Đoàn có các chuyên gia khảo cổ học dưới nước, gồm TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia; TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật; thạc sĩ Nông Quốc Thành, Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL).
|
Theo TS Quân, trong số 5 con tàu cổ chìm tại vùng biển các tỉnh Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Thuận, Kiên Giang mà ông và các đồng nghiệp đã tham gia khai quật cổ vật thì địa điểm con tàu cổ chìm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển rất gần bờ, độ sâu chỉ khoảng 4 m là điều kiện rất thuận lợi cho việc khảo sát, khai quật. Do vậy, việc khai quật lần này sẽ do các chuyên gia khảo cổ và thiết bị khai quật trong nước thực hiện, không cần mời đến chuyên gia nước ngoài.
Cũng theo TS Quân, quá trình khai quật phải hết sức tỉ mỉ, căn từng ô để tránh hiện vật bị xáo trộn và bể, thậm chí thông qua những hiện vật dù rất nhỏ nhưng cũng có thể xác định được niên đại tuyệt đối. Sau khi quan sát những mảnh gốm sứ cổ bị bể mà ngư dân bỏ lại, TS Chiến nhận định: “Đây là gốm sứ có niên đại từ thời nhà Minh (Trung Quốc) vào cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15”.
Ông Cao Văn Chư - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, cho biết Bộ VH-TT-DL đã có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc khai quật khẩn cấp. Theo phương án, diện tích khai quật là 400 m2, thời gian khai quật trong vòng 3 tháng, bao gồm cả thăm dò và khai quật, sau đó sẽ tiến hành phân loại, chỉnh lý, phân tích carbon phóng xạ (C14) hiện vật để xác định niên đại tuyệt đối.
Hiện có 3 doanh nghiệp, gồm Công ty cứu nạn, cứu hộ Đại Minh, Đoàn Ánh Dương (TP.HCM) và Kim Thành Lưu (Quảng Ngãi) có văn bản đề nghị hợp tác khảo sát, khai quật cổ vật nằm trong con tàu chìm tại vùng biển Vũng Tàu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu).
Theo bà Lê Thị Chung, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, trong lịch sử vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, chính là nơi “neo đậu”, là con đường gốm sứ trên biển mà tàu của các nhà buôn phương Đông và phương Tây giao thương. Tuy nhiên, do không may gặp bão tố hoặc va vào đá ngầm khiến các tàu buôn bị chìm. Chính vì thế, trong lòng biển ở khu vực này được xem như kho cổ vật vô cùng quý giá. Con tàu cổ chìm bên trong có rất nhiều gốm sứ mà ngư dân Bình Châu phát hiện hôm 8.9 vừa qua, là con tàu cổ thứ 4 đã được tìm thấy từ trước đến nay tại vùng biển này. |
Hiển Cừ
>> Khẩn cấp khai quật cổ vật dưới biển
>> Bình Châu “nóng” lên vì cổ vật
>> Đổ xô ra biển lặn tìm cổ vật
>> Hàng trăm ngư dân đổ xô ra biển tìm cổ vật
>> Cổ vật cháy theo cổ tự Hội Sơn
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 5: Tượng Vishnu cưỡi chim thần Garuda
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 4: Tượng thần đầu voi Ganesha
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 3: 5 thanh kiếm độc đáo của Malaysia
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 2: Tượng Phật Lào
Bình luận (0)