, Chủ tịch đặt vấn đề.
|
Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề xuất thêm: “Cần xem lại biểu thuế để người dân có thu nhập được đóng góp ở mức độ nào đó, dù ít dù nhiều theo thực tế thu nhập. Có thể có bước thuế 0%, có thể 1%, chứ không nhất thiết cứ 5% trở lên rồi các bước sau rất lớn”. Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng cho rằng nên có thuế suất 0% và nên giảm bớt bước thuế, từ 7 bước xuống 5 bước. “Mức 0% để người dân thu nhập ở ngưỡng này có trách nhiệm tinh thần trong việc đóng góp nghĩa vụ với nhà nước và cũng là biện pháp để quản lý tốt hơn thu nhập của người dân”, bà Mai lý giải.
Được mời làm rõ thêm nếu thực hiện giãn bước thuế sẽ ảnh hưởng thế nào tới thu ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay ban đầu cơ quan soạn thảo dự kiến nâng khởi điểm chịu thuế lên 6 triệu và giãn các bước thuế, tuy nhiên, sau khi tính toán thấy hụt thu ngân sách tương đương với phương án nâng khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu, giảm trừ phụ thuộc 3,6 triệu mà giải pháp nâng khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu có lợi hơn cho các đối tượng khó khăn nên mới thôi không đặt vấn đề giãn bước thuế lần này.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng vẫn khẳng định nếu tính theo cách của ông gợi ý ở trên, nghĩa là từ bậc 15% trở lên thì dồn lên chứ không dồn xuống, thì người thu nhập càng cao sẽ phải chịu thuế cao hơn chứ không ảnh hưởng đến đối tượng dưới, cũng không hụt thu ngân sách như lo ngại của ban soạn thảo.
“Chốt” lại phiên họp sôi động này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu hết sức nghiêm túc về những nội dung sửa đổi của luật Thuế TNCN, và việc “có ý kiến khác nhau là việc rất bình thường trong hoạt động của QH”.
Phó chủ tịch QH đề nghị trên cơ sở thảo luận hôm nay, cả ban soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra phải làm rõ cơ sở lập luận vững chắc để Ủy ban TVQH sắp tới thảo luận, “chốt” lại mức đề xuất với QH.
Theo nghị trình, dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNCN sẽ được QH cho ý kiến và thông qua ngay tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào trung tuần tháng 10 tới.
Ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN: Lo bò trắng răng Bộ Tài chính đề xuất tăng lên, Ủy ban TCNS ép xuống có phải là lo bò trắng răng không. Rõ ràng một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp thu ngân sách, tính toán kỹ lưỡng cân đối nguồn tăng thu và nguồn giảm thu, mà Ủy ban lại đứng ra thẩm tra rồi đề xuất hạ xuống. Vấn đề thuế, phí hiện nay đang rất rối loạn khi mà các cơ quan cao nhất đang ngày càng mâu thuẫn với nhau. Chính phủ cho rằng chính sách thuế, phí hiện nay không cao nhưng báo cáo của nhóm nghiên cứu do Ủy ban Kinh tế chủ trì lại khẳng định cao, không khuyến khích được đầu tư, phát triển. Tôi đồng tình với ý kiến của Chủ tịch QH rằng mức đề xuất 9 triệu đồng là không cao so với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay của người dân. Thuế thu nhập đánh trên diện rộng để đảm bảo sự bình đẳng người thu nhập cao - người thu nhập trung bình và thấp, nhưng rõ ràng mức lương, tiền công… của đại bộ phận người lao động hiện nay chỉ đủ sống, đủ ăn, đâu có dư dả như nước ngoài mà ai ai cũng đủ sức nộp thuế. Người làm chính sách phải có cái tâm, cái đức, phải có nhãn quan và thực tiễn. Lần này họp QH tôi sẽ nói hết ý kiến, tâm tư của mình chứ cứ để như thế này thì đời sống người dân bao giờ mới hết khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính: Sao cứ phải chăm chăm đánh thuế cao để tận thu Mức 9 triệu đồng giảm trừ cho bản thân người nộp thuế không có gì là cao, hoàn toàn phù hợp trong điều kiện đại bộ phận người dân còn khó khăn, doanh nghiệp phá sản. Tôi có một câu hỏi gửi tới những người làm chính sách, tại sao lúc nào cũng chăm chăm đánh thuế cao để tăng nguồn thu một cách nhàn nhã, thay vì phải cố gắng khai thác, quản lý tốt và chặt chẽ các nguồn thu nhập để tăng nguồn thu một cách chính đáng. Luật thuế hiện nay cứ “đánh vào người làm công ăn lương, trong khi những nguồn thu nhập khác của nhiều đối tượng không xác minh được thì không phải nộp, liệu có công bằng không? Đối với thuế thu nhập cá nhân, dựa vào căn cứ rằng nguồn thu sẽ giảm khi tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu là đúng, nhưng bảo thất thu, lo ngại thì không đúng vì nguồn giảm thu không đáng kể. Nếu chúng ta thấy rằng những thất thoát, lãng phí từ tham ô, tham nhũng từ đầu tư dàn trải, kém hiệu quả hàng chục nghìn tỉ đồng thì con số vài nghìn tỉ đồng giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động có đáng không? Chắc năm nào bội chi cũng lớn, nên phải tăng thuế, tăng phí để thu cho đủ - một chính sách tài khóa như vậy liệu có bền vững và hợp lòng dân? Đó là chưa kể, có rất nhiều nguồn thu khác mà nhà nước chưa tính tới, lại cứ đi đặt gánh nặng lên vai người dân. Anh Vũ (ghi) |
Bảo Cầm
Bình luận (0)