30 nước rầm rộ tập trận ở vùng Vịnh

19/09/2012 04:00 GMT+7

Mỹ và 29 nước tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn tại vùng Vịnh giữa lúc vấn đề hạt nhân Iran vẫn đang căng thẳng.

Cuộc tập trận này do Mỹ dẫn đầu mang tên Diễn tập quốc tế các biện pháp đối phó thủy lôi (IMCMEX) diễn ra từ ngày 16 - 27.9.  Bloomberg dẫn thông báo từ lực lượng hải quân Mỹ cho biết tham gia cuộc tập trận do Mỹ chỉ huy này có các nước như Anh, Pháp, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, UAE, Jordan, Yemen, New Zealand, Estonia...

Lực lượng áp đảo

Theo báo The Telegraph, đây là cuộc tập trận chống thủy lôi, rà phá mìn lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Đông. Các nước tham gia sẽ diễn tập một số chiến thuật liên quan đến việc phá những nỗ lực phong tỏa eo biển Hormuz, vốn đóng vai trò chiến lược đối với nguồn cung cấp dầu mỏ thế giới. Mục tiêu của sự kiện lần này là “nhằm bảo vệ tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế tại Trung Đông (vịnh Ba Tư, vịnh Oman và vịnh Aden) và thúc đẩy ổn định trong khu vực”.

Vì thế, giới chuyên gia nhận định cuộc tập trận IMCMEX là lời cảnh báo cho Iran. Đồng thời, đây còn là cách mà Mỹ trấn an Israel cùng các đồng minh ở vùng Vịnh rằng Washington luôn có sẵn những giải pháp quân sự và quyết tâm ngăn chặn cái gọi là mối đe dọa từ Tehran.

Lực lượng đa quốc gia ở vùng Vịnh bao gồm 3 hạm đội tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Mỗi hạm đội mang theo số chiến đấu cơ hiện đại nhiều hơn lực lượng mà không quân Iran sở hữu. Các tàu sân bay được hỗ trợ bởi hơn 12 chiến hạm hiện đại, gồm các tuần dương hạm mang tên lửa đạn đạo, tàu khu trục, tàu đổ bộ tấn công chở theo hàng ngàn lính thủy đánh bộ và đặc nhiệm Mỹ. Hải quân Hoàng gia Anh góp mặt bằng 4 tàu rà phá thủy lôi, tàu hậu cần Royal Fleet Auxiliary Cardigan Bay. London còn điều động cả tàu khu trục HMS Diamond thuộc lớp 45, trị giá gần 2 tỉ USD, là một trong những chiến hạm hiện đại nhất của Anh hiện nay. Theo Đài NHK, Nhật Bản cũng góp mặt với 2 tàu rà phá thủy lôi Uraga và Hachijo.

Không chỉ tập luyện vô hiệu hóa thủy lôi, cuộc tập trận còn hướng đến việc mô phỏng phá hủy những chiến đấu cơ, tàu chiến, lực lượng tên lửa được Iran đồn trú ở khu vực ven bờ.

Tehran ứng phó

Rõ ràng, cuộc tập trận trên nhằm vào Iran khi Tehran từng nhiều lần đe dọa sẵn sàng phong tỏa eo biển Hormuz. Giữa lúc IMCMEX rầm rộ diễn ra, kênh Press TV ngày 18.9 dẫn lời chuẩn tướng Mohsen Kazemeini, quan chức cấp cao của Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), tuyên bố lực lượng này sắp tổ chức tập trận phòng thủ ở Tehran. Dự kiến cuộc tập sẽ diễn ra từ ngày 11 - 12.10. Lâu nay, IRGC luôn được đánh giá là lực lượng then chốt của quân đội Iran.

Ngoài ra, vào tháng tới, Iran dự kiến tổ chức tập trận rầm rộ nhằm chứng minh khả năng sẵn sàng bảo vệ các cơ sở hạt nhân nước này nếu bị không kích, theo The Telegraph. Đây sẽ là cuộc diễn tập phòng không lớn nhất trong lịch sử Iran. Đồng thời, Tehran còn xem cuộc tập trận của mình là phản ứng mạnh mẽ nhất đối với nguy cơ không kích từ Israel. Bằng cách sử dụng tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và radar tối tân, IRGC cùng Không quân Iran sẽ kết hợp thử nghiệm các hệ thống phòng thủ của 3.600 địa điểm “nhạy cảm” trên cả nước. Mới đây, hồi tháng 7, Iran đã tổ chức cuộc tập trận tên lửa rầm rộ mang tên Nhà tiên tri số 7.

Telegraph dẫn các nguồn tin quốc phòng nhận định dù công nghệ quân sự của Iran không tinh vi nhưng nước này vẫn đủ sức đáp trả mạnh mẽ nhằm vào phương Tây. Nước này có thể sử dụng tàu ngầm mi ni, tàu tấn công nhanh, thủy lôi và các khẩu đội tên lửa chống hạm của Mỹ, Anh. Ngoài ra, theo ước tính của sử gia quân sự Mỹ David Crist, Iran hiện có 5.000 quả thủy lôi, nhiều gấp 5 lần so với thời điểm nước này xung đột với Iraq vào thập niên 1980.

Trong một diễn biến liên quan, tờ The Telegraph dẫn nguồn từ nhiều giới chức Washington tin rằng Israel tháng 11, ngay trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, sẽ tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một thất bại đau đớn cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Khi đó, chiến tranh lan rộng, Iran có lẽ chẳng ngại tấn công trả đũa nhằm vào những cơ sở của Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Trùng Quang

>> Nga hoãn giao tàu sân bay cho Ấn Độ
>> Tàu sân bay Trung Quốc sẽ được đặt tên Liêu Ninh
>> Trung Quốc sắp biên chế chính thức tàu sân bay?
>> Tàu sân bay Trung Quốc bị nghi vấn trang bị vũ khí "khủng
>> Nga sẽ đóng tàu sân bay mới sau năm 2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.