Theo các nhà khoa học Nga, mỏ kim cương này có thể đủ cung cấp cho thị trường thế giới trong 3.000 năm.
Kim cương được tạo ra sau khi một thiên thạch đâm xuống Trái Đất cách đây 35 triệu năm, tạo thành một miệng hố rộng 99 km có tên Popigai.
Sự hiện hữu của mỏ kim cương đã được biết đến từ thời Liên Xô song đây là lần đầu tiên toàn bộ quy mô của mỏ được tiết lộ.
Các chuyên gia cho biết loại kim cương “cứng gấp hai lần bình thường” có thể được sử dụng cho mục đích công nghiệp và khoa học nhưng không thể dùng làm trang sức.
Liên Xô cũng sản xuất lượng lớn kim cương nhân tạo dùng trong công nghiệp và đã đầu tư lớn vào ngành này.
Bức màn bí mật được vén lên vào cuối tuần trước khi Moscow cho phép các nhà khoa học từ Viện Địa chất và Khoáng vật Novosibirsk ở gần đó đề cập đến mỏ kim cương với các nhà báo Nga.
Giám đốc Viện Địa chất và Khoáng vật Novosibirsk Nikolai Pokhilenko nói với hãng Itar-Tass rằng, mỏ kim cương mới có thể làm "đảo lộn" thị trường kim cương toàn cầu.
“Nguồn kim cương siêu cứng tại các khối đá ở Popigai nhiều gấp 10 lần trữ lượng kim cương được biết đến của thế giới. Chúng ta đang nói đến hàng nghìn tỉ carat. Để so sánh, trữ lượng được biết đến ở CH Sakha (thuộc Nga) chỉ nằm ở mức 1 tỉ carat”, ông Pokhilenko nói.
Một nhóm nghiên cứu sẽ được cử đến mỏ kim cương để tìm hiểu thêm.
Tuy nhiên, tờ Telegraph ngày 18.9 dẫn lời các chuyên gia cho biết, mỏ kim cương sẽ không tác động đến thị trường đá quý bởi nó chỉ là kim cương dùng cho công nghiệp. Hơn nữa, vẫn còn nhiều câu hỏi về tính kinh tế của việc khai thác mỏ kim cương này sau khi trừ đi chi phí khai thác.
Sơn Duân
>> Ly kỳ vụ nuốt kim cương ở Sri Lanka
>> Kim cương máu
>> Nuốt kim cương, một người Trung Quốc bị bắt
>> Ô sin trộm nhẫn kim cương cho người tình mua xe máy
Bình luận (0)