Hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

21/09/2012 03:35 GMT+7

Còn nhiều băn khoăn trước thông tư sửa đổi, bổ sung việc công nhận, bổ nhiệm, hủy bỏ, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 10 năm nay.

 Hiệu trưởngcó quyền bổ nhiệm GS

Điểm nổi bật nhất trong thông tư sửa đổi là hiệu trưởng các trường ĐH căn cứ nhu cầu, xét đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của hội đồng khoa học đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH để ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các nhà giáo có đủ điều kiện. Theo quy định trước đây, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ra quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên.

 Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (phải) trao quyết định phong GS, PGS. Theo quy định mới, hiệu  trưởng các trường ĐH có quyền quyết định  bổ nhiệm các học hàm này - Ảnh: TTXVN

Hiệu trưởng một trường ĐH công lập cho rằng thông tư này ra đời với ý định hướng chuyện bổ nhiệm chức danh GS, PGS gần với thế giới. Nó giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng từ trước đến nay như số lượng GS, PGS được tiến phong nhiều nhưng chưa đến 1/3 làm việc trong các trường ĐH. Hơn nữa, các trường cũng thiếu tự chủ trong chuyện xây dựng đội ngũ này để phục vụ quá trình nghiên cứu và giảng dạy.

 

Ở các nước các trường tự bổ nhiệm GS, PGS nhưng người ta có một nền khoa học nghiêm chỉnh và các cơ chế kiểm soát của cộng đồng nên khó có chuyện bổ nhiệm bậy bạ. Còn ở Việt Nam thì phải nghĩ ngay đến cơ chế kiểm soát này

 

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập

Là một người am hiểu về lĩnh vực này, trên website của mình, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), chia sẻ: “Quy định này là phù hợp với quy định bổ nhiệm của nhiều trường ĐH trên thế giới và cũng là cơ hội để cải cách quy trình bổ nhiệm tốt hơn”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho biết: “Nếu quan niệm GS, PGS là học hàm thì Hội đồng nhà nước ký như trước đây. Nhưng nếu quan niệm là chức danh thì phải gắn với cơ sở đào tạo và để thủ trưởng đơn vị đào tạo ký”.

Lo lạm phát số lượng, giảm thiểu chất lượng

Đi theo xu hướng của thế giới là điều cần thiết và ắt phải có. Tuy nhiên, tình hình xã hội, môi trường giáo dục, học thuật ở Việt Nam rất khác nên không phải cứ áp dụng nguyên xi những gì thế giới làm đều sẽ thành công. 

Chính vì vậy, dẫu có vui trước sự cởi mở quy định mới nhưng vẫn có nhiều băn khoăn, âu lo. Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), ý tưởng đổi mới việc xét GS, PGS là tốt nhưng không nên áp dụng quá vội vã. Cần phải xem xét những khả năng: lạm phát, bất ổn, lạm quyền có thể xảy ra trong quy trình bổ nhiệm. Nghĩa là phải có một cơ chế kiểm soát tốt rồi mới giao quyền. “Ở các nước, các trường tự bổ nhiệm GS, PGS nhưng người ta có một nền khoa học nghiêm chỉnh và các cơ chế kiểm soát của cộng đồng nên khó có chuyện bổ nhiệm bậy bạ. Còn ở Việt Nam thì phải nghĩ ngay đến cơ chế kiểm soát này. Nếu không, lúc ấy có lẽ sẽ lạm phát GS, PGS cũng như bây giờ hình như bắt đầu lạm phát tiến sĩ ở một số ngành”, bà Phương Anh ái ngại.

Hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn cho biết theo thông tin ông nắm được, các hội đồng ngành đang họp để có thể tìm ra hướng áp dụng chặt chẽ hơn. Vì khi áp dụng thông tư này, sẽ nảy sinh một số vấn đề cần phải giải quyết. Chẳng hạn một GS, PGS từ trường A nay chuyển sang trường B thì trường này có chấp nhận học hàm GS, PGS hay không?

