Trung Quốc tiếp tục đầu tư tàu chiến

13/09/2012 04:05 GMT+7

Trung Quốc không ngừng loan báo các kế hoạch chế tạo tàu chiến “khủng” nhưng kỹ thuật của hải quân nước này vẫn bị cho là còn nhiều hạn chế.

Giới truyền thông Trung Quốc vừa đưa tin chiếc tàu khu trục thứ 6 thuộc lớp 052C (còn gọi là lớp Lữ Dương II hoặc lớp Lan Châu) đã được hạ thủy. Đồng thời, xưởng tàu Thượng Hải, nơi đóng tàu lớp 052C, đang chế tạo với tốc độ trung bình 2 chiếc mỗi năm. Ngoài ra, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 5.9 tiết lộ về một loại tàu khu trục mới đang được đóng tại cơ sở trên. Theo đó, dường như đây là chiếc tàu thuộc lớp 052D, thế hệ tiếp theo của 052C. Cũng theo báo trên, Bắc Kinh đang trong giai đoạn tiếp theo của việc đẩy nhanh tốc độ bổ sung tàu chiến.

Tờ The Japan Times dẫn lời các chuyên gia Nhật Bản và Mỹ mô tả tàu 052D là khu trục hạm tàng hình có độ choán nước gần 7.000 tấn, được trang bị 64 hộp phóng thẳng đứng bắn được hầu hết các loại tên lửa. Ngoài ra, nó còn có 1 khẩu pháo 130 li cùng 1 khẩu 30 li và 6 ống phóng ngư lôi. Một số diễn đàn quân sự của Trung Quốc còn tự tin giới thiệu khu trục hạm 052D thừa sức “ăn thua đủ” với các tàu chiến trang bị hệ thống Aegis mà Mỹ và một số nước khác đang sở hữu. Vì thế, Giáo sư Toshi Yoshihara và Giáo sư James Holmes thuộc Học viện Hải quân Mỹ cảnh báo khu trục hạm lớp 052D là mối đe dọa thực sự đối với các cuộc xung đột tại vùng biển châu Á. Tương tự, Đài Bắc lo ngại Bắc Kinh có thể triển khai loại tàu này đến eo biển Đài Loan nếu hai bên xảy ra xung đột. Giới phân tích Đài Loan dự đoán Trung Quốc sẽ đóng mới ít nhất 10 chiếc 052D để bổ sung vào 6 chiếc 052C hiện tại, tạo nên lực lượng gồm 16 tàu chiến hiện đại ngang ngửa chiến hạm trang bị Aegis. 

 
Tàu khu trục Hải Khẩu 171 lớp Lữ Dương II - Ảnh: Flickriver

Nhiều nghi ngờ

Tuy nhiên, những thông tin hoa mỹ nhất về lớp tàu khu trục trên được truyền đi giữa lúc giới chuyên gia quốc tế liên tục hoài nghi về năng lực công nghệ thực sự của tàu chiến Trung Quốc. Với tàu chiến hiện đại, hệ thống điện tử liên lạc, định vị và vận hành tổ chức mới là quan trọng nhất, vì những hệ thống này quyết định tính chính xác, khả năng phản ứng và đồng bộ hóa mạng lưới tác chiến. Thế nhưng, đây lại là điểm yếu của công nghệ hải quân Trung Quốc. Nếu như Bắc Kinh vẫn thường quảng bá đầy tự tin về các khí tài hiện đại thì lại chẳng mấy lúc hé lời giới thiệu năng lực hệ thống công nghệ điện tử liên quan.

Theo tổ chức nghiên cứu The Jamestown Foundation (TJF) ở Mỹ, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạng lưới Máy tính liên lạc điều khiển chỉ huy và do thám giám sát tình báo (gọi tắt là C4ISR). Mạng lưới này giúp nhận diện thông tin đối tượng mục tiêu để liên lạc kết nối các phương tiện khác nhau rồi ra quyết định tấn công. C4ISR còn là mạng lưới tổ chức tác chiến phối hợp hệ thống radar của tàu chiến, máy bay, các trạm mặt đất… Trong đó, hệ thống vệ tinh đóng vai trò là một trong các yếu tố cơ bản kết nối các đối tượng quan trọng đối với C4ISR.

Thế nhưng, Bắc Kinh chưa có được một hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu thực sự. Hiện tại, Trung Quốc đang có 2 hệ thống vệ tinh định vị là Bắc Đẩu 1 và Bắc Đẩu 2. Trong đó, Bắc Đẩu 1 được thiết kế giới hạn trong một khu vực, còn Bắc Đẩu 2 có độ bao phủ toàn cầu nhưng hiện chưa hoàn thiện. Theo TJF, Bắc Kinh còn phải chờ nhiều năm nữa mới sở hữu một mạng lưới C4ISR hiện đại, hiệu quả cao.

Ngoài ra, trang Strategypage.com vừa dẫn đánh giá của Cục Tình báo hải quân Mỹ cho rằng hải quân Trung Quốc chưa cọ xát nhiều, kỹ năng tổ chức tác chiến cũng chưa được trui rèn. Vì thế, năng lực hải chiến thực sự của Bắc Kinh vẫn là điều đáng bàn.

Báo Trung Quốc lấy sức mạnh hạt nhân dọa Nhật

Tờ Hoàn Cầu thời báo lần đầu tiên lấy sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc để đe nẹt Nhật Bản trong tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dưới đầu đề Hãy bỏ ảo tưởng quan hệ hữu hảo với Nhật, bài xã luận đăng hôm qua tuyên bố quan hệ song phương “gánh chịu một đòn nghiêm trọng” khi chính phủ Nhật ký hợp đồng mua 3 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp.

Tờ báo tiếp tục lên giọng: “Nhật phụ thuộc thị trường Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc phụ thuộc thị trường Nhật. Một cuộc đối đầu về chính trị sẽ gây tổn hại kinh tế không đáng kể cho Trung Quốc. Trong khi đó, với khả năng ngăn chặn hạt nhân của Trung Quốc, Nhật ít có khả năng thực hiện tấn công quân sự”. Cuối cùng, với giọng điệu hung hăng quen thuộc, Hoàn Cầu thời báo kết luận Trung Quốc “cần dạy cho Nhật một bài học”.

Trong khi đó, có tin Nhật sẽ huy động lực lượng cảnh sát biển đón lõng nếu tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Ngoại giao Nhật cho biết lực lượng cảnh sát biển sẽ được huy động “khi 2 tàu hải giám Trung Quốc đến hoặc ít nhất là tiến tới gần hơn” nhóm đảo. Trước đó, theo Tân Hoa xã, 2 tàu Trung Quốc đã “đến vùng biển xung quanh” quần đảo này sáng 11.9 nhằm “khẳng định chủ quyền”. Đến nay, chưa có thêm thông tin về 2 tàu này.

Trùng Quang

Thụy Miên

>> Phi hành gia châu Âu sẽ bay bằng tàu Trung Quốc
>> Tàu Trung Quốc thăm dò biển Nigeria
>> 23.000 tàu Trung Quốc tràn vào biển Đông
>> Tàu Trung Quốc đến gần đảo tranh chấp với Nhật
>> Đề nghị không cấp phép cho tàu Trung Quốc đi lại tự do thu mua hải sản
>> Philippines tố tàu Trung Quốc trở lại Scarborough
>> Bác bỏ thông tin tàu Trung Quốc “chặn đuổi” tàu Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.