|
Theo tờ trình của Chính phủ, luật Hộ tịch có một số quy định đáng chú ý như quy định số định danh công dân (dự kiến mỗi công dân sẽ được cấp một mã số riêng tích hợp các loại thông tin về nhân thân công dân đó); mỗi công dân sẽ được cấp một sổ bộ hộ tịch do chính quyền địa phương nơi công dân sinh ra quản lý và sổ hộ tịch cá nhân cấp cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh, trong đó ghi nhận các sự kiện hộ tịch của cá nhân.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật tán thành việc cấp số định danh cho công dân vì “kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã thực hiện việc cấp mã số cho công dân để quản lý cho thấy rất có hiệu quả”, song lưu ý cần phải làm rõ nội hàm của định danh công dân thế nào, bao gồm những nội dung gì để tiến tới mỗi người dân chỉ có một mã số quản lý duy nhất tích hợp tất cả dữ liệu cá nhân trong đó, “nếu không thì chỉ thêm tốn kém và gây thêm phiền hà cho người dân”.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra không đồng tình với Chính phủ về quy định chỉ thực hiện cấp số định danh cho công dân ra đời sau khi luật Hộ tịch có hiệu lực, còn 87 triệu dân hiện tại không được cấp số định danh và vẫn được quản lý theo cơ chế cũ, vì như thế càng khó khăn hơn cho công tác quản lý. Việc có thêm sổ hộ tịch trong khi đã quy định sổ bộ hộ tịch, theo cơ quan thẩm tra, cũng là quy định không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.
|
Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến cơ bản tán thành với cơ quan thẩm tra về việc giản lược tối đa các thủ tục có thể dẫn tới phiền hà cho người dân. “Mỗi người dân chỉ nên làm một sổ thôi, tất cả thông tin tích hợp vào đó, không thể xong cái sổ này lại sang cái sổ khác. Như vậy thì người dân sẽ phải tiếp tục chịu đựng còn bộ máy quản lý của chúng ta cứ thế phình lên”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm.
Cho rằng mỗi công dân hiện nay đang phải “gánh” hơn 10 loại thẻ, từ chứng minh nhân dân, hộ khẩu..., rất phiền hà, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị khi trình ra QH, cần làm rõ sau khi luật này có hiệu lực sẽ giảm được bao nhiêu loại sổ, loại thẻ so với hiện hành. Ngoài ra, theo ông Dũng, cần phải xác định rõ lộ trình để hoàn tất việc cấp số định danh cho tất cả công dân Việt Nam chứ không riêng gì công dân sinh ra từ ngày luật có hiệu lực, để đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng tình với quy định cấp số định danh công dân, nhưng lưu ý số định danh đó phải tích hợp tất cả hệ thống dữ liệu về nhân thân của công dân đó, hồ sơ gốc lưu tại nơi công dân đăng ký thường trú, còn lại thì các giao dịch của công dân thông qua thẻ điện tử hoặc một tờ giấy thôi “chứ không phải lúc nào công dân cũng phải mang theo một tập để chứng minh cuộc đời của mình”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi thì lưu ý việc cấp số định danh cho công dân chỉ khả thi khi ứng dụng được công nghệ thông tin để cập nhật cơ sở dữ liệu cá nhân một cách đầy đủ và quản lý qua mạng.
Để chỉnh sửa dự luật Hộ tịch theo hướng này, TVQH đề nghị ban soạn thảo chuẩn bị kỹ lại dự luật, trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thay vì kỳ họp thứ 4 như dự kiến. Nếu được QH thông qua, sớm nhất cũng phải đến năm 2014 luật Hộ tịch mới có hiệu lực.
Bảo Cầm
>> Ngồi nhà đăng ký hộ tịch
>> Từ 1/6 áp dụng biểu mẫu hộ tịch mới
>> Quy định mới về đăng ký hộ tịch
Bình luận (0)