Trong bài viết Bổ nhiệm GS và cơ hội cải cách, GS Nguyễn Văn Tuấn cũng đặt vấn đề nhu cầu GS của các ĐH Việt Nam hiện rất cao, với quy trình bổ nhiệm mới, có thể tiên đoán rằng số GS, PGS sẽ tăng nhanh trong tương lai. Thêm nữa, cũng do nhu cầu nên có thể các trường có những tiêu chuẩn khác nhau, trường dễ dãi, trường nghiêm ngặt trong việc phong GS, PGS. Do đó, quy định mới có thể tạo nên nhiều “đẳng cấp” GS mới.

Vì những lo lắng này, ý kiến của lãnh đạo nhiều trường cho rằng nên đi dần từng bước, khi nào có phân tầng ĐH đã rồi áp dụng.

Bên cạnh đó, theo quy định mới, nhiều ý kiến thắc mắc trong trường hợp hiệu trưởng trường ĐH chỉ mới là tiến sĩ thì liệu có tréo ngoe khi bổ nhiệm GS, PGS cho người khác? Điều này không hiếm vì theo thống kê ngẫu nhiên của Thanh Niên, trên địa bàn TP.HCM 5/11 trường ĐH công lập, 5/8 trường ĐH ngoài công lập hiệu trưởng chỉ là tiến sĩ. Theo GS Phạm Phụ, việc này liên quan đến chuyện quản lý nên tiến sĩ bổ nhiệm GS cũng không có vấn đề gì lớn. PGS-TS Vũ Hải Quân, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng: “Nếu nhìn PGS, GS là một ngạch theo luật Công chức (như giảng viên, trợ giảng…) thì hiệu trưởng có quyền bổ nhiệm”.

Dễ nảy sinh tiêu cực?

Ngoài những băn khoăn trên, với quy định mới, nhiều người cũng lo ngại nảy sinh tiêu cực.

GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nêu ví dụ: Nếu cần một trưởng khoa, trưởng bộ môn là GS, PGS thì hiệu trưởng sẵn sàng quyết định bổ nhiệm. Thế nhưng có những người dù đầy đủ tiêu chuẩn nhưng vì chưa “cơ cấu” nên có thể không được bổ nhiệm.

Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tuy ít xảy ra nhưng cũng có tình trạng hiệu trưởng không bổ nhiệm những người có quan hệ không tốt với mình. Vì thế ông Thuyết đề nghị về lâu dài nên tiến đến mỗi cơ sở đào tạo quy định bao nhiêu GS, PGS cho mỗi bộ môn. Nếu đã đủ người rồi, những người khác muốn bổ nhiệm phải qua trường khác. Điều này có yếu tố tích cực là nhân sự chất lượng cao sẽ luân chuyển qua những trường, vùng đang thiếu.

Vẫn đòi hỏi yêu cầu thành thạo ngoại ngữ              

Thông tư mới bỏ khoản 1 điều 9 trong thông tư cũ. Thông tư năm 2009 nêu: “Ứng viên được xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS phải thành thạo một trong 5 ngoại ngữ: Anh, Đức, Nga, Pháp, Trung. Ứng viên được xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS phải thành thạo một ngoại ngữ bất kỳ. Ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh”. Việc  bỏ điều này trong thông tư sửa đổi khiến nhiều người cho rằng theo quy định mới, GS không cần phải thông thạo ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong thông tư mới,  điều 9 có 5 khoản, bỏ khoản 1 thì 4 khoản còn lại đã đề cập rất rõ và đầy đủ điều kiện “thành thạo ngoại ngữ” của một GS.

Đăng Nguyên

>> Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thu chi
>> Vụ sai phạm tại Trường ĐH Quy Nhơn: Nguyên hiệu trưởng nhận bồi dưỡng 282 triệu đồng
>> GS. Ngô Bảo Châu kể về thế giới kỳ ảo của những con số
>> GS Ngô Bảo Châu được tặng Bắc đẩu Bội tinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.