Chưa thống nhất tần suất lấy phiếu tín nhiệm

14/09/2012 12:15 GMT+7

(TNO) Vẫn chưa có quan điểm đồng nhất trong TVQH về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm hay chỉ nên hai năm một lần đối với những người giữ chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

>> Quốc hội sẽ quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 10
>> Đề nghị bỏ quy định 20% ĐBQH yêu cầu mới bỏ phiếu tín nhiệm
>> Kỳ họp thứ 3 Quốc hội: Sẽ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo nhà nước, chính phủ
>> Giữ quy định về bỏ phiếu tín nhiệm như hiện hành

Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình tại phiên họp của Ủy ban TVQH sáng nay 14.9.

Theo ông Phan Trung Lý, với những đối tượng dự kiến đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, căn cứ vào yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết T.Ư 4, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đề xuất 2 phương án:

Phương án 1 là người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm bao gồm những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với tổng số lượng 49 người.

Ở phạm vi HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, số lượng lấy phiếu tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã.

Ông Lý nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm các đối tượng trên sẽ bảo đảm tính khả thi, không dàn trải, tránh hình thức. Hạn chế của phương án là chưa bao quát hết những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Phương án 2 được nêu trong Đề án là người được lấy phiếu tín nhiệm gồm toàn bộ những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số lên tới 430 người.

Tương tự, việc lấy phiếu đối với những người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở HĐND cấp tỉnh là khoảng 50 - 65 người, ở HĐND cấp huyện khoảng 20 - 30 người, ở HĐND cấp xã là khoảng 5 - 7 người.

Ông Lý cho hay ưu điểm của phương án này là thể hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của QH, HĐND, với tư cách là các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, thay mặt cử tri xem xét, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, phương án này có một số hạn chế đáng kể, cụ thể là số lượng người cần được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm rất lớn, khó xác định tiêu chí để đánh giá, thể hiện tín nhiệm đối với một số chức danh nhất là những chức danh hoạt động theo chế độ tập thể, khó xác định trách nhiệm cá nhân.

“Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm theo phương án này sẽ khó tránh khỏi hình thức, hiệu quả không cao”, ông Lý nhấn mạnh.

Bên cạnh các phương án nêu trên, có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là thành viên Chính phủ, thành viên UBND.

Ý kiến khác đề nghị QH lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn như phương án 1; HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo phương án 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết đa số ý kiến trong Ban chỉ đạo và ý kiến của các cơ quan được tham khảo ý kiến tán thành phương án 1 của Đề án.

Nếu theo phương án này, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ do QH và HĐND tiến hành tại phiên họp toàn thể của các cơ quan này.

“Hai năm lấy phiếu một lần đã khiếp” 

Qua thảo luận, nhiều ủy viên TVQH tán thành phương án 1 về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời, đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm ở phạm vi QH đối với các chức danh từ Chủ nhiệm Ủy ban, Hội đồng dân tộc, các thành viên Chính phủ trở lên.

Với các Phó chủ nhiệm các Ủy ban, Hội đồng dân tộc, ủy viên thường trực của các Ủy ban của QH thì sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong phạm vi Ủy ban, sau đó báo cáo QH.

Về tần suất lấy phiếu tín nhiệm, bên cạnh một số ý kiến tán thành lấy phiếu định kỳ hằng năm, một số ủy viên TVQH bày tỏ lo ngại nếu lấy phiếu định kỳ hằng năm như vậy sẽ gây nên tâm lý xáo trộn cho những đối tượng thuộc diện lấy phiếu và ít nhiều tác động đến tính kiên định, quyết đoán trong điều hành của những người trong diện lấy phiếu.

“Năm nào cũng lấy, sẽ xảy ra mặt trái là bản thân người được lấy phiếu nhiều có khi tính quyết đoán, kiên định của người ta bị giảm sút. Chúng ta phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng nên 2 năm một lần thế là đã khiếp rồi, chứ không nên năm nào cũng làm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Về mức độ tín nhiệm, cũng tương tự các thành viên khác trong ủy ban TVQH, ông Hiển cho rằng chỉ nên để ở 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm, chứ không nên để 3 mức như Ban chỉ đạo Đề án dự kiến là tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp.

“Cái quan trọng nhất là sau khi lấy tín nhiệm sẽ thế nào. Ông đạt tín nhiệm thì không sao, ông không được tín nhiệm thì sẽ thế nào? Nếu vẫn tiếp tục nhiệm vụ thì phải báo cáo QH xin hứa, sửa chữa. Hoặc nếu thấy không đảm bảo được nhiệm vụ thì nên có văn hóa từ chức”, ông Hiển nói thêm.

Sau phiên họp này, Ban chỉ đạo Đề án sẽ tiếp thu hoàn chỉnh Đề án một bước và trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó chỉnh lý và trình QH thảo luận.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.