|
Theo nhiều nhà giáo làm công tác xét và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) hội đồng cấp cơ sở, sự thay đổi theo thông tư mới không đáng kể, trên thực tế chưa có những bước đột phá theo xu hướng thế giới.
Chỉ được bổ nhiệm, chưa được công nhận
Theo thông tư hiện hành cũng như thông tư sửa đổi, ứng viên nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại hội đồng cấp cơ sở. Chủ tịch hội đồng chức danh cơ sở lấy xác nhận của hiệu trưởng, công bố công khai kết quả xét đạt tiêu chuẩn. Trình tự này cũng sẽ diễn ra ở hội đồng cấp ngành hoặc liên ngành. Từ đây mới gửi kết quả lên Hội đồng chức danh GS cấp Nhà nước. Căn cứ vào kết quả thẩm định, Chủ tịch Hội đồng chức danh cấp Nhà nước sẽ ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho các ứng cử viên. Như vậy, trên thực tế việc công nhận chức danh GS, PGS vẫn phải qua nhiều cấp và quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cấp Nhà nước.
Việc sửa đổi chỉ diễn ra ở khâu bổ nhiệm. Dù được công nhận là GS, PGS, nhưng những người này vẫn cần quyết định bổ nhiệm để nhận công tác. Quy định hiện nay yêu cầu hiệu trưởng xác định nhu cầu bổ nhiệm chức danh GS, PGS của trường, lập danh sách ứng viên có đủ tiêu chuẩn đề nghị Bộ GD-ĐT bổ nhiệm. Sau đó, Bộ sẽ ra quyết định chính thức. Theo thông tư sửa đổi, không cần thông qua Bộ, hiệu trưởng trường ĐH có quyền ra quyết định bổ nhiệm cho các nhà giáo có đủ điều kiện, sau đó chỉ cần báo cáo với Bộ.
Như thế, theo lãnh đạo các trường ĐH, sự điều chỉnh này không lớn và không ảnh hưởng nhiều đến việc công nhận GS, PGS nên cũng chưa lo ngại đến việc lạm phát số lượng chức danh này trong tương lai.
Cần thay đổi quy trình kèm biện pháp chế tài
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM chia sẻ: “Điều chúng tôi mong chờ là thay đổi toàn bộ quy trình xem xét và công nhận chức danh này”. Hiện nay quy trình này vẫn còn qua nhiều cấp, từ cơ sở đến ngành - liên ngành rồi lên nhà nước.
Nếu đổi mới thì quy trình chỉ cần diễn ra ở cấp cơ sở và hiệu trưởng được ra quyết định công nhận chức danh GS, PGS. Tuy nhiên, để điều này không dẫn đến những hiện tượng tiêu cực cũng như lạm phát số lượng thì phải có những biện pháp đi kèm. Chẳng hạn một số nước xung quanh ta, cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong vấn đề này quy định tỷ lệ tiến sĩ, GS cho từng trường ĐH dựa vào chất lượng cũng như vị trí, điều kiện của trường đó.
Rõ ràng, để hòa nhập với các nước và tạo quyền chủ động cho các trường, cần phải đổi mới. Thế nhưng vì môi trường học thuật ở Việt Nam còn nhiều vấn đề, cơ chế kiểm soát còn lỏng lẻo nên những thay đổi, nếu có, luôn cần biện pháp chế tài. Như thế, dư luận mới không lo ngại về chất lượng của đội ngũ khoa bảng Việt Nam trong tương lai.
Các điều kiện để được xét công nhận GS, PGS * Có các bài báo khoa học đã được công bố: Mỗi bài báo tính từ 0 - 1 điểm. Chỉ những bài đặc sắc, đăng trên các tạp chí có uy tín khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế mới có thể được tính đến 2 điểm. * Báo cáo khoa học tại hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế: tính từ 0 - 1 điểm. Trường hợp đặc biệt xuất sắc được tính đến 1,5 điểm. * Xuất bản sách phục vụ đào tạo: Tùy từng loại, tính từ 0 - 3 điểm. * Có chương trình, đề tài khoa học được nghiệm thu: Tính từ 0 - 1,5 điểm. * Hướng dẫn nghiên cứu sinh đã bảo vệ luận án tiến sĩ: 1 điểm/nghiên cứu sinh. Ứng viên là giảng viên biên chế phải có đủ 12 điểm để xét công nhận GS, 6 điểm cho PGS. Số điểm này ở ứng viên là giảng viên thỉnh giảng là 20 điểm trở lên cho GS và 10 điểm đối với PGS. * Sử dụng thành thạo ngoại ngữ bằng cách đọc hiểu được các tài liệu, viết các bài báo, trao đổi về chuyên môn bằng ngoại ngữ. Ở cả thông tư cũ và mới, những tiêu chuẩn này đều không thay đổi mà chỉ bổ sung, điều chỉnh một vài chi tiết. |
Thùy Ngân
Bình luận (0)